Lãi suất chịu áp lực tăng
Theo giới chuyên gia, xu hướng tăng của nhu cầu tín dụng, diễn biến nợ xấu và tỷ giá thời gian tới có thể tiếp tục gây áp lực lên lãi suất cho vay.
Chưa hết áp lực
Kết thúc cuộc họp hôm 18/12/2024 (theo giờ địa phương), Cục Dự trữ liên bang Mỹ (Fed) đã quyết định hạ lãi suất thêm 0,25%/năm, đánh dấu lần giảm thứ ba liên tiếp trong năm nay. Lãi suất USD dự báo sẽ được cắt giảm nhẹ hơn trong năm 2025, do rủi ro lạm phát cao hơn từ các chính sách của Tổng thống mới đắc cử Donald Trump. Các quan chức Fed đã phát đi thông điệp rằng Ngân hàng Trung ương Mỹ đang khá thận trọng trong lộ trình cắt giảm lãi suất điều hành của mình.
Trong nước, tỷ giá USD/VND tại các ngân hàng liên tục niêm yết sát và kịch trần suốt hơn 1 tháng qua, khiến Ngân hàng Nhà nước (NHNN) phải áp dụng đồng thời các công cụ để ổn định thị trường, với việc hút ròng nhẹ. Cụ thể, NHNN đã đẩy mạnh việc phát hành kênh mua kỳ hạn 7 ngày, lãi suất 4%/năm, với khối lượng đạt 52.000 tỷ đồng trên tổng số 35.000 tỷ đồng đáo hạn. Tính chung, trong thời gian từ ngày 9/12 - 16/12/2024, giá trị tín phiếu phát hành đạt 29.130 tỷ đồng trên tổng số 4.450 tỷ đồng đáo hạn. Hoạt động điều hành của NHNN được đánh giá sẽ giúp kiềm chế đà tăng nóng của tỷ giá, nhưng sẽ phần nào ảnh hưởng tới thanh khoản VND của hệ thống ngân hàng.
Áp lực tỷ giá cũng ảnh hưởng lớn đến khả năng giảm lãi suất. Nếu NHNN giảm lãi suất, điều này có thể gây biến động tỷ giá mạnh hơn và làm giảm niềm tin của nhà đầu tư nước ngoài. Đồng thời, hiện các mức lãi suất huy động tiền gửi từ dân cư cũng được các nhà băng nâng lên, lãi suất kỳ hạn dài đã lên tới hơn 7%/năm. Các ngân hàng đang chạy đua huy động để đáp ứng cầu vốn cuối năm.
NHNN cho biết, tính đến ngày 31/10/2024, tín dụng nền kinh tế tăng 10,08% so với cuối năm 2023, tăng 16,65% so với cùng kỳ năm 2023 (cùng kỳ năm 2023 tăng 7,4%). Như vậy, so với mục tiêu tăng trưởng 15% ngành đưa ra năm nay, các ngân hàng còn nhiều dư địa cấp vốn trong 2 tháng cuối năm. Trong bối cảnh này, NHNN đã yêu cầu các ngân hàng thương mại tiết giảm chi phí để có thể hạ lãi suất vay. Để kích cầu tăng trưởng tín dụng hai tháng còn lại của năm 2024, đạt mục tiêu dư nợ, các ngân hàng cũng đang nỗ lực đẩy vốn ra thị trường, song lãi suất cho vay cả với doanh nghiệp, cá nhân khó giảm sâu hơn.
