Lãi suất ngân hàng liên tục tăng cao
Không ít ngân hàng thương mại (NHTM) trên địa bàn tỉnh đã cập nhật biểu lãi suất cho vay mới với mức tăng từ 1,5%- 2% so với đầu tháng 10 và mức lãi suất trên 11% cũng đã bắt đầu xuất hiện nhiều hơn. Các chuyên gia tài chính khuyến cáo, nếu không có nhu cầu thật sự, trong thời điểm hiện nay người dân chưa vội vay vốn.
Không ít ngân hàng thương mại (NHTM) trên địa bàn tỉnh đã cập nhật biểu lãi suất cho vay mới với mức tăng từ 1,5%- 2% so với đầu tháng 10 và mức lãi suất trên 11% cũng đã bắt đầu xuất hiện nhiều hơn. Các chuyên gia tài chính khuyến cáo, nếu không có nhu cầu thật sự, trong thời điểm hiện nay người dân chưa vội vay vốn.
Cuối năm 2021, anh Nguyễn Công Hiệu ở Tổ 1, Phường Lương Khánh Thiện (TP Phủ Lý) có nhu cầu sửa chữa nhà ở đã làm hợp đồng vay vốn tín dụng 300 triệu đồng, với thời gian 36 tháng (hợp đồng có thế chấp). Năm đầu tiên anh vay vốn với lãi suất hơn 7%/năm, còn lại năm thứ hai thả nổi theo giá thị trường, tương đương với lãi suất huy động của ngân hàng cộng với 3% - 4%. Anh Hiệu cho biết: Sắp hết thời gian vay năm đầu tiên với lãi suất hơn 7%, hiện ngân hàng đã gọi điện trao đổi với tôi và khả năng từ năm thứ hai lãi suất sẽ phải trả trên 12%/năm. Với mức lãi này, một tháng tôi sẽ phải trả khoảng 3,3 – 3,6 triệu đồng tiền lãi, cộng với trả một phần tiền gốc và như vậy gia đình tôi sẽ gặp khó khăn khi hai vợ chồng đều là viên chức Nhà nước.
Khách hàng giao dịch tại Chi nhánh Agribank Bình Lục. Ảnh: Hòa Hậu
Cũng như anh Hiệu, nhiều khách hàng vay vốn ngân hàng đã nhận được thông tin từ phía ngân hàng về việc điều chỉnh lãi suất cho vay. Theo các NHTM cho biết, trong thời gian qua, đồng loạt lãi suất huy động tiền gửi kỳ hạn 1 và 3 tháng lên 6% một năm, riêng kỳ hạn 12 tháng điều chỉnh lên hơn 8%/năm, có nơi lên 9,5% - 10% khi gửi online. Một số ngân hàng cổ phần dù "room" tín dụng đã cạn vẫn chạy đua nâng lãi suất huy động lên 10% – 10,5%/năm. Chính huy động tiết kiệm lãi suất tăng cao đã đẩy lãi suất cho vay tăng theo.
Thông thường các ngân hàng sẽ tính lãi suất cho vay theo công thức lãi suất cơ sở cộng thêm biên độ 3%-4%. Như vậy, mức lãi suất cho vay thời gian tới sẽ khó ở dưới 10%/năm, trừ các khoản vay theo chính sách ưu đãi dành cho các lĩnh vực ưu tiên vẫn đang áp dụng theo quy định của Ngân hàng Nhà nước. Hiện nhiều ngân hàng đã cập nhật biểu lãi suất cho vay mới với mức tăng từ 1,5% - 2% so với đầu tháng 10 và mức lãi suất trên 11% cũng đã bắt đầu xuất hiện nhiều hơn. Đối với các khoản vay có tài sản bảo đảm của khách hàng cá nhân, lãi suất cơ sở thấp nhất là 8,6%/năm dành cho kỳ hạn một tháng (kỳ điều chỉnh lãi một tháng) và cao nhất là 10,6% - 11%/năm dành cho kỳ hạn trên 5 năm đến 10 năm (kỳ điều chỉnh lãi ba tháng).
Theo các chuyên gia tài chính - ngân hàng, trong bối cảnh lạm phát tăng cao, mặt bằng lãi suất khó tiếp tục duy trì ở mức như hiện nay, nhất là khi tỷ giá USD đang tăng mạnh, gia tăng áp lực lên tỷ giá VND. Lãi suất tiền vay tăng sẽ khiến các doanh nghiệp gặp khó khăn, nhất là đối với doanh nghiệp không đủ nguồn lực, công cụ để có thể dự phòng rủi ro tỷ giá. Trong thời điểm này, khoảng 30% - 50% vốn hoạt động của doanh nghiệp là từ ngân hàng. Các doanh nghiệp vừa trải qua đợt dịch Covid-19, chưa kịp phục hồi, nay phải đối diện với biến động tài chính lại càng thêm khó khăn.
Ông Nguyễn Văn Hiếu, Giám đốc Ngân hàng Nhà nước Chi nhánh tỉnh Hà Nam cho biết: Năm 2022, Ngân hàng Nhà nước Chi nhánh tỉnh Hà Nam nắm bắt kịp thời những chính sách tiền tệ, tín dụng, hoạt động ngân hàng của Chính phủ và Ngân hàng Nhà nước để quản lý hoạt động ngân hàng trên địa bàn. Cụ thể, về quy mô, chất lượng nguồn vốn tín dụng của các NHTM vẫn được duy trì và tăng trưởng khá. Ước đến hết năm 2022, dư nợ tín dụng của các NHTM trên địa bàn tỉnh đạt khoảng 66.000 tỷ đồng, tăng 14,57% so với đầu năm. Năm 2023, các NHTM xác định sẽ là một năm khó khăn khi lãi suất huy động vốn đầu vào tăng cao, “room’’ tín dụng giới hạn, trong khi đó lãi suất cho vay tiếp tục được điều chỉnh. Để hoàn thành kế hoạch được giao và kịp thời giải ngân vốn cho phát triển kinh tế, các NHTM thực hiện giải pháp tăng trưởng tín dụng có hiệu quả đi đôi với kiểm soát chất lượng tín dụng. Các NHTM cũng tiếp tục ưu tiên đầu tư tín dụng vào các lĩnh vực sản xuất, kinh doanh, tháo gỡ các khó khăn cho khách hàng và kiểm soát chặt chẽ tín dụng đối với các lĩnh vực tiềm ẩn rủi ro.