Lãi suất dự báo đi ngang trong năm 2025
Lãi suất huy động được dự báo sẽ đi ngang trong năm 2025 khi chủ trương của Chính phủ và Ngân hàng Nhà nước tiếp tục yêu cầu nỗ lực tiết giảm chi phí để giảm lãi vay.
Chi phí đầu vào tăng nhẹ
Ngân hàng Nhà nước (NHNN) mới đây cho biết, đã giao chỉ tiêu tăng trưởng tín dụng toàn hệ thống lên đến 16%, tức cao hơn cả mức dự kiến thực hiện 15% trong năm 2024. Với tỷ lệ tăng trưởng tín dụng năm 2025 như trên, các nhà băng sẽ tăng thêm lượng tiền cho vay gần 2,5 triệu tỷ đồng, lên 18,099 triệu tỷ đồng.
Giới phân tích tài chính cho rằng, nhu cầu tín dụng tăng trong năm nay sẽ tiếp tục ảnh hưởng đến câu chuyện lãi suất, với dự báo lãi suất tiền gửi sẽ tăng 50 điểm cơ bản trong vòng 6-12 tháng tới. Áp lực tỷ giá cũng ảnh hưởng lớn đến khả năng giảm lãi suất. Nếu NHNN giảm lãi suất, điều này có thể gây biến động tỷ giá mạnh hơn và làm giảm niềm tin của các nhà đầu tư nước ngoài.
Các mức lãi suất huy động tiền gửi từ dân cư cũng được các nhà băng bắt đầu tăng nhẹ kể từ quý IV/2024… lên trên 7%/năm kỳ hạn dài. Điều này sẽ làm tăng chi phí, tác động lên lãi suất cho vay. Tuy nhiên, mức tăng lãi suất huy động trọng năm nay dự báo khó lên cao.
Đối với tốc độ tăng lãi suất huy động, VCBS kỳ vọng sẽ tăng theo hướng nhích dần đều, nhưng vẫn ở mặt bằng thấp so giai đoạn trước Covid-19. Công ty chứng khoán này dự báo mức lãi suất huy động sẽ tăng nhẹ từ 0,2 – 0,3 điểm % ở các kỳ hạn trung và dài hạn cho giai đoạn cuối năm 2024 và đi ngang trong năm 2025.
Theo nhận định của VCBS, mặt bằng lãi suất huy động tiếp tục xu hướng tăng nhẹ giai đoạn cuối 2024, do nhiều yếu tố. Cụ thể, áp lực về tỷ giá và sức ép của lạm phát vẫn hiện hữu khi xét đến những yếu tố liên quan đến biến động giá cả hàng hóa dưới tác động của những căng thẳng địa chính trị.
Áp lực chênh lệch tỷ giá giữa đồng USD/VND có thể tiếp diễn trong bối cảnh USD vẫn đang mạnh lên trong năm 2025. Ngoài ra, mục tiêu đảm bảo thanh khoản và đáp ứng nhu cầu tín dụng cũng khiến nhiều ngân hàng có thể phải tăng cường huy động nhằm mục đích cân đối thanh khoản và đảm bảo các chỉ số an toàn tài chính, trong đó một số ngân hàng đã chạm ngưỡng LDR (tỷ lệ dư nợ cho vay so với tổng tiền gửi) dẫn đến ưu tiên tăng nguồn huy động để giảm thiểu rủi ro thanh khoản. Trong khi cầu tín dụng thường có xu hướng tăng cao trong những tháng cuối năm, đặc biệt là nhóm bất động sản và xây dựng.
Năm 2025, khả năng lãi suất huy động sẽ duy trì đi ngang với sự hỗ trợ đến từ nỗ lực thúc đẩy tín dụng trong năm 2025 của NHNN cùng với định hướng “tiếp tục bám sát diễn biến thị trường trong nước và quốc tế, sẵn sàng hỗ trợ thanh khoản tạo điều kiện cho các tổ chức tín dụng cung ứng tín dụng cho nền kinh tế và kịp thời có giải pháp điều hành chính sách tiền tệ phù hợp”.
Lãi suất cho vay sẽ tăng theo?
Thực tế, lãi suất cho vay đã giảm về mức thấp kỷ lục trong quý III/2024. Theo dữ liệu tổng hợp từ báo cáo tài chính của 27 ngân hàng niêm yết, lãi suất cho vay trung bình đã giảm khoảng 2,7% từ mức đỉnh của quý I/2023. Mặt bằng lãi suất cho vay đi ngang trong quý IV/2024 và dự đoán về lãi vay trong năm 2025 sẽ tăng, nhưng ở mức thấp chứ không quá mạnh như nửa cuối 2024.
VCBS dự đoán lãi suất cho vay tăng thêm 0,5- 0,7% vào năm 2025 trong bối cảnh kinh tế hồi phục và nhu cầu tín dụng mạnh mẽ hơn. NHNN cũng chia sẻ, việc điều hành lãi suất hiện nay gặp không ít khó khăn do áp lực từ thị trường quốc tế và tình hình trong nước. Nếu lãi suất cho vay giảm mạnh, tỷ giá có nguy cơ tăng cao, gây mất ổn định kinh tế vĩ mô và tâm lý lo ngại cho nhà đầu tư nước ngoài…
UOB dự báo Chính phủ và NHNN sẽ tiếp tục giữ các mức lãi suất chính sách như hiện nay trong một chính sách tiền tệ trung hòa trong vài tháng đầu năm 2025. Thủ tướng cũng yêu cầu NHNN tập trung giảm mặt bằng lãi vay, nhất là kiểm soát chặt chẽ lãi suất huy động của các NHTM. Qua đó, tháo gỡ khó khăn cho người dân, doanh nghiệp, hỗ trợ phát triển sản xuất, kinh doanh, tạo việc làm, sinh kế cho người dân, bảo đảm đưa vốn tín dụng vào nền kinh tế thực chất, hiệu quả nhất…
Lãnh đạo NHNN cũng chia sẻ rằng, việc điều hành lãi suất cho vay hiện nay gặp không ít khó khăn do áp lực từ thị trường quốc tế và tình hình trong nước. Biến động của USD trong thời gian qua, cùng với những căng thẳng về cung, cầu ngoại tệ, đã khiến NHNN phải ưu tiên ổn định tỷ giá.
Nếu lãi suất cho vay giảm mạnh, tỷ giá có nguy cơ tăng cao, gây mất ổn định kinh tế vĩ mô và tâm lý lo ngại cho nhà đầu tư nước ngoài. Bên cạnh đó, tỷ lệ nợ xấu gia tăng cũng làm gia tăng áp lực lên hệ thống ngân hàng. Để bảo đảm hoạt động, các ngân hàng buộc trích lập dự phòng rủi ro, làm giảm lợi nhuận và hạn chế khả năng tiếp tục giảm lãi suất cho vay.
Tuy vậy, NHNN vẫn khẳng định, sẽ tiếp tục chỉ đạo các ngân hàng tiết giảm chi phí hoạt động để giữ ổn định hoặc giảm nhẹ lãi suất cho vay, hỗ trợ doanh nghiệp và nền kinh tế. Thời gian gần đây, NHNN đã ban hành văn bản yêu cầu các tổ chức tín dụng tập trung rà soát, tiết giảm các chi phí không cần thiết, miễn giảm phí dịch vụ và đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin để đơn giản hóa thủ tục cho vay.
Nguồn Đầu Tư: https://baodautu.vn/lai-suat-du-bao-di-ngang-trong-nam-2025-d238322.html