Lãi suất ở Đông Nam Á sắp đạt đỉnh
Các ngân hàng trung ương Đông Nam Á có vẻ như sắp hoàn thành chiến dịch chống lạm phát bằng công cụ lãi suất.
Theo dự báo trung bình trong một cuộc khảo sát của Bloomberg, các nhà hoạch định chính sách ở Indonesia, Philippines và Thái Lan sẽ tăng lãi suất thêm 50 điểm cơ bản trong những tháng tới trước khi đạt đến mức cao nhất. Trong khi đó, Malaysia sẽ giới hạn chu kỳ tăng lãi suất với mức tăng thêm 25 điểm cơ bản.
Mặc dù khu vực Đông Nam Á phải đối mặt với ít trở ngại hơn so với các quốc gia khác ở Nam Á, nhưng các nhà hoạch định chính sách đã tìm đến cả các công cụ truyền thống và phi truyền thống trong năm qua để hạ nhiệt lạm phát và hỗ trợ các loại tiền tệ chịu áp lực tăng lãi suất của Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed).
Với việc lạm phát chậm lại ở Mỹ khiến Fed có xu hướng giảm tốc độ tăng lãi suất xuống còn 25 điểm cơ bản trong cuộc họp tiếp theo, nhiều nhà phân tích kỳ vọng các đợt tăng lãi suất ở Đông Nam Á sẽ kết thúc trong quý một này. Điều đó sẽ hỗ trợ các cơ quan tài chính khi họ tìm cách duy trì tăng trưởng trong bối cảnh lo ngại suy thoái kinh tế ở một số nền kinh tế tiên tiến.
Indonesia
Indonesia có thể sẽ tiếp tục với các mức tăng lãi suất nhỏ hơn do kỳ vọng lạm phát được củng cố và mức tăng giá đã đạt đỉnh. Ngân hàng trung ương cũng được cho là đang sử dụng các công cụ khác như chương trình mua trái phiếu và giữ lại nguồn thu bằng đô la của các nhà xuất khẩu tại quê nhà để hỗ trợ đồng rupiah.
“Xem xét đến trường hợp lạm phát có thể kiểm soát được và lãi suất cuối cùng của Fed ở mức khoảng 5%, chúng tôi cho rằng ngân hàng trung ương sẽ duy trì lãi suất chính sách ở mức 6% trong một thời gian trừ khi rủi ro suy thoái thúc đẩy lập trường nới lỏng của các ngân hàng trung ương toàn cầu”, Josua Pardede, nhà kinh tế trưởng tại PT Bank Permata cho biết. Ngân hàng trung ương Indonesia dự kiến sẽ công bố quyết định về lãi suất vào ngày 19/1.
Malaysia
Malaysia là quốc gia đầu tiên trong khu vực tăng lãi suất trong chu kỳ thắt chặt vào tháng 5/2022, mặc dù Philippines là một trong những quốc gia tích cực nhất trong việc thắt chặt tiền tệ. Ngân hàng trung ương Malaysia đã tăng lãi suất cơ bản lên 100 điểm cơ bản tích lũy kể từ khi kiểm soát lạm phát. Mặc dù ngân hàng trung ương kỳ vọng tăng trưởng kinh tế vào năm 2022 sẽ vượt dự báo 6,5% -7% của chính phủ, nhưng tốc độ mở rộng sẽ chậm lại và ở phạm vi từ 4% đến 5% trong năm nay.
Alex Holmes, chuyên gia kinh tế tại Oxford Economics Ltd. cho biết: “Sau đợt tăng lãi suất cuối cùng vào tháng 1, chúng tôi kỳ vọng tăng trưởng chậm lại và lạm phát giảm bớt sẽ khiến ngân hàng trung ương tạm dừng tăng lãi suất cho đến hết năm 2023”.
Cuộc họp lãi suất tiếp theo sẽ diễn ra vào ngày 19/1.
Philippines
Hôm thứ Năm (12/1), thống đốc ngân hàng trung ương Philippines, Felipe Medalla cho biết rằng Philippines có thể sắp kết thúc đợt tăng lãi suất cơ bản, sau khi thông báo hành động 25 hoặc 50 điểm cơ bản tại cuộc họp tiếp theo. Theo Bộ trưởng Tài chính Benjamin Diokno, ngân hàng trung ương có thể tiếp tục làm chậm các hành động lãi suất vì lạm phát dự kiến sẽ giảm.
Tuy nhiên, “với tỷ lệ lạm phát tăng cao trong hầu hết năm 2023, chúng tôi tin rằng việc cắt giảm lãi suất rất có thể chỉ xảy ra vào năm 2024”, Alvin Arogo, nhà kinh tế tại Philippine National Bank cho biết. Cuộc họp lãi suất tiếp theo sẽ diễn ra vào ngày 16/2.
Thái Lan
Thái Lan có thể sẽ tiếp tục tăng dần lãi suất để tránh làm gián đoạn quá trình phục hồi nhờ ngành du lịch đang hồi sinh. Trợ lý Thống đốc ngân hàng trung ương Thái Lan Piti Disyatat vào tháng trước đã báo hiệu khả năng kết thúc chu kỳ thắt chặt của Thái Lan vào cuối năm nay nếu nền kinh tế và lạm phát đạt đến điểm cân bằng.
Enrico Tanuwidjaja, một nhà kinh tế tại PT Bank UOB Indonesia cho biết ngân hàng trung ương đã tăng lãi suất lên tổng cộng 75 điểm cơ bản vào năm ngoái, “có khả năng mang lại nhiều đợt tăng lãi suất hơn”. Cuộc họp lãi suất tiếp theo của Thái Lan sẽ diễn ra vào ngày 25/1.
Nguồn ĐTCK: https://tinnhanhchungkhoan.vn/lai-suat-o-dong-nam-a-sap-dat-dinh-post313535.html