Lãi suất cho đối tượng nghèo vay vốn do địa phương quyết định
Cử tri TP Hà Nội có ý kiến đề nghị Bộ Tài chính nghiên cứu sửa đổi Thông tư số 11/2017/TT-BTC ngày 8/2/2017 về việc quản lý và sử dụng nguồn vốn ngân sách địa phương ủy thác qua Ngân hàng Chính sách xã hội để cho vay đối với người nghèo và đối tượng chính sách theo hướng quy định về kênh tiếp cận, điều kiện, tiêu chuẩn được vay vốn phù hợp với đối tượng là công nhân, viên chức, người lao động.
Theo cử tri TP Hà Nội, quy định như hiện nay thông qua đoàn thể thôn, tổ dân phố người lao động sẽ rất khó khăn và hầu như không tiếp cận được với nguồn vốn, đặc biệt là công nhân tại các doanh nghiệp, khu công nghiệp và chế xuất thuê trọ, không có hộ khẩu thường trú, trong khi nhu cầu vay vốn của công nhân lao động là rất lớn, nhiều người lao động buộc phải tiếp cận với nguồn tín dụng đen, ảnh hưởng đến đời sống, xã hội, an ninh trật tự trên địa bàn.
Trả lời về ý kiến này, Bộ Tài chính cho biết, Nghị định số 78/2002/NĐ-CP ngày 4/10/2002 của Chính phủ về tín dụng đối với người nghèo và các đối tượng chính sách khác quy định: Nguồn vốn hoạt động của Ngân hàng Chính sách xã hội bao gồm vốn nhận ủy thác cho vay ưu đãi của chính quyền địa phương; vốn nhận ủy thác cho vay ưu đãi được sử dụng theo các mục đích do bên ủy thác yêu cầu và được ghi trong hợp đồng ủy thác.
Mức cho vay, thời hạn cho vay, lãi suất cho vay, quy trình, thủ tục cho vay, bảo đảm tiền vay (nếu có) do UBND cấp tỉnh quyết định trên cơ sở các quy định hiện hành của Ngân hàng Chính sách xã hội và phù hợp với thực tế tại địa phương. Căn cứ các quy định nêu trên, việc sửa đổi quy định liên quan đến kênh tiếp cận, điều kiện, tiêu chuẩn được vay vốn đối với đối tượng công nhân, viên chức, người lao động thuộc thẩm quyền của HĐND và UBND TP. Hà Nội quyết định (bên ủy thác).