Lãi suất giảm sâu, ngân hàng và doanh nghiệp vẫn khó 'gặp nhau'
Ngân hàng Nhà nước 4 lần giảm lãi suất điều hành, liên tục chỉ đạo các ngân hàng giảm lãi suất và tổ chức các hội nghị kết nối, song ngân hàng - doanh nghiệp vẫn than chưa thể 'gặp nhau'.
Lãi suất giảm, tăng trưởng tín dụng vẫn ì ạch
Theo bà Hà Thu Giang - Vụ trưởng Vụ Tín dụng các ngành kinh tế, Ngân hàng Nhà nước (NHNN), ngay từ đầu năm, NHNN đã định hướng tăng trưởng tín dụng cả năm 2023 khoảng 14-15% (cao hơn tăng trưởng các năm trước), có điều chỉnh phù hợp với diễn biến, tình hình thực tế. NHNN cũng đã phân bổ ngay chỉ tiêu tăng trưởng tín dụng cho từng tổ chức tín dụng (TCTD) và phân bổ hết 14%chỉ tiêu tăng trưởng ngay từ giữa năm (thay vì để lại đến cuối năm như những năm trước - PV). Cùng với đó, NHNN cũng đã liên tục điều chỉnh giảm 4 lần các mức lãi suất điều hành với mức giảm 0,5 - 2,0%/năm, dù lãi suất thế giới vẫn trong xu hướng tăng và neo ở mức cao. Mặt bằng lãi suất thị trường đã có xu hướng giảm sâu, trong đó theo NHNN, lãi suất tiền gửi và cho vay bình quân của các giao dịch phát sinh mới giảm khoảng hơn 1% so với cuối năm 2022.
Cùng với đó là hàng loạt giải pháp sửa đổi các quy định pháp lý đề tạo điều kiện thuận lợi hơn trong tiếp cận vốn tín dụng ngân hàng; rà soát, đơn giản hóa thủ tục, quy trình cho vay; rà soát và cắt giảm các loại phí, lệ phí không cần thiết; cơ cấu nợ và giữ nguyên nhóm nợ cho khách hàng gặp khó khăn; tổ chức hàng loạt hội nghị kết nối ngân hàng - doanh nghiệp tại nhiều địa phương… Tuy nhiên, số liệu NHNN công bố cho thấy, đến ngày 15-9, tín dụng toàn nền kinh tế mới đạt gần 12,6 triệu tỷ đồng, tăng 5,56%, chỉ bằng hơn một nửa so với con số tăng trưởng trong cùng kỳ năm ngoái.
Hàng loạt giải pháp sửa đổi các quy định pháp lý đề tạo điều kiện thuận lợi hơn trong tiếp cận vốn tín dụng ngân hàng; rà soát, đơn giản hóa thủ tục, quy trình cho vay; rà soát và cắt giảm các loại phí, lệ phí không cần thiết; cơ cấu nợ và giữ nguyên nhóm nợ cho khách hàng gặp khó khăn; tổ chức hàng loạt hội nghị kết nối ngân hàng - doanh nghiệp tại nhiều địa phương… Tuy nhiên, số liệu NHNN công bố cho thấy, đến ngày 15-9, tín dụng toàn nền kinh tế mới đạt gần 12,6 triệu tỷ đồng, tăng 5,56%, chỉ bằng hơn một nửa so với con số tăng trưởng trong cùng kỳ năm ngoái.
