Lãi suất ngân hàng Agribank và Vietcombank về mức thấp kỷ lục, gửi tiết kiệm cả năm lãi chẳng đáng là bao
Agribank và Vietcombank đã đưa mức lãi suất ngân hàng kỳ hạn 12 tháng xuống còn 5,5%/năm, thấp nhất thị trường. Đây cũng được coi là mức thấp kỷ lục ngang giai đoạn dịch Covid-19.
Lãi suất ngân hàng thuộc nhóm big 4 thấp nhất thị trường
Cụ thể, lãi suất ngân hàng tiền gửi online tại Agribank trong biểu lãi suất mới thấp nhất là 3,4%/năm cho kỳ hạn 1-2 tháng, 3,85%/năm cho kỳ hạn 3-5 tháng. Với kỳ hạn 12-13 tháng, 18, 24 tháng, lãi suất còn 5,5%/năm. Mức giảm phổ biến là 0,2 đến 0,3 điểm %.
Tương tự, lãi suất huy động tại Vietcombank cũng giảm, có kỳ hạn giảm 0,5 điểm % tại Vietcombank với tiền gửi online, với mức 5,5%/năm cho kỳ hạn 12-24 tháng.
So với đầu năm, lãi suất huy động tại hai nhà băng quốc doanh này đã giảm 1,5-2%. Theo đó, nếu như đầu năm, khoản tiền gửi 1 tỷ đồng kỳ hạn 12 tháng, khách được trả lãi 74 triệu đồng, nay mức lãi chỉ còn 55 triệu đồng.
Như vậy, mặt bằng lãi suất ngân hàng Agribank và Vietcobank hiện tại giảm về gần tương đương giai đoạn lãi suất thấp kỷ lục vì Covid-19. Trong khi đó, VietinBank và BIDV vẫn chưa công bố biểu lãi suất huy động mới và đang niêm yết các kỳ hạn này ở mức 5,8%/năm.
Còn biểu lãi suất tại quầy của 2 ngân hàng lớn này tính đến ngày 14/9 tương tự nhau. Cụ thể, lãi suất huy động kỳ hạn 1 tháng là 3%/năm; kỳ hạn 3 tháng giảm 0,3 điểm %, về 3,5%/năm; kỳ hạn 6-9 tháng giảm 0,2 điểm %, về 4,5%/năm. Khoản tiền gửi kỳ hạn từ 12 tháng trở lên giảm từ 5,8% xuống còn 5,5%/năm, tức giảm 0,3 điểm %.
*Biểu lãi suất tiền gửi (đơn vị: %/năm)
Vietcombank và Agribank là hai trong 4 nhà băng có vốn nhà nước, với thị phần huy động vốn và cho vay top đầu thị trường. Động thái của các nhà băng này cũng thường có tính định hướng cho thị trường.
Lãi suất huy động trên thị trường liên tục giảm vài tháng qua trong bối cảnh hệ thống ngân hàng "thừa tiền" vì tăng trưởng tín dụng ảm đạm. Mức lãi suất huy động cao nhất trên thị trường hiện chỉ quanh 7% một năm và cũng không nhiều nhà băng sẵn sàng trả mức này (không tính khách hàng VIP gửi khoản tiền lớn).
Lãi suất cho vay theo đó cũng giảm nhiệt. Để hút khách vay, các nhà băng tung nhiều gói vay ưu đãi lãi suất 6-7% một năm trong thời gian đầu. Còn với lãi suất thả nổi (khoản vay cũ), cá nhân vay thế chấp tại các ngân hàng quốc doanh hiện chịu lãi suất dao động 10,5-11% một năm, còn tại nhóm tư nhân quanh 12-13,5% một năm.
Lãi suất ngân hàng nào cao nhất hiện nay?
Theo khảo sát biểu lãi suất niêm yết của 34 ngân hàng trên toàn hệ thống tại ngày 14/9, Ngân hàng Đông Á Bank đang là ngân hàng có mức lãi suất cao nhất với 7%/năm cho kỳ hạn 13 tháng.
Vị trí thứ hai là ngân hàng NCB với mức lãi suất là 6,75% cho kỳ hạn 12 tháng và kỳ hạn 13 tháng. Tiếp theo là Ngân hàng PVCombank với mức lãi suất 6,8% cho kỳ hạn 18 tháng.
Nhóm các ngân hàng nhà nước vẫn duy trì một mức lãi suất thấp so với thị trường khi chỉ có mức lãi suất huy động từ 4,7% - 5,8% với thời hạn từ 6 - 12 tháng.
Đối với các sản phẩm tiết kiệm có kỳ hạn ngắn dưới 6 tháng, các ngân hàng đa số niêm yết mức lãi suất tối đa là 4,75% và chủ yếu trong khoảng 4,0 - 4,75%. Những ngân hàng niêm yết mức lãi suất tối đa là Bảo Việt Bank, Bắc Á Bank, Kiên Long Bank, OCB, SCB, Ocean Bank, NCB, VIB, SHB, VPBank và HDBank.
Các mức lãi suất nêu trên dành cho tiền gửi của khách hàng cá nhân, lĩnh lãi cuối kỳ và có tính biến động. Các ngân hàng đều có những chính sách lãi suất riêng áp dụng cho các đối tượng khách hàng khác nhau, tùy thuộc vào giá trị tiền gửi. Ngoài ra, mức lãi suất huy động thực tế có thể thay đổi tùy vào tình hình cân đối vốn của từng chi nhánh ngân hàng...
Bảng lãi suất ngân hàng chi tiết nhất (Cập nhật ngày 14/9)
Lãi suất ngân hàng dành cho khách hàng cá nhân gửi tại Quầy
Lãi suất ngân hàng dành cho khách hàng cá nhân gửi Trực tuyến (Online)