Lãi suất huy động giảm, dòng tiền chảy về đâu?
Lãi suất huy động giảm, nguồn tiền nhàn rỗi vẫn chưa rời khỏi ngân hàng. Ảnh: LÊ HẢO
Thời gian gần đây, ngân hàng liên tục điều chỉnh giảm lãi suất huy động. Lượng tiền gửi vào các tổ chức tín dụng cũng có dấu hiệu chững lại. Vậy đâu là kênh đầu tư được người dân lựa chọn hiện nay?
Lãi suất huy động giảm xuống mức thấp lịch sử
Ngày 14/9 vừa qua, Vietcombank và Agribank cùng điều chỉnh biểu lãi suất huy động, với mức giảm từ 0,2-0,3 điểm % đối với các khoản tiền gửi kỳ hạn từ 3 tháng trở lên. Hiện lãi suất niêm yết tại quầy của 2 ngân hàng thương mại nhà nước này tương tự nhau. Cụ thể, lãi suất huy động kỳ hạn 1 tháng giữ nguyên ở mức 3%/năm; kỳ hạn 3 tháng giảm 0,3 điểm %, về 3,5%/năm; kỳ hạn 6-9 tháng giảm 0,2 điểm %, còn 4,5%/năm. Tiền gửi kỳ hạn từ 12 tháng trở lên giảm từ 5,8%/năm xuống còn 5,5%/năm - ngang mức thấp lịch sử ghi nhận trong giai đoạn COVID-19. Đối với tiền gửi online, Agribank huy động với lãi suất nhỉnh hơn lãi suất niêm yết tại quầy; còn Vietcombank huy động với lãi suất tương đương.
Không riêng Vietcombank hay Agribank, theo thống kê, tính từ đầu tháng 9/2023 đến nay, 21 ngân hàng đã giảm lãi suất huy động. Cụ thể như Bac A Bank, MB, Sacombank, ACB, Nam A Bank, KienlongBank, MSB… Trong đó có một số ngân hàng ghi nhận mức lãi suất ngang bằng hoặc thấp hơn cả nhóm ngân hàng thương mại nhà nước (thường niêm yết lãi suất thấp nhất thị trường) như ACB công bố lãi suất huy động tiền gửi kỳ hạn 12 tháng với lãi suất chỉ 5,3%/năm, MB và KienlongBank huy động tiền gửi kỳ hạn 12 tháng với lãi suất 5,5%/năm…
Như vậy, so với giai đoạn cao điểm vào cuối năm ngoái, đến nay, lãi suất huy động của các tổ chức tín dụng đã giảm tới 3-4 điểm % ở hầu hết kỳ hạn. Hiện lãi suất tiền gửi tiết kiệm cho khách hàng cá nhân được các ngân hàng niêm yết tại quầy ở mức 3-4,75%/năm đối với kỳ hạn dưới 6 tháng, kỳ hạn 6 tháng trong khoảng 4,7-6,5%/năm, kỳ hạn 12 tháng ở mức 5-6,8%/năm, kỳ hạn trên 12 tháng khoảng 4,2-6,9%/năm. Như vậy, mức lãi suất 7%/năm gần như đã không còn trên thị trường.
Nguyên nhân khiến mặt bằng lãi suất huy động giảm sâu như hiện tại, theo các chuyên gia kinh tế, là do từ đầu năm đến nay, Ngân hàng Nhà nước đã 4 lần hạ lãi suất điều hành, cộng với việc thanh khoản hệ thống ngân hàng dồi dào, thậm chí dư thừa. Về lý thuyết, khi lãi suất huy động đi xuống, tính hấp dẫn của kênh tiền gửi tiết kiệm sẽ giảm. Lúc này, dòng tiền sẽ chuyển sang các kênh đầu tư khác như chứng khoán, bất động sản, vàng… để mong tìm lợi suất tốt hơn.
Dòng tiền chuyển hướng?
Thống kê của Ngân hàng Nhà nước chi nhánh Phú Yên cho thấy, 6 tháng đầu năm nay, tổng vốn huy động trên địa bàn liên tục tăng, đạt đỉnh vào tháng 6/2023 với tổng vốn 39.694 tỉ đồng, tỉ lệ tăng 9,2% so với cuối năm 2022. Tuy nhiên, trong tháng 7, lượng tiền gửi giảm 316 tỉ đồng so với tháng trước đó, còn 39.378 tỉ đồng, tăng 8,36% so với cuối năm 2022. Đến tháng 8/2023, tổng vốn huy động nhích lên 39.565 tỉ đồng, tức tăng 8,88% so với cuối năm 2022, nhưng vẫn chưa bằng mức đỉnh của tháng 6. Điều này đồng nghĩa với việc, dù mặt bằng lãi suất tiết kiệm giảm, nguồn tiền nhàn rỗi vẫn chưa rời khỏi ngân hàng nhưng tốc độ tăng trưởng vốn huy động của các tổ chức tín dụng đang có dấu hiệu chững lại.
Bà Nguyễn Lê Vy ở phường 5 (TP Tuy Hòa) cho biết: Vợ chồng tôi có sổ tiết kiệm chuẩn bị đáo hạn nên thời gian gần đây, tôi thường xuyên theo dõi thông tin về lãi suất huy động của các ngân hàng. Tôi thấy lãi suất liên tục giảm, không riêng ngân hàng thương mại nhà nước mà kể cả ngân hàng thương mại cổ phần cũng giảm rất sâu, nhiều kỳ hạn lãi suất chỉ bằng một nửa so với mức đỉnh của năm ngoái. Hiện nay, vì chưa có kế hoạch gì khác nên chúng tôi tiếp tục duy trì gửi tiết kiệm nhưng sẽ chọn các kỳ hạn ngắn để linh hoạt nguồn vốn.
Trong khi đó, theo anh Trần Mạnh ở phường 4 (TP Tuy Hòa), những tháng gần đây, anh tìm hiểu thị trường chứng khoán và đã thử đầu tư một phần tiền tiết kiệm đến hạn qua kênh này. “Tôi là dân tay ngang, tham gia thị trường thông qua sự hướng dẫn của một vài người bạn. Thời gian qua, nhờ chỉ số VN-Index phục hồi và tăng trưởng tốt nên tôi có lời chút ít. Tuy nhiên, tôi xác định đầu tư chứng khoán cần rất nhiều kiến thức, muốn thắng thì phải học hỏi nghiêm túc và đầu tư dài hạn, nếu không sẽ đối mặt với không ít rủi ro”, anh Mạnh cho hay.
Đối với kênh đầu tư bất động sản, hiện thị trường vẫn tương đối trầm lắng. “Gần đây, các ngân hàng liên tục công bố giảm lãi suất cho vay, tung ra nhiều gói ưu đãi để kích cầu tín dụng. Đây là một yếu tố tích cực để hỗ trợ bất động sản phục hồi. Tuy nhiên, để thị trường ấm lên, có lẽ cần thêm một thời gian nữa”, bà T.T.A.T, một nhà đầu tư bất động sản ở phường 7 (TP Tuy Hòa) nói.
Theo các chuyên gia kinh tế, về lý thuyết, khi lãi suất huy động đi xuống, tính hấp dẫn của kênh tiền gửi tiết kiệm sẽ giảm. Lúc này, dòng tiền sẽ chuyển sang các kênh đầu tư khác như chứng khoán, bất động sản, vàng… để mong tìm lợi suất tốt hơn.
Nguồn Phú Yên: http://baophuyen.vn/82/308028/lai-suat-huy-dong-giam-dong-tien-chay-ve-dau.html