Lại 'nóng' chuyện vệ sinh an toàn thực phẩm bánh Trung thu

Còn gần một tháng nữa mới đến Tết Trung thu, thế nhưng tại thời điểm này, thị trường bánh Trung thu đã bắt đầu sôi động. Ngoài mẫu mã, giá cả, chất lượng thì việc kiểm soát an toàn thực phẩm bánh Trung thu vẫn được đặt lên hàng đầu.

Sôi động thị trường bánh Trung thu

Dạo qua một số tuyến phố như Phạm Hùng, Giảng Võ, Hồ Tùng Mậu; Xuân Đỉnh (Bắc Từ Liêm), Quang Trung (Hà Đông); Trần Thái Tông (Cầu Giấy)… nhiều quầy bán bánh Trung thu của các hãng như Kinh Đô, Hữu Nghị, Kido’s, Omeli… mọc lên san sát.

Cũng như mọi năm, để “hút” khách và đáp ứng nhu cầu ngày càng cao của người tiêu dùng, các hãng bánh luôn chú trọng tới việc cải tiến mẫu mã, chất lượng bánh, thiết kế bao bì. Bởi không chỉ dùng trong gia đình mà những hộp bánh còn là món quà để tặng các gia đình, bạn bè, đối tác trong dịp lễ.

Ngoài bánh Trung thu của các thương hiệu lớn thì những năm gần đây, bánh Trung thu handmade được nhiều người lựa chọn bởi mẫu mã lạ bắt mắt, nhiều vị nhân mới, độ ngọt vừa phải, giá cả phù hợp với nhiều đối tượng khách hàng. Khách hàng có thể vừa mua thưởng thức, vừa làm quà biếu, tặng. Bánh được quảng cáo bán tràn lan trên các nền tảng mạng xã hội… Giá cả của những loại bánh này cũng khá đa dạng, dao động từ vài trăm nghìn tới cả triệu đồng/hộp.

Nhiều quầy bán bánh Trung thu của các hãng như Kinh Đô, Hữu Nghị, Kido’s, Omeli… mọc lên san sát, đa dạng về chủng loại, mẫu mã

Nhiều quầy bán bánh Trung thu của các hãng như Kinh Đô, Hữu Nghị, Kido’s, Omeli… mọc lên san sát, đa dạng về chủng loại, mẫu mã

Sự đa dạng, sôi động của thị trường bánh Trung thu khiến người tiêu dùng như đứng trước “ma trận” trong việc lựa chọn và sử dụng sản phẩm vì “vàng thau lẫn lộn” cũng như nỗi lo mất an toàn vệ sinh thực phẩm.

Chị Chu Hồng Hạnh (Trung Hòa, Cầu Giấy, Hà Nội) chia sẻ, trước thời điểm Tết Trung thu hơn 1 tháng mà bánh Trung thu đã được bán tràn ngập trên thị trường và mạng xã hội. Mẫu mã của các hộp bánh rất bắt mắt, hương vị bánh cũng đa dạng, người tiêu dùng có nhiều sự lựa chọn. Tuy vậy, từ nhiều năm nay, để đảm bảo sức khỏe cho cả gia đình, chị thường chọn những loại bánh có thương hiệu và uy tín lâu năm trên thị trường.

“Mua bánh về cho gia đình sử dụng tôi thường chú trọng đến chất lượng của bánh, giá cả không là vấn đề lớn nhưng bánh phải ngon và đảm bảo chất lượng vệ sinh an toàn thực phẩm. Vì thực tế, bên cạnh những sản phẩm chất lượng tốt thì nhiều nơi sản xuất bánh Trung thu rất mất vệ sinh, chỉ nhìn thấy một lần mà bị ám ảnh mãi, cùng với đó là nguyên liệu làm bánh kém chất lượng, không đảm bảo cho sức khỏe của người sử dụng”, chị Hạnh nói.

Theo các chuyên gia thực phẩm, bánh Trung thu là sản phẩm có đa dạng các loại thực phẩm, các loại gia vị, phụ gia thực phẩm, bao gồm chất tạo màu, chất bảo quản, chất chống mốc…Mỗi loại nguyên liệu đều có nguy cơ mất an toàn thực phẩm như: thực phẩm bị ôi thiu, thực phẩm nhiễm các loại nấm mốc, vi khuẩn gây bệnh, nhiễm hóa chất độc hại. Quá trình chế biến không đảm bảo quy trình về vệ sinh: từ sơ chế nguyên liệu, nơi chế biến, dụng cụ chế biến, vệ sinh và sức khỏe của người chế biến đã khiến cho sản phẩm không an toàn cho người sử dụng.

