Lãi suất cho vay tiếp tục giảm, doanh nghiệp sẽ 'dễ thở' hơn

Kích cầu tín dụng

Ông Võ Đình Phong, Giám đốc NHNN Việt Nam - Chi nhánh tỉnh Bình Dương, cho biết từ ngày 19-6, lãi suất cho vay qua đêm trong thanh toán điện tử liên ngân hàng và cho vay bù đắp thiếu hụt vốn trong thanh toán bù trừ của NHNN đối với tổ chức tín dụng (TCTD) chỉ còn 5%/ năm, lãi suất tái cấp vốn còn 4,5%/năm, lãi suất tái chiết khấu chỉ còn 3%/năm. Đồng thời, tiền gửi từ 1 đến dưới 6 tháng lãi suất cao nhất chỉ còn 4,75%/năm, riêng Quỹ tín dụng nhân dân, tổ chức tài chính vi mô áp dụng mức giảm từ 5,5%/năm xuống 5,25%. Lãi suất cho vay ngắn hạn tối đa của TCTD để phục vụ một số lĩnh vực, ngành kinh tế giảm từ 4,5%/năm xuống 4%.

Lãi suất cho vay giảm, người dân thuận lợi hơn để vay vốn phát triển sản xuất. Trong ảnh: Khách hàng giao dịch tại Quỹ tín dụng nhân dân Phước Hòa, huyện Phú Giáo

Việc điều chỉnh lãi suất điều hành của NHNN sẽ là cơ sở để các ngân hàng giảm mặt bằng lãi suất huy động và cho vay. Thời gian qua, có thể thấy các ngân hàng đã nhiều lần giảm lãi suất, thậm chí có những gói lãi suất cho vay còn gần tương đương với lãi suất huy động. Việc điều chỉnh giảm trần lãi suất tiền gửi bằng VNĐ hỗ trợ ngân hàng thương mại giảm chi phí đầu vào, từ đó có điều kiện thuận lợi tiếp tục giảm lãi suất cho vay để hỗ trợ khách hàng giảm chi phí tài chính.

“NHNN đã điều hành chính sách lãi suất rất linh hoạt, giảm lãi suất điều hành và cũng có những chỉ đạo vận động các ngân hàng thương mại tích cực giảm lãi suất cho vay để chia sẻ khó khăn, tạo điều kiện cho DN vượt qua những khó khăn trong thời điểm hiện nay. Đây là lần thứ 4 kể từ đầu năm tới nay, NHNN hạ lãi suất điều hành, được kỳ vọng sẽ kích thích khả năng hấp thụ vốn đang yếu của các DN và nền kinh tế”, ông Võ Đình Phong nói.

Trước đó, Văn phòng Chính phủ cũng đã ban hành Văn bản số 225/TB-VPCP ngày 15-6-2023 thông báo kết luận của Thường trực Chính phủ tại cuộc họp về những nhiệm vụ, giải pháp lớn ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát, thúc đẩy tăng trưởng và bảo đảm các cân đối lớn của nền kinh tế trong tình hình hiện nay. Thường trực Chính phủ yêu cầu NHNN Việt Nam khẩn trương thực hiện đồng bộ, hiệu quả các công cụ của chính sách tiền tệ; khẩn trương có ngay các giải pháp thiết thực, cụ thể để giảm mặt bằng lãi suất, trong đó giảm lãi suất điều hành ngay trong tháng 6-2023 và định hướng giảm lãi suất huy động và cho vay đối với khách hàng của các TCTD nhằm tích cực hỗ trợ DN, người dân phục hồi SXKD.

Giảm mạnh lãi suất cho vay

Trao đổi với phóng viên, ông Nguyễn Thái Minh Quang, Giám đốc Ngân hàng Ngoại thương Việt Nam, Chi nhánh Bình Dương (Vietcombank Bình Dương), cho biết năm 2023 Vietcombank Bình Dương đặt mục tiêu tăng trưởng tín dụng 12% (khoảng 2.000 tỷ đồng). Tuy nhiên, do tình hình kinh tế khó khăn, các trụ cột cho tăng trưởng tín dụng đều giảm sút, dự báo tăng trưởng khó có thể đạt mục tiêu. “Trong năm 2023, Vietcombank Bình Dương vẫn tiếp tục duy trì mặt bằng lãi suất cho vay ở mức cạnh tranh nhất so với thị trường theo quy định của NHNN. Vietcombank giảm 0,5%/năm lãi suất cho tất cả khách hàng có dư nợ hiện hữu và phát sinh mới ngay từ đầu năm”, ông Nguyễn Thái Minh Quang nói.

