Lãi suất huy động tăng, 'kìm' lãi suất cho vay thế nào?
Gần Tết Nguyên đán Nhâm Dần, nhiều ngân hàng tăng lãi suất huy động tiền gửi do áp lực thanh khoản cao điểm cuối năm và bắt đầu đẩy mạnh cho vay của năm 2022 nhằm mục tiêu phục hồi nền kinh tế. Trong bối cảnh đó, nhiều ý kiến lo ngại lãi suất cho vay sẽ tăng trong thời gian tới. Vậy, làm cách nào để 'kìm' đà tăng lãi suất là vấn đề mà thị trường rất quan tâm.
Chia sẻ với VnBusiness nhiều doanh nghiệp cho biết, trong giai đoạn mới phục hồi, có rất nhiều khó khăn, do vậy cần vốn với mặt bằng lãi suất thấp để thúc đẩy kinh doanh trở lại. Nếu lãi suất tăng, doanh nghiệp lại chồng thêm khó khăn.
Lo lãi suất cho vay tăng
Ông Nguyễn Quang Tuấn, Giám đốc công ty TNHH thủ công mỹ nghệ xuất khẩu Liệp Tuyết (Quốc Oai, Hà Nội) lo ngại: “Tôi đang lo lãi suất cho vay sẽ tăng thêm vì ngân hàng nơi tôi vay vốn cũng vừa tăng lãi suất huy động. Nếu lãi vay tăng, sẽ gây áp lực lên giá thành, từ đó làm giảm khả năng cạnh tranh của hàng hóa, sản phẩm”.
Đồng quan điểm, ông Nguyễn Văn Biên, Giám đốc một doanh nghiệp sản xuất giấy ở Từ Sơn, Bắc Ninh băn khoăn đà tăng của lãi suất huy động cùng với áp lực lạm phát khi giá nhiều loại nguyên vật liệu đang có xu hướng tăng và triển vọng mở cửa lại toàn bộ nền kinh tế có thể tạo sức ép lên lãi suất cho vay. Điều này sẽ ảnh hưởng tiêu cực đến hoạt động sản xuất - kinh doanh đang từng bước hồi phục sau dịch.
Việc các ngân hàng đua tăng lãi suất huy động gần đây không chỉ các doanh nghiệp lo ngại mà giới chuyên gia cũng băn khoăn, nhất là khi lãi suất huy động các kỳ hạn ngắn thường được xem như một chỉ báo cho thấy thanh khoản của các ngân hàng đang gặp khó khăn.
Chuyên gia kinh tế Võ Trí Thành cho rằng, trong bối cảnh lạm phát, tỷ giá đang chịu áp lực lớn, việc tăng lãi suất để bảo vệ giá trị VND là điều chấp nhận được và khó có thể tránh khỏi. Điều đó có nghĩa, kỳ vọng giảm lãi suất cho vay đã không còn, mà điều mong mỏi của không ít doanh nghiệp hiện nay là lãi suất không tăng trong năm 2022. Bởi vì, đó là giai đoạn các doanh nghiệp phục hồi sản xuất kinh doanh sau một thời gian dài đình trệ do ảnh hưởng của đại dịch Covid-19.
Quả thật, các ngân hàng cho rằng, dư địa giảm lãi suất không còn. Hiện chỉ có hai giải pháp để các ngân hàng có thể giảm thêm lãi suất, đó là tiết giảm chi phí hoạt động và nâng chất lượng danh mục tài sản để giảm chi phí trích lập dự phòng rủi ro. Tuy nhiên, chi phí hoạt động của các ngân hàng đã ở mức tối thiểu sau nhiều lần cắt giảm trong hai năm qua, trong khi đang phải đối mặt với rủi ro nợ xấu gia tăng. Dự địa càng hẹp hơn khi lạm phát đang có xu hướng tăng.
Thực tế, hầu hết các quốc gia trên thế giới có xu hướng tăng lãi suất trong bối cảnh lạm phát gia tăng. Dù vậy, thông điệp mà Chính phủ gửi đến Ngân hàng Nhà nước (NHNN) là trong năm nay các ngân hàng sẽ phấn đấu giảm lãi suất cho vay, hướng dòng vốn vào các lĩnh sản xuất, kinh doanh.
"Kìm" đà tăng lãi suất thế nào?
Trước mong mỏi của người dân và doanh nghiệp về việc giảm lãi vay, NHNN cho biết, trên cơ sở cân đối vĩ mô, NHNN vẫn sẽ giữ mặt bằng lãi suất ổn định, phấn đấu giảm thêm lãi suất cho vay nếu điều kiện cho phép. NHNN cũng khuyến khích các ngân hàng thương mại cổ phần tiết giảm chi phí để có điều kiện giảm thêm lãi suất cho vay.
Chuyên gia kinh tế, TS. Lê Xuân Nghĩa thừa nhận, các quốc gia trên thế giới đang thực hiện chính sách hút tiền về (thu hẹp bảng cân đối tài sản) và Mỹ được cho là sẽ tăng lãi suất ít nhất 3 lần trong năm 2022. Điều này sẽ tạo nên áp lực tăng lãi suất ở Việt Nam.
Trong khi đó, Nghị quyết về chính sách tài khóa, tiền tệ hỗ trợ Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội nêu rõ: "NHNN chỉ đạo các tổ chức tín dụng tiếp tục tiết giảm chi phí hoạt động để phấn đấu giảm lãi suất cho vay khoảng 0,5-1%/năm trong năm 2022 và 2023, nhất là với các lĩnh vực ưu tiên".
Trong bối cảnh như vậy, ông Nghĩa cho rằng, ngoài biện pháp hành chính, NHNN vẫn còn dư địa để hạ lãi suất điều hành, hạ tỷ lệ dữ trữ bắt buộc để "kìm cương" lãi suất.
"Nền tảng của mọi chính sách tiền tệ chính là lạm phát. Tại sao? Đó là vì điều người gửi tiền quan tâm là lãi suất thực dương, tức là người ta gửi lãi suất 6%/năm, trừ đi lạm phát 3% họ sẽ còn dương 3%. Lạm phát năm vừa qua là 1,85%, lạm phát năm 2022 có nhiều áp lực nhưng theo dự báo sẽ không tăng mạnh. Do đó, mặt bằng lãi suất vẫn hoàn toàn có thể được giữ ổn định, thậm chí giảm thêm trong năm 2022", ông Nghĩa nhấn mạnh thêm.
Bên cạnh đó, các doanh nghiệp sắp được hưởng lợi từ lãi suất thấp nhờ gói hỗ trợ cấp bù lãi suất có quy mô 40.000 tỷ đồng sẽ được triển khai trong thời gian tới. Tại một hội nghị gần đây, Phó Thống đốc Đào Minh Tú cho biết: “Chính phủ, Quốc hội giao cho ngành ngân hàng triển khai gói 40.000 tỷ đồng hỗ trợ lãi suất 2% cho doanh nghiệp. Đáng chú ý, 4 ngân hàng thương mại nhà nước đóng vai trò chủ chốt. Chính phủ sẽ có nghị quyết để triển khai gói cho vay hỗ trợ lãi suất và NHNN đang soạn thảo thông tư hướng dẫn chi tiết”.