Theo Vụ trưởng Vụ Tín dụng các ngành kinh tế, thực trạng trên xuất phát chủ yếu do cầu đầu tư, sản xuất kinh doanh, tiêu dùng giảm. Trong khi đó, một số nhóm khách hàng có nhu cầu nhưng chưa đáp ứng điều kiện vay vốn, nhất là nhóm doanh nghiệp nhỏ và vừa. Bên cạnh đó là tác động từ khả năng hấp thụ tín dụng của nhóm bất động sản. Đại diện NHNN cũng cho rằng, sau thời gian kinh tế gặp khó khăn, mức độ rủi ro bị đánh giá cao hơn khi hoạt động của doanh nghiệp khó chứng minh hiệu quả (chi phí đầu vào, nguyên vật liệu nhập khẩu cao, thị trường đầu ra, đơn hàng, doanh thu giảm... khiến tổ chức tín dụng rất khó khăn trong quyết định cho vay do không hạ được chuẩn tín dụng để đảm bảo an toàn hệ thống.
Doanh nghiệp muốn ngân hàng linh hoạt hơn
Sau nhiều đợt hạ lãi suất liên tục, đến nay hầu hết các doanh nghiệp không còn phản ánh nhiều về tình trạng lãi suất cao, thay vào đó họ đề nghị ngân hàng linh hoạt hơn trong điều kiện cấp tín dụng, tăng cho vay tín chấp, rút ngắn thời gian thẩm định…
Chia sẻ tại hội nghị Hội nghị kết nối ngân hàng - doanh nghiệp trên địa bàn Hà Nội mới đây, ông Lê Vĩnh Sơn - Chủ tịch Hội doanh nghiệp sản xuất sản phẩm công nghiệp chủ lực Hà Nội (HAMI) cho biết, việc tiếp cận vay vốn với các doanh nghiệp nhỏ và vừa (SME) hiện nay còn khó, thủ tục rườm rà, thời gian xem xét vay dài. “Với khoản vay vốn ngắn hạn, thời gian xét 1-3 tháng, khoản vay trung dài hạn duyệt 3 tháng, thậm chí có khoản vay 6 tháng” - ông Sơn phản ánh. Do đó, vị đại diện doanh nghiệp này đề nghị các ngân hàng áp dụng công nghệ 4.0 vào quy trình phê duyệt, gắn KPI thời gian phê duyệt để đạt thời gian giải ngân là 1 tháng cho các khoản vay. Ngoài ra, tuy không đề nghị hạ chuẩn tín dụng, song ông Sơn đề nghị các ngân hàng điều chỉnh linh động trong đánh giá chỉ tiêu tài chính, xem xét lại việc thu lãi phạt trả nợ trước hạn với doanh nghiệp. “Chúng tôi trả nợ trước hạn mà bị phạt trả lãi trước hạn 1 - 5%, tức nếu có nguồn thu từ dự án để trả nợ thì sẽ bị phạt. Tôi đề xuất miễn phí trả nợ trước hạn, hoặc nếu có chỉ 1%” - ông Sơn nói.
Trong khi đó, bà Trịnh Thị Ngân - đại diện Hiệp hội Doanh nghiệp nhỏ và vừa Hà Nội lại kiến nghị các nhà băng tạo điều kiện cho các doanh nghiệp nhỏ và vừa có thể tiếp cận vốn bằng cách đơn giản hóa thủ tục, hồ sơ vay vốn, không phân biệt đối xử, giảm bớt tiêu chuẩn, tiêu chí để doanh nghiệp nhỏ và vừa tiếp cận vốn. Bà Trịnh Thị Ngân đề xuất, nếu doanh nghiệp có phương án kinh doanh khả thi, có các điều kiện sản xuất kinh doanh tốt thì ngân hàng có thể cho vay tín chấp. “Ngân hàng đừng quá đòi hỏi tài sản bảo đảm vì thực sự là giờ không có để mà cầm cố vay vốn” - bà Trịnh Thị Ngân nói.
