Lãi suất huy động hạ nhiệt, cơ hội lãi suất cho vay tiếp tục giảm mạnh
Với mức lãi suất khá thấp như hiện tại, nhiều chuyên gia cho rằng NHNN vẫn còn dư địa để giảm thêm lãi suất điều hành trước khi đi vào ổn định. Như thế, lãi suất cho vay được kỳ vọng sẽ tiếp tục giảm mạnh trong cuối năm 2023.
Lãi suất tiền gửi có thể giảm còn 6 - 6,5% vào cuối năm
Chỉ trong 6 tháng đầu năm, NHNN đã 4 lần giảm từ 0,5 - 2% cho các mức lãi suất điều hành, từ đó đưa mức lãi suất huy động bình quân giảm từ 0,7 - 0,8%, lãi suất cho vay bình quân giảm từ 1 - 1,2%. Theo đó, đến nay không còn ngân hàng nào có mức lãi suất tiền gửi tiết kiệm kỳ hạn 12 tháng trên 8%/năm.
Có thể thấy, từ đầu tháng 7 đến nay, đã có thêm 16 ngân hàng công bố giảm lãi suất huy động, gồm: TPBank, ABBank, Saigonbank, SHB, NamA Bank, Eximbank, LPBank, VPBank, OCB, BacA Bank, BVBank, VietBank, OceanBank, MSB, SeABank và BaoViet Bank.
Khảo sát biểu lãi suất niêm yết trên website của 34 ngân hàng trong nước vào sáng ngày 13/7 cho thấy, lãi suất huy động cao nhất đang được áp dụng là 7,9%/năm. Hiện mức lãi suất này do Ngân hàng Bảo Việt niêm yết cho kỳ hạn 13 tháng.
Một số ngân hàng nhỏ cũng đang có mức lãi suất huy động cao ngang ngửa BaoVietBank như GPBank (7,85%), PVComBank (7,8%), OceanBank (7,8%), Saigonbank (7,8%). Hiện chỉ còn 14 ngân hàng áp dụng mức lãi suất huy động cao nhất từ 7,5%/năm trở lên. Như vậy, phần lớn các ngân hàng trong hệ thống đã đưa lãi suất huy động cao nhất xuống dưới mức này.
Tuy nhiên, để được hưởng các mức lãi suất trên, khách hàng cần đáp ứng các điều kiện mà ngân hàng đưa ra như gửi bằng hình thức trực tuyến hoặc có số tiền gửi lớn hơn mức tối thiểu theo quy định. Ngoài ra, mức lãi suất huy động có thể thay đổi tùy vào tình hình cân đối vốn của từng chi nhánh ngân hàng.
Theo nhận định của các chuyên gia kinh tế - tài chính, từ nay đến cuối năm 2023, lãi suất huy động sẽ còn tiếp tục giảm. Lý giải vấn đề này, Công ty chứng khoán VNDirect lập luận rằng, lãi suất huy động kỳ hạn 3 tháng và 12 tháng đầu năm đều đã giảm đáng kể so với đầu năm. Dự báo tới cuối năm 2023, lãi suất tiền gửi 12 tháng có thể giảm về mức 6 - 6,5%/năm, tạo điều kiện môi trường cho vay phù hợp hơn, từ đó thúc đẩy tăng trưởng tín dụng, hoạt động mang lại lợi nhuận chính cho các ngân hàng.
Trong khi đó, theo Công ty Chứng khoán Bảo Việt (BVSC), các đợt giảm lãi suất vừa qua và sắp tới có thể giúp hỗ trợ nền kinh tế, từ đó giúp mức tăng trưởng tín dụng đạt 13% trong năm 2023; đồng thời, lãi suất giảm và các chính sách từ NHNN sẽ làm ổn định chất lượng tài sản của ngân hàng, điều này sẽ tác động tích cực đến lợi nhuận của ngân hàng.
Còn ông Trần Ngọc Báu, CEO Wigroup (công ty chuyên cung cấp dữ liệu) cho rằng, lãi suất điều hành giảm đi kèm với những biện pháp hỗ trợ mạnh mẽ sẽ tác động tích cực đến hoạt động kinh doanh của ngân hàng trên nhiều khía cạnh. Cụ thể, lãi suất điều hành đi xuống sẽ giúp giảm chi phí vốn liên ngân hàng, đồng thời tác động tích cực đến tâm lý toàn nền kinh tế và giảm kỳ vọng lãi suất huy động đầu vào của toàn hệ thống.
Mặt khác, tình trạng nợ xấu sẽ được cải thiện khi lãi suất thấp. Điều này sẽ hỗ trợ rất lớn cho sự phục hồi của các doanh nghiệp sản xuất và kinh doanh. Tuy nhiên, theo ông Trần Ngọc Báu, việc ngân hàng nào hưởng lợi, sớm hay muộn, nhiều hay ít sẽ còn phụ thuộc vào cấu trúc kỳ hạn và phân bổ tài sản. Vì vậy, trong thời gian tới không còn là câu chuyện ngân hàng nào giảm lãi suất mà là sẽ có sự phân hóa rõ nét về lợi nhuận giữa các ngân hàng.