Công ty Chứng khoán Vietcombank (VCBS) nhận định, mặt bằng lãi suất huy động tiếp tục xu hướng tăng nhẹ giai đoạn cuối năm 2024 do nhiều yếu tố. Cụ thể, áp lực về tỷ giá và sức ép của lạm phát vẫn hiện hữu khi xét đến những yếu tố liên quan đến biến động giá cả hàng hóa dưới tác động của căng thẳng địa chính trị tại một số khu vực trên thế giới. Áp lực chênh lệch tỷ giá giữa đồng USD/VND có thể tiếp diễn trong bối cảnh USD vẫn đang mạnh lên trong năm 2025. Ngoài ra, mục tiêu đảm bảo thanh khoản và đáp ứng nhu cầu tín dụng cũng khiến nhiều ngân hàng có thể phải tăng cường huy động nhằm mục đích cân đối thanh khoản và đảm bảo các chỉ số an toàn tài chính. Trong đó, một số ngân hàng đã chạm ngưỡng LDR, dẫn đến ưu tiên tăng nguồn huy động để giảm thiểu rủi ro thanh khoản. Trong khi cầu tín dụng thường có xu hướng tăng cao trong những tháng cuối năm, đặc biệt là nhóm bất động sản và xây dựng.
Năm 2025, các chuyên gia của VCBS kỳ vọng lãi suất huy động sẽ theo xu hướng nhích dần đều, nhưng vẫn ở mặt bằng thấp so với giai đoạn trước đại dịch Covid-19. Công ty chứng khoán này dự báo mức lãi suất huy động sẽ tăng nhẹ từ 0,2 - 0,3/năm ở các kỳ hạn trung và dài hạn cho giai đoạn cuối năm 2024 và đi ngang trong năm 2025.
Xu hướng nhích nhẹ
Trong Báo cáo Triển vọng ngành ngân hàng năm 2025, VCBS chỉ rõ lãi suất cho vay đã giảm về mức thấp kỷ lục trong quý III/2024. Theo dữ liệu tổng hợp từ báo cáo tài chính của 27 ngân hàng niêm yết, lãi suất cho vay trung bình đã giảm khoảng 2,7%/năm từ mức đỉnh của quý I/2023. Các chuyên gia phân tích dự báo, việc lãi suất huy động tăng trở lại từ quý II/2024 sẽ có độ trễ 3 - 6 tháng để phản ánh vào lãi suất cho vay. Do đó, mặt bằng lãi suất cho vay đi ngang trong quý IV/2024 và dự báo sẽ tăng trong năm 2025 nhưng ở mức thấp. VCBS dự đoán lãi suất cho vay tăng thêm 0,5 - 0,7%/năm vào năm 2025 trong bối cảnh kinh tế hồi phục và nhu cầu tín dụng mạnh mẽ hơn.
Báo cáo lãi suất của các ngân hàng thương mại cho thấy, đến nay, mặt bằng lãi suất cho vay tiếp tục giảm khoảng 0,96%/năm so cuối năm 2023. Phó thống đốc NHNN Đào Minh Tú cho hay, năm 2024, NHNN đã chủ động điều hành các công cụ của chính sách tiền tệ linh hoạt, theo sát những biến động lớn của kinh tế thế giới, góp phần kiểm soát lạm phát phù hợp với mục tiêu đề ra, góp phần củng cố nền tảng ổn định kinh tế vĩ mô và đảm bảo các cân đối lớn của nền kinh tế. Lạm phát 11 tháng đầu năm được kiểm soát ở mức 3,69%, hỗ trợ kinh tế tăng trưởng khá cao (6,82%). Trong điều hành lãi suất, NHNN tiếp tục giữ nguyên các mức lãi suất điều hành trong bối cảnh lãi suất thế giới vẫn neo ở mức cao, tạo điều kiện cho tổ chức tín dụng tiếp cận nguồn vốn từ NHNN với chi phí thấp, qua đó, có điều kiện để hỗ trợ nền kinh tế; tiếp tục chỉ đạo các tổ chức tín dụng tiết giảm chi phí hoạt động để phấn đấu giảm lãi suất cho vay, yêu cầu tổ chức tín dụng báo cáo và công bố công khai mức lãi suất cho vay bình quân, chênh lệch lãi suất tiền gửi, cho vay bình quân trên trang thông tin điện tử của tổ chức tín dụng.