Còn bà Nguyễn Thị Huyền Thương - Tổng Giám đốc Công ty Nagakawa cho biết là một doanh nghiệp tư nhân đa ngành, chi phí tài chính của công ty chiếm 3 - 4% chi phí hoạt động. Riêng vốn vay chiếm 65 - 70% chi phí tài chính. Do sử dụng đòn bẩy tài chính lớn, doanh nghiệp rất lo lắng vào mỗi thời điểm cuối năm vì sợ ngân hàng giải ngân chậm trong lúc đợi cấp hạn mức tín dụng mới, ảnh hưởng đến hoạt động kinh doanh. Ngoài ra, việc các ngân hàng đòi hỏi tỷ lệ tài sản đảm bảo trên vốn vay lớn khiến hạn mức tín dụng của doanh nghiệp bị thu hẹp.
Ông Nguyễn Trọng Hoa - Công ty TNHH Vật tư và kết cấu thép cũng phản ánh việc tái cấp hạn mức tín dụng thời gian qua luôn bị kéo dài, cùng với đó là rắc rối về tài sản đảm bảo. Do đó, mong phía ngân hàng sẽ linh động hơn trong thẩm định hồ sơ vì đã có quan hệ lâu dài và hiểu biết với nhau, ngân hàng nên có sự linh hoạt trong từng thời điểm cụ thể, hỗ trợ để doanh nghiệp có thể tiếp cận vốn trong từng dự án.
Ngân hàng cũng “vò đầu bứt tai”
Về phía các ngân hàng thời gian qua cũng liên tục đưa ra các chương trình giảm lãi suất để hỗ trợ doanh nghiệp, người dân. Bà Phùng Thị Bình - Phó Tổng giám đốc Agribank cho hay, từ đầu năm đến nay Agribank đã 5 lần điều chỉnh giảm lãi suất cho vay với mức giảm từ 1,3 - 2,5%/năm đối với lĩnh vực sản xuất kinh doanh, 2 - 3%/năm đối với lĩnh vực tiêu dùng; 3 - 4%/năm đối với lĩnh vực kinh doanh bất động sản... Đồng thời, Agribank cũng triển khai 7 chương trình tín dụng ưu đãi lãi suất thấp hơn từ 2 - 3% so với lãi suất cho vay thông thường, 2 lần giảm lãi suất trực tiếp đối với 425 nghìn tỷ đồng dư nợ… Dù vậy, tín dụng tại ngân hàng này vẫn tăng trưởng chậm. Tính đến ngày 31-8, tổng dư nợ cho vay nền kinh tế của Agribank đạt gần 1,5 triệu tỷ đồng, tăng 2,4% so với đầu năm.
Tương tự, ông Lê Ngọc Lâm - Tổng Giám đốc BIDV cũng cho hay, trong 8 tháng đầu năm ngân hàng đã 4 lần giảm lãi vay, tuy vậy tăng trưởng tín dụng tính tới cuối tháng 8-2023 của ngân hàng cũng mới tăng 5,72% so với chỉ tiêu cả năm là 14%.
Ông Nguyễn Thanh Tùng - Phó tổng Giám đốc Vietcombank cho biết, từ đầu năm đến nay, tăng trưởng huy động vốn của ngân hàng này cao gấp 6 lần tăng trưởng tín dụng, do đó Vietcombank đang phải chịu áp lực rất lớn trong giải ngân vốn. Tuy nhiên, các ngân hàng cũng đều khẳng định không phải vì tín dụng gặp khó mà hạ chuẩn cho vay. Hiện ngân hàng đang thừa tiền và cũng đang đau đầu tìm mọi cách đẩy vốn ra nền kinh tế. Tuy nhiên phòng ngừa rủi ro vẫn là mục tiêu hàng đầu khi cho vay vốn. Vì vậy, ngay chính bản thân doanh nghiệp cũng cần phải có những giải pháp để phát triển sản xuất kinh doanh, tạo uy tín và lòng tin đối với ngân hàng. Ngoài ra, cần có thêm các giải pháp kích thích tổng cầu, đẩy mạnh việc cấp các thủ tục pháp lý liên quan đến dự án đầu tư như hoàn thiện thủ tục pháp lý về đất đai, giấy phép xây dựng, phòng cháy chữa cháy, môi trường...