Lãi suất giảm, huy động vốn vẫn tăng: Lo hơn mừng
Mặc dù từ đầu năm đến nay, lãi suất huy động được điều chỉnh giảm nhiều lần, nhưng tổng nguồn vốn huy động của phần lớn các ngân hàng vẫn tăng đáng kể.
Tính đến cuối tháng 5/2023, huy động vốn của 27 chi nhánh NHTMCP trên địa bàn tỉnh đạt 92.098 tỷ đồng, tăng 5.679 tỷ đồng (tương ứng tăng 6,57%) so với cuối năm 2022. Theo dự tính đến cuối tháng 6, mức tăng này đạt khoảng 7%. Đây được cho là mức tăng tương đối cao so với những năm gần đây, bất chấp lãi suất đầu vào được điều chỉnh giảm.
Bà Phan Thị Tuyết Hồng, Giám đốc Ngân hàng Nông nghiệp và PTNT (Agribank) Chi nhánh huyện Phú Bình, chia sẻ: Tính đến cuối tháng 6, huy động vốn của đơn vị tăng trên 300 tỷ đồng so với cuối năm 2022, tương ứng tăng hơn 12%. Đây là mức tăng cao so với những năm trước cũng như mặt bằng chung của tỉnh. Nguyên nhân là do trên địa bàn có nhiều hộ dân được nhận tiền đền bù giải phóng mặt bằng, mà phần lớn các hộ chưa biết đầu tư vào đâu nên vẫn lựa chọn gửi tiết kiệm tại ngân hàng.
Cũng có số huy động vốn tăng đều, thậm chí có phần nhỉnh hơn so với năm 2022, bất chấp lãi suất huy động điều chỉnh giảm, đại diện một số NHTMCP đại chúng cho hay: Từ đầu năm đến nay, đại đa số khách hàng sau khi sổ tiết kiệm đến kỳ hạn rút đều gửi lại ngân hàng.
Ngoài ra, một số ngân hàng còn thu hút thêm được một lượng khách dịch chuyển tiền gửi từ ngân hàng khác sang để hưởng lãi suất cao hơn. Chính vì vậy, tính đến cuối tháng 5, huy động vốn của các NHTMCP nhỏ tăng tới 12,9% (3.634 tỷ đồng) so với cuối năm 2022, còn các NHTMCP Nhà nước tăng 3,51% (2.045 tỷ đồng).
Khảo sát thực tế thị trường huy động vốn tại nhiều ngân hàng trên địa bàn, chúng tôi được biết, huy động vốn kỳ hạn 12 tháng hiện dao động trong khoảng 6,3-7%/năm (tùy ngân hàng), thấp hơn 1-2,5% so với cuối năm 2022 (tùy ngân hàng và khách hàng). Nhiều ngân hàng trước đây còn cộng thêm 0,3-0,5% lãi suất cho những khách hàng thân thiết, thì nay hầu như đã không còn hoặc không cộng nhiều như trước. Tuy nhiên, so với thời kỳ đỉnh dịch COVID-19 (năm 2020-2021), lãi suất huy động vốn hiện nay vẫn cao hơn khoảng 0,5-1%/năm.
Bên cạnh những đơn vị có mức tăng cao, một số ngân hàng lại đang “chật vật” trong việc tìm kiếm nguồn vốn huy động. Một trong số đó là NHTMCP Đầu tư và Phát triển (BIDV) Chi nhánh Thái Nguyên. Tính đến cuối tháng 5/2023, mức huy động vốn của đơn vị này là 9.860 tỷ đồng, giảm 1% so với cuối năm 2022. Sang tháng 6, nguồn vốn huy động đã tăng trở lại, lên mức 10.300 tỷ đồng (tăng 3%).
Tuy nhiên, theo bà Nguyễn Khuê Chính, Phó Giám đốc BIDV Thái Nguyên: Mức tăng này không bền vững. Vì số tăng thực chất là của một doanh nghiệp để ở tài khoản thanh toán - có thể dùng bất cứ lúc nào, chứ không phải tiền gửi có kỳ hạn.
Thông thường, việc tăng nguồn vốn huy động của BIDV nói riêng, các NHTMCP Nhà nước nói chung, đã khó hơn các NHTMCP nhỏ do lãi suất huy động thường thấp hơn (để lãi suất cho vay được thấp). Trong bối cảnh khó khăn chung của nền kinh tế, nhiều gia đình và cả doanh nghiệp đều trong tình trạng tài chính hạn hẹp nên việc huy động vốn càng trở nên khó khăn. Chính vì thế, trong khi dư nợ của BIDV Thái Nguyên lên tới 15.550 tỷ đồng, thì huy động vốn mới bằng khoảng 2/3.
Theo các chuyên gia kinh tế, nếu cả huy động vốn và dư nợ cho vay đều có mức tăng trưởng tốt thì đó mới là dấu hiệu của nền kinh tế ổn định, phát triển. Tuy nhiên, trong bối cảnh dư nợ cho vay đang ở mức thấp nhất trong nhiều năm trở lại đây, lại là điều đáng lo ngại. Điều này cho thấy trong khi nền kinh tế còn nhiều khó khăn, người dân, doanh nghiệp chưa tìm được kênh đầu tư nào an toàn, hiệu quả hơn.
Tính đến cuối tháng 5/2023, tổng dư nợ của các NHTMCP trong nước chỉ đạt 78.190 tỷ đồng, tăng 824 tỷ đồng (tương ứng tăng 1,06%) so với cuối năm 2022; dự tính đến hết tháng 6 tăng 1,45%.