Lãi suất cho vay thấp hơn trước dịch COVID-19

Lãi suất cho vay hiện đã thấp hơn cả giai đoạn trước dịch COVID-19 nhưng tăng trưởng tín dụng tính đến 27-10 mới chỉ đạt 7,1% so với cuối năm ngoái.

Chiều ngày 2-11, ông Nguyễn Đức Lệnh, Phó giám đốc Ngân hàng Nhà nước (NHNN) chi nhánh TP.HCM cho biết: "Tính riêng trên địa bàn TP.HCM, lãi suất cho vay đối với doanh nghiệp hộ kinh doanh đã giảm mạnh, kể cả các khoản vay cũ.

Đến thời điểm hiện nay, có khoảng 63% dư nợ tín dụng trên địa bàn có lãi suất phổ biến dưới 9,75%. Số còn lại có mức lãi suất phổ biến dưới 10,53%/năm (chủ yếu là những khoản dư nợ vay trung dài hạn).

Nhiều giải pháp tăng trưởng tín dụng

Hiện nay, dư nợ cho vay ngoại tệ trên địa bàn đạt khoảng 172.000 tỉ đồng, tăng 2,4% so với cuối năm 2022; dư nợ cho vay năm nhóm, ngành lĩnh vực ưu tiên (trong đó có lĩnh vực xuất khẩu) đạt khoảng 200.000 tỉ đồng với lãi suất cho vay ngắn hạn bằng VND không quá 4%/năm."

Tại kỳ họp thứ 6 Quốc hội Khóa XV diễn ra ngày 1-11, Thống đốc NHNN Nguyễn Thị Hồng cho biết, tính đến ngày 27-10, tín dụng toàn ngành kinh tế tăng 7,1% so với cuối năm ngoái.

Để thúc đẩy tăng trưởng tín dụng, hỗ trợ nền kinh tế, NHNN đã có nhiều giải pháp điều hành chính sách tiền tệ cả bên cung và cầu vốn tín dụng.

 Lãi suất cho vay đã hạ nhưng tín dụng vẫn tăng chậm.

Lãi suất cho vay đã hạ nhưng tín dụng vẫn tăng chậm.

Thống đốc Nguyễn Thị Hồng cho biết: “Đối với bên cung tín dụng, ngay từ đầu năm 2023 NHNN đã đưa ra chỉ tiêu, định hướng tăng trưởng tín dụng cả năm là 14% và đến gần giữa năm đã phân bổ hết, thông báo cho tất cả các tổ chức tín dụng trong toàn hệ thống với chỉ tiêu khoảng 14%.

Về chính sách bên cầu, NHNN đã bốn lần điều chỉnh giảm lãi suất điều hành để định hướng đưa mặt bằng lãi suất của các khoản cho vay mới giảm khoảng 2% so với cuối năm 2022.

Nếu tính cả những khoản cho vay cũ và vay mới, lãi suất cho vay giảm khoảng 1%/năm so với năm 2022. Hiện so với trước đại dịch Covid-19, lãi suất cho vay đã bằng, thậm chí thấp hơn khoảng 0,3%/năm”.

Tuy nhiên, tín dụng vẫn tăng chậm, đến ngày 27-10 tín dụng toàn hệ thống mới chỉ tăng 7,1% so với cuối năm ngoái.

Hiện nay, các bộ, ngành cùng NHNN đang thực hiện đồng bộ các giải pháp như xúc tiến thương mại để tăng đơn hàng xuất khẩu và tăng cường khai thác cầu nội địa để doanh nghiệp có đầu ra và có dự án khả thi sẽ tiếp cận được tín dụng.

Trong đó, dư nợ bất động sản vốn chiếm trên 20% tổng tín dụng toàn hệ thống, hiện đang đối mặt với hàng loạt khó khăn liên quan đến pháp lý.

“Do đó, sau khi khó khăn về pháp lý được tháo gỡ, chắc chắn tăng trưởng tín dụng cũng sẽ tăng theo” - bà Hồng nhấn mạnh.

Cần giải pháp thu hồi nợ xấu

Bà Hồng thông tin thêm, đặc thù doanh nghiệp nhỏ và vừa của Việt Nam chiếm đến 95% tổng số doanh nghiệp trong cả nước, những doanh nghiệp này cũng khó khăn trong cạnh tranh cũng như về tiềm lực tài chính.

Do đó, NHNN đã nhiều lần có kiến nghị là phải tăng cường các giải pháp như bảo lãnh vay vốn. Có như vậy mới có thể đồng hành và thúc đẩy tăng trưởng tín dụng.

Liên quan đến tín dụng thủy sản theo Nghị định 67 của Chính phủ, chủ tàu đóng mới hay nâng cấp tàu được vay ngân hàng với hạn mức tối đa lên đến 95% tổng giá trị đầu tư, thời hạn vay tới 11 năm và lãi suất 7%/năm, trong đó chủ tàu chỉ phải trả 1%/năm, ngân sách nhà nước cấp bù 6%/năm.

Tuy nhiên, số liệu mới nhất từ Thống đốc NHNN Việt Nam cho biết: “Đến nay, dư nợ tín dụng đối với chương trình này khoảng 9.000 tỉ đồng nhưng có đến 8.000 tỉ đồng là nợ xấu và nợ đã đưa ra ngoại bảng.

Hiện doanh nghiệp và người dân gặp khó khăn trong trả nợ vay và các tổ chức tín dụng cũng khó khăn trong thu hồi nợ. Như vậy, cần phải có giải pháp để xử lý vấn đề này”.

THÙY LINH

Nguồn PLO: https://plo.vn/lai-suat-cho-vay-thap-hon-truoc-dich-covid-19-post759596.html