Lãi suất điều hành có thể chạm ngưỡng 6,5% vào cuối 2023

HSBC nâng dự báo tăng trưởng kinh tế 2022 của Việt Nam lên mức 6,9%, đồng thời, hạ dự báo của năm 2023 xuống mức 6,3% khi rủi ro từ giá năng lượng leo thang.

“Mặc dù hiện tại áp lực giá cả của Việt Nam chưa rõ ràng như những quốc gia khác trong khu vực, đà lạm phát vẫn tăng nhanh chóng”, HSBC nhận định trong đánh giá mới nhất.

Cụ thể, lạm phát toàn phần tăng 0,7% so với tháng trước, tương đương với 3,4% so với năm ngoái, vượt khỏi dự báo của HSBC và thị trường. Tương tự những tháng trước, lạm phát vận chuyển cao vẫn đóng vai trò chủ đạo, tăng 3,6% so với tháng trước. Giá xăng đầu trong nước tiếp tục được điều chỉnh tăng, đạt mức cao kỷ lục.

Trong khi giá năng lượng cao đã được dự báo từ trước, bất ngờ lớn nhất là lạm phát lương thực trong tháng 6 với mức tăng 0,8% so với tháng trước đó. Điều này phản ánh tác động mạnh mẽ của chi phí năng lượng leo thang với giá lương thực, khi giá cả các mặt hàng tăng trên diện rộng, bao gồm thịt, trứng và rau củ, theo dữ liệu của Tổng cục Thống kê.

Hơn nữa, có những dấu hiệu cho thấy lạm phát đã bắt đầu lan rộng. Lần đầu tiên trong gần hai năm, lạm phát cơ bản đã hồi phục ở mức 2% so với cùng kỳ năm trước, khi nhu cầu trong nước tiếp tục tăng.

HSBC cập nhật các dự báo chính cho kinh tế Việt Nam.

HSBC cập nhật các dự báo chính cho kinh tế Việt Nam.

Do giá dầu thế giới tăng, HSBC nhận định áp lực lạm phát cũng sẽ gia tăng. Tổ chức này dự báo lạm phát 2022 sẽ ở mức trung bình 3,5% - thấp hơn mức trần 4%, nhưng áp lực giá sẽ mạnh mẽ hơn trong nửa cuối năm.

“Dựa vào các dự báo, lạm phát sẽ có thể vượt qua mức 4% kể từ quý IV/2022 đến quý II/2023, đòi hỏi Ngân hàng Nhà nước (NHNN) cần bắt đầu bình thường hóa chính sách tiền tệ. Chúng tôi dự đoán rằng NHNN có thể sẽ bắt đầu tăng lãi suất 50 điểm phần trăm từ quý III/2022, và tăng thêm 50 điểm phần trăm mỗi quý cho đến quý III năm sau. Như vậy, đến cuối năm 2023, lãi suất điều hành có thể lên đến 6,5%”, HSBC nhận định.

Ngân hàng UOB của Singapore trong đánh giá gần đây cho rằng áp lực lạm phát có thể được kiểm soát vì tác động chính liên quan đến giá năng lượng, trong khi giá thực phẩm vẫn được kiểm soát ở mức tốt.

Tuy nhiên, rủi ro gia tăng lạm phát là đáng kể, do giá năng lượng vẫn đang tiếp tục tăng nhanh, và điều này sẽ tác động sang các thành phần còn lại của nền kinh tế.

Thách thức lớn nhất của tăng trưởng kinh tế nửa cuối 2022

Trong bối cảnh vẫn còn những bất ổn, và mặc dù nền kinh tế trong nước đang phát triển ngày một mạnh mẽ hơn, NHNN có thể tiếp tục giữ ổn định lãi suất chính sách hiện tại để hỗ trợ nỗ lực phục hồi kinh tế, đặc biệt là khi lạm phát vẫn được kiểm soát trong phạm vi mục tiêu.

Do đó, UOB cho rằng lãi suất tái cấp vốn hiện tại ở mức 4% và lãi suất tái chiết khấu là 2,5% sẽ được duy trì ở mức thấp kỷ lục này cho đến ít nhất là cuối năm 2022.

Tuy nhiên, với động thái quyết liệt hơn trong việc thắt chặt tiền tệ từ Fed, các chuyên gia của UOB dự đoán NHNN sẽ có thể khởi đầu chu kỳ tăng lãi suất từ quý II/2023 hoặc sớm hơn, nếu đà tăng trưởng vẫn tiếp tục duy trì và các rủi ro bên ngoài giảm bớt.

Trong báo cáo gần đây, Chứng khoán VnDirect nhận định lạm phát cao hơn dự kiến của Việt Nam có thể cản trở tăng trưởng kinh tế và khiến chính sách tiền tệ trở nên siết chặt hơn. Theo đó, NHNN có ít dư địa hơn để duy trì chính sách tiền tệ phù hợp nhằm hỗ trợ nền kinh tế.

Tuy nhiên, nhóm phân tích cho rằng NHNN sẽ nỗ lực duy trì chính sách tiền tệ "phù hợp", không thắt chặt chính sách ngay lập tức để hỗ trợ phục hồi kinh tế và ổn định thị trường.

Đối với lãi suất điều hành, nếu có đợt tăng nào trong năm nay thì khả năng cao sẽ diễn ra vào quý IV/2022, và mức tăng nếu có sẽ hạn chế, khoảng 0,25 – 0,5%, VnDriect nhận định.

Hoài An

Nguồn Nhà Quản Trị: http://theleader.vn/lai-suat-dieu-hanh-co-the-cham-nguong-65-vao-cuoi-2023-1657121085608.htm