Lãi suất huy động năm 2024 liệu có 'lội ngược dòng'?
Những ngày cuối năm 2023, đầu năm 2024, một số ngân hàng đã tăng lãi suất huy động trở lại.
Cụ thể, từ ngày 27/12/2023, ngân hàng ABBank tăng 0,1 điểm % lãi suất tiền gửi kỳ hạn 6 tháng và 8 tháng, lần lượt lên mức 5,3%/năm và 5%/năm khi gửi trực tuyến. Còn PGBank điều chỉnh tăng 0,3 điểm % đối với lãi suất tại các kỳ hạn từ 3 đến 36 tháng, tăng lãi suất kỳ hạn 6 và 9 tháng lần lượt lên 4,9% và 5,3%/năm; kỳ hạn 12 tháng tăng lên 5,8%, còn 18 tháng trở lên đều vượt 6%/năm.
Trong ngày làm việc đầu tiên của năm 2024, Ngân hàng ACB bất ngờ tăng lãi suất huy động. Theo biểu lãi suất huy động trực tuyến tại nhà băng này, lãi suất tiền gửi từ 1 đến 3 tháng đồng loạt tăng 0,3 điểm %; lãi suất kỳ hạn 12 tháng và 18 tháng cùng tăng nhẹ 0,1 điểm %.
Theo đó, lãi suất tiền gửi trực tuyến dành cho tài khoản tiết kiệm dưới 200 triệu đồng như sau: kỳ hạn 1 tháng là 2,9%/năm, kỳ hạn 2 tháng là 3%/năm, kỳ hạn 3 tháng là 3,2%/năm, kỳ hạn 6 tháng là 3,9%/năm, kỳ hạn 9 tháng là 4,2%/năm và kỳ hạn 12 tháng là 4,8%/năm.
Mức lãi suất huy động cao nhất tại ACB hiện là 5% đối với tiền gửi kỳ hạn 12 tháng, mức gửi từ 5 tỷ đồng.
Theo chuyên gia kinh tế Nguyễn Thúy Anh, đây chỉ là những động thái điều chỉnh lãi suất đơn lẻ, chưa đại diện cho một xu thế lãi suất nào trong thời gian tới.
Năm 2023, Việt Nam chuyển sang chính sách tiền tệ nới lỏng, linh hoạt, được ví như "cơn gió ngược" khi hầu hết các nền kinh tế lớn duy trì lãi suất cao, thậm chí liên tục tăng lãi suất.
Tại cuộc họp báo triển khai nhiệm vụ ngân hàng năm 2024 diễn ra ngày 3/1/2024, ông Đào Minh Tú, Phó Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam, cho biết, trong năm 2023, Ngân hàng Nhà nước đã liên tục 4 lần điều chỉnh giảm các mức lãi suất điều hành, với mức giảm 0,5%-2,0%/năm trong bối cảnh lãi suất thế giới tiếp tục tăng và neo ở mức cao.
Theo Phó Thống đốc Đào Minh Tú, hiện lãi suất giảm về mức thấp nhất trong 20 năm qua. Nhiều ngân hàng thương mại nói lãi suất không thể thấp hơn được nữa.
Trước khi hạ về mức thấp kỷ lục, lãi suất huy động tại các ngân hàng từng được đẩy lên cao từ cuối năm 2022 đến đầu năm 2023. "Lãi suất huy động thấp là cơ sở quan trọng để giảm lãi suất cho vay, hạ chi phí vốn nền kinh tế, thúc đẩy các thị trường khác phát triển trong năm qua", chuyên gia Nguyễn Thúy Anh cho hay.
Khó giảm thêm lãi suất?
Vậy, "năm 2024 lãi suất sẽ diễn biến thế nào" là câu hỏi được nhiều nhà đầu tư quan tâm. Theo các chuyên gia đến từ Công ty Chứng khoán KB Việt Nam (KBSV), việc lãi suất huy động giảm thêm trong năm 2024 là khó xảy ra trong bối cảnh lạm phát vẫn là yếu tố khó lường.
Do vậy, KBSV dự báo mặt bằng lãi suất huy động sẽ tiếp tục đi ngang ở vùng thấp trong hầu hết cả năm 2024 với khoảng 4,85% - 5,35%. Còn lãi suất cho vay bình quân sẽ có dư địa để giảm thêm 0,75% - 1%.
Các yếu tố tạo dư địa để lãi suất cho vay giảm thêm được các chuyên gia đưa ra, như cầu tín dụng phục hồi nhưng khó có đột biến vì khó khăn tồn đọng từ năm 2023 chưa thể được khắc phục triệt để.
Về hoạt động ngành ngân hàng năm 2024, Phó Thống đốc Đào Minh Tú cho biết, dự báo triển vọng kinh tế toàn cầu và thị trường quốc tế trong năm 2024 tiếp tục diễn biến phức tạp. Còn ở trong nước, nền kinh tế dự kiến vẫn đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức.
Do vậy, năm 2024 sẽ phải là năm hành động quyết liệt hơn trên tất cả các mặt, từ cơ chế chính sách đến hành động và xử lý yếu kém cũng quyết liệt hơn. Cụ thể, định hướng tăng trưởng tín dụng năm 2024 khoảng 15%, tương ứng với 2 triệu tỷ đồng sẽ được cung ứng thêm cho nền kinh tế, có điều chỉnh phù hợp với diễn biến, tình hình thực tế.
Đặc biệt, Ngân hàng Nhà nước không đặt vấn đề tăng lãi suất trong năm 2024.