Lãi suất cho vay bình quân có thể hạ xuống mức 10%

Nhiều chuyên gia cho rằng vẫn còn dư địa để Ngân hàng Nhà nước (NHNN) tiếp tục giảm lãi suất điều hành được kỳ vọng sẽ tạo hiệu ứng hạ lãi suất cho vay, thúc đẩy tăng trưởng kinh tế trong thời gian tới.

Trong báo cáo chiến lược vừa phát hành, các chuyên gia phân tích thị trường của Maybank Investment Banking Group cho rằng NHNN vẫn còn dư địa để giảm lãi suất điều hành.

Tổ chức này cho rằng hiện lạm phát trong nước ở mức vừa phải (dự báo mức lạm phát trung bình cả năm dưới mục tiêu 4,5%) và nhiều khả năng Cục dự trữ lên bang Mỹ (Fed) sẽ giảm lãi suất cơ sở với 50 điểm cơ bản trong quý 2 năm nay.

Công ty chứng khoán KB Việt Nam (KBVS) nhận định, NHNN sẽ có nhiều dư địa để nới lỏng chính sách tiền tệ hơn trong năm 2023, với kịch bản cơ sở lạm phát bình quân được kiểm soát tốt quanh 4-4,5%, nhờ áp lực từ lạm phát toàn cầu và tỉ giá trong nước được dự báo bớt căng thẳng hơn so với năm 2022.

Bên cạnh đó, việc đứt gãy chuỗi cung ứng dần được cải thiện và nhu cầu tiêu thụ toàn cầu sụt giảm giúp giá hàng hóa hạ nhiệt. FED được dự báo sẽ sớm kết thúc chu kỳ tăng lãi suất vào cuối quý II-2023. Đây sẽ là yếu tố hỗ trợ cho mặt bằng lãi suất huy động 12 tháng duy trì quanh ngưỡng 7%, và lãi suất cho vay bình quân quanh ngưỡng 10%/năm.

“Điều này sẽ cho phép NHNN cắt giảm lãi suất điều hành thêm 50 điểm cơ bản vào giữa năm 2023 và 50 điểm cơ bản nữa vào đầu năm 2024”- Maybank Investment Banking Group nhận định.

Tương tự, KBVS nêu quan điểm: NHNN có thể sẽ hạ thêm các loại lãi suất điều hành thêm 50 điểm cơ bản trong quý 2-2023 để tiếp tục hỗ trợ nền kinh tế.

So sánh dữ liệu quá khứ giai đoạn 2000 – 2022, KBVS nhận thấy trong môi trường lạm phát bình quân biến động từ 4 -5% thì lãi suất huy động 12 tháng sẽ duy trì quanh mức 7-8%/năm và lãi suất cho vay bình quân biến động từ 9,5 -11%/năm.

Khi lạm phát được kiểm soát dưới 4,5% sẽ là yếu tố hỗ trợ cho khả năng bình ổn mặt bằng lãi suất. Trong năm 2023, các yếu tố được kỳ vọng sẽ góp phần hỗ trợ thanh khoản tiền đồng trên hệ thống đến từ việc NHNN thực hiện lại nghiệp vụ mua USD, trong bối cảnh nguồn cung ngoại tệ tốt đến từ thặng dư thương mại, kiều hối và FDI, vay nợ ròng nước ngoài.

Yếu tố trên giúp tăng dự trữ ngoại hối và bơm một lượng tiền đồng vào hệ thống các ngân hàng. Ngoài ra, thanh khoản tiền đồng được dự báo bớt căng thẳng với điều kiện giải ngân đầu tư công đạt trên 80% kế hoạch năm.

Phó Thống đốc NHNN Đào Minh Tú cho biết: Trên cơ sở mục tiêu tăng trưởng kinh tế năm 2023 khoảng 6,5% và lạm phát khoảng 4,5%, NHNN định hướng tăng trưởng tín dụng năm 2023 khoảng 14 - 15%, có điều chỉnh phù hợp với diễn biến, tình hình thực tế, hướng vào các lĩnh vực sản xuất - kinh doanh, lĩnh vực ưu tiên, tiếp tục kiểm soát rủi ro tín dụng đối với các lĩnh vực tiềm ẩn rủi ro.

Tuy nhiên, số liệu mới nhất do NHNN công bố, tính đến ngày 20-4 vừa qua, tăng trưởng tín dụng đạt trên 12,23 triệu tỉ đồng, tăng 2,57% so với cuối năm 2022, thấp hơn so với cùng kỳ năm 2022 ở mức 6,46%.

Lý giải về tăng trưởng tín dụng thấp, ông Đào Minh Tú nói: Nguyên nhân từ phía cầu tín dụng để đầu tư phục vụ sản xuất kinh doanh, tiêu dùng đều giảm, giải ngân đầu tư công còn chậm), thị trường trái phiếu doanh nghiệp, thị trường chứng khoán chưa phát triển tương xứng với vai trò cung ứng vốn trung, dài hạn cho nền kinh tế.

Bên cạnh đó, do thị trường bất động sản đang khó khăn (chủ yếu liên quan đến pháp lý dự án) dẫn tới cầu tín dụng bất động sản tăng chậm hơn nhiều so với các năm trước kéo theo tăng tín dụng chung ở mức thấp…

THÙY LINH

Nguồn PLO: https://plo.vn/lai-suat-cho-vay-binh-quan-co-the-ha-xuong-muc-10-post731689.html