PGS.TS Nguyễn Duy Thịnh, Viện Công nghệ Sinh học và Thực phẩm - Đại học Bách khoa Hà Nội

PGS.TS Nguyễn Duy Thịnh, Viện Công nghệ Sinh học và Thực phẩm - Đại học Bách khoa Hà Nội

Vì chạy theo lợi nhuận, một số nhà sản xuất, kinh doanh bất chấp các quy định, các công đoạn, các quy trình về an toàn thực phẩm, khiến sản phẩm dễ bị nhiễm khuẩn, có nguy cơ gây ngộ độc thực phẩm cấp tính, mạn tính, bệnh truyền qua thực phẩm và làm ảnh hưởng đến sức khỏe của người tiêu dùng.

PGS.TS Nguyễn Duy Thịnh, Viện Công nghệ Sinh học và Thực phẩm - Đại học Bách khoa Hà Nội cho hay, để nhận biết bánh Trung thu an toàn hay không an toàn trên thị trường thì rất khó, bởi các “nhược điểm” của nó không bộc lộ ra ngoài khi cầm chiếc bánh lên. Cho nên người tiêu dùng không thể nhìn vào chiếc bánh để nhận biết được độ an toàn mà họ chỉ có thể đặt niềm tin vào nơi sản xuất và bánh có nguồn gốc xuất xứ rõ ràng.

“Với các hãng bánh có thương hiệu thì đã có sự kiểm soát của nhà nước, cơ quan chức năng. Từ nhiều năm nay, vào dịp Tết Trung thu thường rộ lên trào lưu làm bánh handmade, nhà nhà làm bánh thì rất khó kiểm soát về chất lượng. Người dân chỉ có thể tự bảo vệ sức khỏe của mình bằng cách chọn mua những loại bánh có thương hiệu, đáng tin cậy và có nguồn gốc xuất xứ rõ ràng”, PGS.TS Nguyễn Duy Thịnh cho hay.

Sẽ tăng cường kiểm tra vệ sinh an toàn vệ sinh thực phẩm

Để có một mùa Trung thu đầm ấm, an vui, cần siết chặt công tác quản lý thị trường nhằm ngăn chặn hàng nhập lậu, hàng nhái, hàng kém chất lượng, gây ảnh hưởng xấu đến sức khỏe người tiêu dùng.

Ông Trần Việt Hùng - Phó Cục trưởng Cục Quản lý thị trường Hà Nội cho biết, đơn vị đã ban hành kế hoạch liên ngành, giao nhiệm vụ cho từng đội QLTT. Trong đó, rất nhiều nội dung chi tiết đã được Chi cục QLTT Hà Nội đặt ra trong đợt kiểm tra cao điểm tới đây về vấn đề ATVSTP trong dịp Tết Trung thu năm nay. Thời gian dự kiến từ 29/8 đến hết ngày 30/9.

“Kế hoạch 17 sẽ chỉ đạo định hướng các đội QLTT điều tra cơ bản tất cả các cơ sở sản xuất bánh và điểm kinh doanh bánh trên địa bàn, từ đó có cơ sở dữ liệu để tăng cường giám sát và kiểm tra và phải kiểm tra đột xuất. Kiểm tra đột xuất thì mới đạt hiệu quả. Những năm vừa qua, lực lượng chức năng kiểm tra đột xuất đã bắt rất nhiều đối tượng vi phạm, từ tuyến lưu thông cho đến các cơ sở sản xuất liên quan đến chất lượng”, ông Trần Việt Hùng nói.

Sẽ tăng cường kiểm tra vệ sinh an toàn vệ sinh thực phẩm bánh Trung thu

Sẽ tăng cường kiểm tra vệ sinh an toàn vệ sinh thực phẩm bánh Trung thu

Theo kế hoạch, đối tượng nằm trong diện kiểm tra đợt này là tất cả các tổ chức, cá nhân sản xuất, kinh doanh xuất nhập khẩu bánh kẹo liên quan đến mặt hàng phục vụ tết Trung thu trên địa bàn thành phố. Trong đó đặc biệt quan tâm và tập trung sản phẩm bánh Trung thu cũng như nguyên liệu, phụ gia sử dụng trong các cơ sở sản xuất tại nhiều làng nghề truyền thống trên địa bàn các quận, huyện như Bắc Từ Liêm, Hoài Đức, Thanh Trì cũng như các khách sạn, nhà hàng chuyên sản xuất, kinh doanh bánh Trung thu. Nếu xảy ra vi phạm an toàn thực phẩm, ngoài đội quản lý thị trường trên địa bàn thì trách nhiệm của cơ quan quản lý Nhà nước cũng phải được làm rõ.

“Ở đây cũng có phần liên quan đến trách nhiệm của địa phương, đặc biệt là phòng kinh tế, phòng kinh tế của các quận, huyện, thị xã phải có trách nhiệm, chúng ta cấp phép ra thì phải có kiểm soát, hậu kiểm. Không để tình trạng cấp ra rồi nhưng không kiểm soát được việc đó mà có thể người ta đăng ký như thế này nhưng sau khi sản xuất thì không đảm bảo theo yêu tiêu chuẩn nhà sản xuất công bố”, ông Hùng nhấn mạnh.