Lãi suất cho vay sẽ giảm sâu
Với lãi suất huy động hạ nhiệt như hiện nay, cộng với chính sách điều hành tiền tệ linh hoạt của NHNN, các chuyên gia kinh tế - tài chính cho rằng, lãi suất cho vay sẽ giảm mạnh trong cuối năm. Bởi hiện nay, lãi suất đang giảm tích cực, kể cả lãi suất điều hành và lãi suất cho vay.
Cụ thể, mức cho vay thông qua thị trường liên ngân hàng, cho vay qua đêm hiện từ 0,4 - 1%; một tuần từ 0,8 - 1,5%; một tháng từ 3 - 3,2%, điều này cho thấy mức cho vay giữa các ngân hàng với nhau qua thị trường liên ngân hàng đang rất thấp.
Bên cạnh đó, trong “Báo cáo tăng trưởng kinh tế Việt Nam quý 2/2023” công bố ngày 4/7 của ngân hàng UOB, việc Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) tạm dừng tăng lãi suất vào tháng 6 và có thể giảm lãi suất vào năm 2024 cũng như niềm tin vào tỷ giá hối đoái VND ổn định, bất chấp các đợt giảm lãi suất trước đó đã thúc đẩy triển vọng cắt giảm lãi suất tiếp theo của Việt Nam trong năm nay. Do đó, UOB dự đoán lãi suất sẽ giảm thêm 100 điểm cơ bản trong quý 3/2023, trước khi NHNN tạm dừng để đánh giá các tác động.
Trong báo cáo vĩ mô đưa ra vào đầu tháng 7, Standard Chartered cũng dự báo, NHNN sẽ tiếp tục cắt giảm lãi suất tái cấp vốn thêm 50 điểm cơ bản, xuống còn 4% trong quý 3/2023 - cũng là mức tương tự những năm đại dịch và giữ nguyên cho đến cuối năm 2025.
Tương tự, theo dự báo của TS. Nguyễn Hữu Huân, Giảng viên Đại học Kinh tế TP Hồ Chí Minh, lãi suất sẽ có xu hướng giảm và tốc độ giảm lãi suất cho vay trong 6 tháng cuối năm sẽ mạnh hơn so với trước đây; bởi dòng vốn huy động giá rẻ đã bắt đầu về. Theo đó, 6 tháng cuối năm, khả năng lãi suất cho vay sẽ giảm sâu hơn. Thêm nữa, nguồn vốn trong các ngân hàng cũng đang dồi dào, sẽ gây áp lực giảm lãi suất cho vay.
Như vậy, từ nay đến cuối năm, lãi suất vẫn sẽ tiếp tục đà đi xuống. Tuy nhiên, theo các chuyên gia kinh tế - tài chính, mặc dù lãi suất điều hành xuống rất nhanh nhưng lãi suất thị trường xuống tương đối chậm hơn. Điều này có nghĩa, lãi suất cho vay chưa giảm tương xứng với lãi suất huy động.
Theo số liệu thống kê của NHNN, tính đến cuối tháng 4/2023, tiền gửi tiết kiệm dân cư vào hệ thống ngân hàng đã chạm ngưỡng 6,33 triệu tỷ đồng, tăng gần 8% so với cuối năm 2022. Trong khi đó, tiền gửi tổ chức kinh tế lại có xu hướng giảm, tính đến cuối tháng 4/2023 đạt 5,6 triệu tỷ đồng, giảm 8.833 tỷ đồng so với tháng 3 và giảm khoảng hơn 300.000 tỷ đồng so với cuối năm 2022.
Riêng trên địa bàn TP Hồ Chí Minh, tiền gửi tiết kiệm dân cư chiếm khoảng 40,2% tổng huy động vốn, bộ phận tiền gửi này trong những tháng đầu năm nay tăng khoảng 5% so với cuối năm 2022, tăng cao nhất so với các hình thức tiền gửi khác và cao hơn mức tăng trưởng chung của huy động vốn trên địa bàn.
Theo ông Nguyễn Đức Lệnh, Phó Giám đốc NHNN Chi nhánh TP Hồ Chí Minh, trong bối cảnh hiện nay, nhìn ở góc độ đầu tư, hiệu quả, lãi suất, bảo toàn vốn… chính là những yếu tố tiếp tục tác động tích cực đến kênh tiền gửi tiết kiệm dân cư. Do đó, các tổ chức tín dụng cần tiếp tục nâng cao chất lượng dịch vụ, huy động vốn để mang lại lợi ích tốt nhất cho người dân, thu hút nguồn tiền nhàn rỗi tích lũy của người dân để có nguồn lực cho phát triển sản xuất kinh doanh, tăng trưởng kinh tế, trong vai trò là trung gian tài chính của nền kinh tế.