Lãi suất cho vay giảm giúp doanh nghiệp và người dân có thêm điều kiện phát triển sản xuất, kinh doanh. Trong ảnh: Khách hàng giao dịch tại Vietcombank Bình Dương. Ảnh: MINH DUY

Trong khi đó, ông Huỳnh Văn Thúy, Giám đốc Ngân hàng Á Châu (ACB), Chi nhánh Bình Dương, cho biết trước thời điểm điều chỉnh lãi suất điều hành của NHNN, chủ trương của ACB là giảm lãi suất tối đa để hỗ trợ DN và người dân. Cụ thể, chương trình lãi suất huy động kỳ hạn 6 tháng trở lên là 7,2 - 7,5%/ năm nhưng cho vay chỉ 8,2 - 8,5%/năm, chi phí dự phòng 0,75%, tính ra hoạt động không có lời. Cũng theo ông Thúy, năm 2022 ACB Bình Dương đã bơm ra thị trường 5.000 tỷ đồng vốn vay hỗ trợ DN và người dân. Theo kế hoạch năm 2023, ACB Bình Dương tiếp tục giải ngân 4.000 tỷ đồng để thúc đẩy hỗ trợ hoạt động SXKD của khách hàng DN và hộ kinh doanh cá thể. Từ đầu năm đến nay chi nhánh đã giải ngân được 1.000 tỷ đồng.

Ông Hoàng Văn Hiếu, Giám đốc Công ty TNHH Hải Long, phường Định Hòa, TP.Thủ Dầu Một chia sẻ, trong giai đoạn khó khăn hiện nay, DN được tiếp cận nguồn vốn với lãi suất hỗ trợ đó là một tín hiệu tích cực để có thể ổn định, mở rộng SXKD. “Thời điểm tôi vay tại ACB Bình Dương với lãi suất 8,5%/năm, trong khi mức lãi suất huy động đã là 7,5%/năm, cho thấy ngân hàng đã chịu thiệt thòi để chia sẻ với khó khăn với DN. Chính sách hỗ trợ này có tác động tích cực để DN vượt qua giai đoạn khó khăn”, ông Hiếu bày tỏ.

Có thể nói, việc điều chỉnh giảm lãi suất điều hành của NHNN là thiết thực, kịp thời để các ngân hàng thương mại, TCTD phát huy tinh thần trách nhiệm trong thực thi chủ trương, chính sách điều hành của Chính phủ và NHNN trong việc đồng hành chia sẻ những khó khăn với DN và người dân.

Ông Võ Đình Phong, Giám đốc NHNN, Chi nhánh Bình Dương: Việc liên tiếp giảm các mức lãi suất điều hành khẳng định NHNN rất quyết liệt với định hướng giảm mặt bằng lãi suất thị trường, góp phần tháo gỡ khó khăn cho DN và nền kinh tế. Việc giảm lãi suất điều hành sẽ tạo điều kiện cho các TCTD giảm chi phí vay từ NHNN, qua đó nâng cao hiệu quả sử dụng và luân chuyển vốn. Tuy nhiên, việc giảm lãi suất điều hành sẽ có độ trễ nhất định để tác động tới lãi suất cho vay trên thị trường, bởi lãi suất cho vay còn chịu ảnh hưởng lãi suất của các khoản huy động cũ. Do đó, thị trường cần thời gian để hấp thụ sự điều chỉnh này. Thời gian vừa qua, các TCTD cũng đã có sự điều chỉnh giảm lãi suất huy động và cho vay. Tôi kỳ vọng lãi suất cho vay sẽ giảm nhiều hơn và sẽ có tác động tích cực hơn đối với tăng trưởng tín dụng và kích thích nền kinh tế trong 6 tháng cuối năm.

MINH DUY

Nguồn Bình Dương: https://baobinhduong.vn/lai-suat-cho-vay-tiep-tuc-giam-doanh-nghiep-se-de-tho-hon-a299097.html