Lực lượng QLTT Hà Nội sẽ phối hợp với cơ quan quản lý nhà nước lấy mẫu kiểm định chất lượng nhằm phát hiện những sản phẩm bánh Trung thu sử dụng chất bảo quản vượt ngưỡng cho phép (Ảnh minh họa)

Lực lượng QLTT Hà Nội sẽ phối hợp với cơ quan quản lý nhà nước lấy mẫu kiểm định chất lượng nhằm phát hiện những sản phẩm bánh Trung thu sử dụng chất bảo quản vượt ngưỡng cho phép (Ảnh minh họa)

Lãnh đạo cục QLTT Hà Nội khẳng định, mục đích của kế hoạch kiểm tra nhằm đánh giá các quy định về chấp hành bảo đảm an toàn thực phẩm của cơ sở sản xuất, chế biến, nhập khẩu, kinh doanh bánh Trung thu. Qua đó kịp thời phát hiện, ngăn chặn xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm để nâng mức cảnh báo với người tiêu dùng. Lực lượng QLTT Hà Nội sẽ phối hợp với cơ quan quản lý nhà nước lấy mẫu kiểm định chất lượng nhằm phát hiện những sản phẩm bánh Trung thu sử dụng chất bảo quản vượt ngưỡng cho phép, vì thực tế kiểm tra những năm vừa trước đã phát hiện nhiều sản phẩm bánh Trung thu nhập lậu có thể để đến 3-4 tháng mà không có biểu hiện nấm mốc hay hư hỏng…

Cách lựa chọn bánh Trung thu an toàn

Mới đây, Cục An toàn thực phẩm (Bộ Y tế) đã đưa ra hướng dẫn cách chọn bánh Trung thu an toàn. Theo đó, khi lựa chọn và sử dụng bánh Trung thu, người tiêu dùng cần lưu ý các tiêu chí sau:

Sản phẩm phải có nguồn gốc rõ ràng như, có tên của nhà sản xuất, địa chỉ nơi sản xuất, có hướng dẫn sử dụng, bảo quản... Người tiêu dùng chỉ nên mua, sử dụng thực phẩm, phụ gia thực phẩm có nhãn mác đầy đủ, nguồn gốc, xuất xứ rõ ràng; không sử dụng phụ gia thực phẩm ngoài danh mục, không đúng đối tượng, liều lượng theo quy định.

Người tiêu dùng nên lựa chọn các nhà sản xuất đáp ứng được các quy định về đảm bảo ATTP. Sản phẩm phải ghi ngày sản xuất, thời hạn sử dụng và còn hạn sử dụng.

khi lựa chọn và sử dụng bánh Trung thu, người tiêu dùng cần chọn các sản phẩm có nguồn gốc rõ ràng

khi lựa chọn và sử dụng bánh Trung thu, người tiêu dùng cần chọn các sản phẩm có nguồn gốc rõ ràng

Sản phẩm được bày bán ở những địa điểm kinh doanh xác định, đáp ứng các yêu cầu về điều kiện kinh doanh thực phẩm như: có đủ trang thiết bị che đậy tránh bụi bẩn, mưa nắng, côn trùng xâm nhập; bảo quản đúng quy định trên nhãn sản phẩm của nhà sản xuất; Người tiêu dùng phải sử dụng cảm quan để đánh giá bảo đảm sản phẩm không bị dập nát, biến dạng, bao bì không rách nát, không có màu sắc khác thường, không bị thiu, ẩm mốc, hư hỏng và không có mùi khác lạ; Tuyệt đối không lựa chọn, mua sản phẩm trôi nổi, không có nguồn gốc, hàng hết hạn sử dụng, bao bì rách nát, sản phẩm biến dạng, hàng lậu.

Người tiêu dùng nên bảo quản và sử dụng theo hướng dẫn của nhà sản xuất được ghi trên bao bì hàng hóa của sản phẩm, và lưu ý một số khuyến cáo của nhà sản xuất như: đối tượng sử dụng và một số lưu ý khi sử dụng (nếu có).

Bánh mua về phải được bảo quản ở nơi sạch sẽ, được che đậy tránh bụi bẩn, mưa nắng, côn trùng xâm nhập, bảo quản theo đúng quy định trên nhãn sản phẩm của nhà sản xuất.

Chỉ ăn bánh còn hạn sử dụng, không bị dập nát biến dạng, bao bì không rách nát, không có màu sắc khác thường, không bị thiu, ẩm mốc, hư hỏng và không có mùi khác lạ.

Rửa tay sạch trước khi cắt, chia bánh và trước khi ăn bánh. Không ăn quá nhiều bánh và các thực phẩm giàu đạm, mỡ, đường trong khẩu phần ăn để tránh rối loạn hấp thu thực phẩm...

Chung Thủy/VOV.VN

Nguồn VOV: https://vov.vn/xa-hoi/lai-nong-chuyen-ve-sinh-an-toan-thuc-pham-banh-trung-thu-post1043153.vov