Lãi suất huy động vốn giảm, hướng tới giảm lãi suất cho vay
So với quý IV/2022, trong 3 tháng đầu năm 2023 lãi suất huy động vốn của các tổ chức tín dụng đã giảm mạnh. Đây là tín hiệu để hướng tới các ngân hàng thương mại (NHTM) sẽ giảm lãi suất cho vay nhằm phát huy hiệu quả nguồn vốn tín dụng đầu tư phục hồi và phát triển kinh tế.
So với quý IV/2022, trong 3 tháng đầu năm 2023 lãi suất huy động vốn của các tổ chức tín dụng đã giảm mạnh. Đây là tín hiệu để hướng tới các ngân hàng thương mại (NHTM) sẽ giảm lãi suất cho vay nhằm phát huy hiệu quả nguồn vốn tín dụng đầu tư phục hồi và phát triển kinh tế.
Thực hiện chỉ đạo của Chính phủ, ngày 31/3/2023, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam đã ban hành Quyết định số 575/QĐ-NHNN về mức lãi suất tối đa đối với tiền gửi bằng đồng Việt Nam (VND) của tổ chức, cá nhân tại tổ chức tín dụng (TCTD) theo quy định tại Thông tư số 07/2014/TT-NHNN ngày 17/3/2014. Theo đó, lãi suất tối đa áp dụng đối với tiền gửi không kỳ hạn và có kỳ hạn dưới 1 tháng giảm từ mức 1,0%/năm xuống 0,5%/năm; lãi suất tối đa áp dụng đối với tiền gửi có kỳ hạn từ 1 tháng đến dưới 6 tháng giảm từ 6,0%/năm xuống 5,5%/năm, riêng lãi suất tối đa đối với tiền gửi bằng VND tại quỹ tín dụng nhân dân, tổ chức tài chính vi mô giảm từ 6,5%/năm xuống 6,0%/năm; lãi suất tiền gửi có kỳ hạn từ 6 tháng trở lên do TCTD ấn định trên cơ sở cung - cầu vốn thị trường.
Ngay sau khi Ngân hàng Nhà nước có quyết định, lãi suất huy động vốn của các NHTM trên địa bàn tỉnh đã nhanh chóng giảm từ 1% - 2%/năm. Cụ thể, theo tổng hợp của Chi nhánh Ngân hàng Nhà nước tỉnh Hà Nam, đến thời điểm này tổng nguồn vốn huy động của các tổ chức tín dụng trên địa bàn tỉnh đạt khoảng 64 nghìn tỷ đồng, trong đó: lãi suất huy động tiền gửi kỳ hạn từ 1 tháng đến dưới 6 tháng phổ biến ở mức 5% - 5,5%/năm; kỳ hạn từ 6 tháng đến 12 tháng phổ biến từ 6% – 7,5%/năm; kỳ hạn trên 12 tháng phổ biến từ 7,5% – 8,5%/năm.
Ở nhóm 4 chi nhánh ngân hàng có vốn nhà nước, gồm: Vietcombank, BIDV, Agribank, Vietinbank, lãi suất huy động đã xuống rất thấp, với mức lãi suất các kỳ hạn từ 1 - 3 tháng chỉ từ 4,9% - 5,4%/năm; kỳ hạn 6 - 9 tháng, lãi suất chỉ khoảng 5,8%/năm; kỳ hạn từ 12 tháng trở lên lãi suất chỉ còn khoảng 7,2%/năm. Qua công tác giám sát các TCTD cho thấy, mặt bằng lãi suất huy động, giữa các TCTD khá đồng đều và các ngân hàng chấp hành những quy định của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam về trần lãi suất huy động VND, USD. Nếu so với giai đoạn cao điểm cuối năm ngoái, thì lãi suất tiết kiệm đã giảm mạnh. Động thái này đã được nhiều khách hàng đánh giá cao và hy vọng trong thời gian tới mặt bằng lãi suất cho vay sẽ giảm.
Khách hàng giao dịch tại Chi nhánh Agribank Hà Nam II. Ảnh: Hòa Hậu
Ông Nguyễn Văn Mạnh, ở Xã Trần Hưng Đạo (Lý Nhân) cho biết: Công ty của tôi chuyên nhận thầu, thi công các công trình, thường xuyên cần sử dụng vốn vay của ngân hàng. Thời gian cao điểm tôi vay ngân hàng gần chục tỷ đồng để làm vốn, song gần đây lãi suất ngân hàng điều chỉnh tăng nên phải tính toán hạn chế vay để giảm chi phí cho kinh doanh. Việc các ngân hàng điều hành giảm lãi suất huy động tiền gửi, hướng tới lãi suất cho vay sẽ giảm theo, từng bước tháo gỡ khó khăn cho sản xuất kinh doanh. Bởi thực tế, nếu người dân phải vay vốn ngân hàng với lãi suất 13-14%/năm, thì chi phí đầu vào rất nhiều, sẽ gặp khó khăn trong sản xuất, kinh doanh. Để kích cầu sản xuất phát triển, các ngành chức năng cũng cần giám sát chặt chẽ lãi suất cho vay của các ngân hàng, tránh tình trạng lãi suất đầu vào thì giảm, lãi suất cho vay vẫn cao.
Cũng như ông Mạnh, rất nhiều khách hàng nhận định, muốn kích cầu sản xuất tăng trưởng thì phải có giải pháp “hạ nhiệt’’ lãi suất ngân hàng để các doanh nghiệp, hộ sản xuất, kinh doanh có điều kiện tiếp cận với lãi suất phù hợp. Khi lãi suất huy động vốn giảm, các NHTM cũng đã có động thái giảm lãi suất cho vay. Đối với địa bàn tỉnh, trong tổng số dư nợ tín dụng khoảng 64 nghìn tỷ đồng thì dư nợ từ 7%/năm trở xuống chiếm 6,17%; từ trên 7%/năm - 10%/năm chiếm 51,53%; từ trên 10%/năm - 11%/năm chiếm 14,45%; từ trên 11%/năm - 13%/năm chiếm 20,91%; trên 13%/năm chiếm 6,94%.
Ông Hoàng Xuân Hội, Phó Giám đốc Chi nhánh Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn tỉnh Hà Nam cho biết: Trong quý I/2023, chi nhánh đã bám sát chỉ đạo của Ngân hàng Nhà nước, tập trung huy động vốn với mức lãi suất theo quy định. Đối với giải ngân vốn cho khách hàng vay, chi nhánh sẽ cân đối với mức huy động đầu vào, bảo đảm lãi suất huy động đầu vào giảm, lãi suất cho vay cũng giảm tương ứng để cùng khách hàng tháo gỡ khó khăn cho sản xuất, kinh doanh. Ngoài ra, chi nhánh còn tập trung tháo gỡ khó khăn cho khách hàng bị ảnh bởi dịch Covid – 19, khách hàng gặp khó khăn trong chăn nuôi.
Trong thời gian tới, Chi nhánh Ngân hàng Nhà nước tỉnh Hà Nam tiếp tục chỉ đạo các tổ chức tín dụng tiết giảm tối đa chi phí hoạt động, cắt giảm thủ tục hành chính, giảm các khoản chi không cần thiết để phấn đấu giảm lãi suất cho vay, qua đó hỗ trợ doanh nghiệp, cá nhân phục hồi sản xuất, kinh doanh. Các ngân hàng luôn sẵn sàng nguồn vốn để đáp ứng nhu cầu tín dụng phục vụ sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp.