Lãi suất dồn dập tăng, gần 39.000 tỷ đồng 'chảy' vào ngân hàng trong 1 tháng
Trong tháng 3/2024 có gần 39.000 tỷ đồng tiền gửi mới từ dân cư 'chảy' vào các tổ chức tín dụng. Đây cũng là thời điểm các ngân hàng thương mại bắt đầu tăng lãi suất tiết kiệm để hút tiền từ dân cư, sau một vài tháng sụt giảm trước đó.
Tiền gửi từ dân cư đạt hơn 6,67 triệu tỷ đồng
Dữ liệu mới nhất do Ngân hàng Nhà nước công bố cho thấy, trong tháng 3/2024 có gần 39.000 tỷ đồng tiền gửi mới từ dân cư chảy vào các tổ chức tín dụng. Tính chung 3 tháng, tiền gửi từ dân cư tăng thêm hơn 143.000 tỷ đồng, nâng tổng tiền gửi từ dân cư đạt hơn 6,67 triệu tỷ đồng, tăng 2,2% so với cuối năm ngoái.
Đây được xem là mức kỷ lục từ trước đến nay trong ngành ngân hàng tại Việt Nam. Đáng chú ý, tháng 3 cũng là thời điểm các ngân hàng thương mại bắt đầu tăng lãi suất tiết kiệm để hút tiền từ dân cư, sau một vài tháng sụt giảm trước đó.
Tuần qua thị trường ghi nhận 7 ngân hàng tăng mạnh lãi suất tiết kiệm là: Eximbank, ACB, LPBank, TPBank, Techcombank, NCB, OceanBank với các mức tăng thêm từ 0,2 - 0,4%/năm. Và đây là lần thứ 2 điều chỉnh tăng lãi suất của một số ngân hàng kể từ đầu tháng 6.
Theo đánh giá của giới chuyên gia, lượng tiền gửi ngân hàng tăng cao cho thấy tâm lý chung của nhiều người dân vẫn là thận trọng và chờ đợi cơ hội đầu tư vào các kênh khác. Trong các kênh đầu chính thống, hiện chỉ còn kênh gửi tiền tiết kiệm vào ngân hàng là vừa cho lãi suất thực dương và an toàn.
Tăng trưởng tín dụng tăng trở lại cũng là một nguyên nhân khiến các ngân hàng tăng lãi suất tiền gửi để huy động vốn phục vụ hoạt động cho vay. Số liệu của Ngân hàng Nhà nước cho thấy tín dụng bắt đầu tăng trưởng dương vào tháng 3 sau 2 tháng đầu năm sụt giảm. Đến giữa tháng 6, tăng trưởng cho vay đạt 3,79% so với cuối năm ngoái nhưng huy động vốn từ dân cư chỉ tăng 2,2% trong khi vốn từ tổ chức kinh tế giảm 3,14%...
Diễn biến này buộc các ngân hàng thương mại tiếp tục điều chỉnh tăng lãi suất huy động nhằm giữ chân khách hàng và đẩy mạnh thu hút dòng vốn nhàn rỗi từ dân cư.
Giám sát những ngân hàng đang cho vay cao
Đánh giá về hoạt động ngân hàng 6 tháng đầu năm, Phó Thống đốc Đào Minh Tú nhận thấy có sự nỗ lực, cố gắng của toàn hệ thống ngân hàng, đặc biệt là các ngân hàng thương mại trước những khó khăn, tác động của nền kinh tế thế giới và trong nước. Phó Thống đốc cũng yêu cầu các đơn vị, Vụ, Cục ngân hàng trung ươn, khẩn trương ban hành hướng dẫn việc thực hiện các Luật, Nghị định; Tiếp tục kiểm tra và giám sát chặt chẽ vấn đề lãi suất của các ngân hàng từ việc công bố lãi suất bình quân; giám sát những ngân hàng đang cho vay cao; thanh tra, kiểm tra các đơn vị có dư nợ thấp; tăng cường công tác truyền thông chính sách.
Phó Thống đốc nhấn mạnh các giải pháp về công tác tín dụng sẽ tiếp tục duy trì từ nay đến cuối năm, thậm chí các giải pháp này sẽ được tập trung với cường độ cao hơn trong công tác chỉ đạo, lãnh đạo điều hành.
Theo đó, xung quanh công tác tín dụng để đảm bảo được hoạt động mạnh mẽ, thanh khoản cho nền kinh tế, thanh khoản của các ngân hàng luôn dồi dào, không một ngân hàng nào thiếu vốn, Ngân hàng Nhà nước (NHNN) sẵn sàng có biện pháp hỗ trợ thanh khoản khi cần thiết.
Cùng với đó, NHNN khuyến khích đẩy mạnh tín dụng. Ngay từ đầu năm, nếu chỉ tiêu tín dụng gần hết mà cho vay hiệu quả thì NHNN sẵn sàng mở thêm cho các ngân hàng thương mại (NHTM), tuy nhiên vẫn đảm bảo kiểm soát lạm phát và ổn định kinh tế vĩ mô.
Hạ lãi suất là chỉ đạo xuyên suốt trong nhiều năm qua và năm nay vẫn được nhà điều hành thực hiện quyết liệt. NHNN cũng điều hành hài hòa giữa lãi suất và tỷ giá phù hợp với tình hình thị trường, diễn biến kinh tế vĩ mô và mục tiêu chính sách tiền tệ; tiếp tục có các giải pháp khuyến khích các tổ chức tín dụng (TCTD) tiết giảm chi phí để giảm mặt bằng lãi suất cho vay, tạo sự hài hòa giữa lãi suất cho vay và lãi suất huy động; tiếp tục chỉ đạo các TCTD công bố công khai lãi suất cho vay bình quân...