Tuy nhiên, việc điều hành lãi suất hiện nay gặp không ít khó khăn do áp lực từ thị trường quốc tế và tình hình trong nước. Nếu lãi suất cho vay giảm mạnh, tỷ giá có nguy cơ tăng cao, gây mất ổn định kinh tế vĩ mô và tâm lý lo ngại cho nhà đầu tư nước ngoài… Bên cạnh đó, tỷ lệ nợ xấu gia tăng cũng làm gia tăng áp lực lên hệ thống ngân hàng. Để bảo đảm hoạt động, các ngân hàng buộc phải trích lập dự phòng rủi ro, làm giảm lợi nhuận và hạn chế khả năng tiếp tục giảm lãi suất cho vay.
Vả lại, theo các chuyên gia tài chính, mặt bằng lãi suất huy động kỳ hạn 12 tháng tại các ngân hàng lớn có thể tăng thêm khoảng 0,5%/năm, đạt mức 5,2 - 5,5%/năm vào cuối năm, tạo sức ép không nhỏ lên lãi suất cho vay. Tuy vậy, NHNN vẫn khẳng định sẽ tiếp tục chỉ đạo các ngân hàng tiết giảm chi phí hoạt động để giữ ổn định hoặc giảm nhẹ lãi suất cho vay, hỗ trợ doanh nghiệp và nền kinh tế. Trong thời gian gần đây, NHNN đã ban hành văn bản yêu cầu các tổ chức tín dụng tập trung rà soát, tiết giảm các chi phí không cần thiết, miễn giảm phí dịch vụ và đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin để đơn giản hóa thủ tục cho vay.
Thủ tướng cũng vừa yêu cầu NHNN kiểm soát chặt lãi suất huy động của các ngân hàng và thực hiện các giải pháp giảm mặt bằng lãi cho vay để hỗ trợ người dân, doanh nghiệp. Tại Công điện ngày 16/12/2024 về tiếp tục tăng cường các giải pháp điều hành lãi suất, tín dụng, Thủ tướng Chính phủ yêu cầu NHNN tập trung thực hiện quyết liệt, hiệu quả hơn nữa các nhiệm vụ, giải pháp về điều hành lãi suất, tỷ giá, tăng trưởng tín dụng, giảm mặt bằng lãi suất cho vay, nhất là kiểm soát chặt chẽ lãi suất huy động của các ngân hàng thương mại…, đáp ứng nhu cầu vốn cho nền kinh tế trong dịp cuối năm 2024 cũng như ngay từ những tháng đầu năm 2025, tháo gỡ khó khăn cho người dân, doanh nghiệp, hỗ trợ phát triển sản xuất - kinh doanh, bảo đảm đưa vốn tín dụng vào nền kinh tế thực chất, hiệu quả nhất.
Thủ tướng yêu cầu NHNN tiếp tục thực hiện có hiệu quả và mạnh mẽ hơn nữa các giải pháp theo thẩm quyền để giảm mặt bằng lãi suất cho vay của hệ thống các tổ chức tín dụng, hỗ trợ người dân, doanh nghiệp có điều kiện phát triển sản xuất - kinh doanh, tạo doanh thu, lợi nhuận và trả nợ vay cho ngân hàng. Tuy nhiên, theo các chuyên gia, xu hướng tăng nhu cầu tín dụng, tình hình nợ xấu, tỷ giá thời gian tới có thể tiếp tục gây áp lực lên lãi vay. Bởi lãi suất cho vay không chỉ phụ thuộc vào chi phí hoạt động của ngân hàng, mà còn phản ánh khả năng xảy ra trong tương lai và đặt trong bối cảnh tỷ lệ nợ xấu ngày càng tăng.
Tỷ lệ nợ xấu nội bảng toàn ngành ngân hàng tính đến cuối tháng 9/2024 đạt mức 4,55%, gần bằng mức cuối năm 2023, nhưng tăng gấp đôi so với năm 2022. Theo đó, các ngân hàng phải trích lập dự phòng rủi ro nhiều hơn, ảnh hưởng đến lợi nhuận và hạn chế khả năng giảm lãi suất cho vay.
Nguồn ĐTCK: https://tinnhanhchungkhoan.vn/lai-suat-chiu-ap-luc-tang-post360393.html