Lãi suất ở Mỹ sẽ cao hơn trước đây, nhất là khi ông Trump tái đắc cử

Có hai lý do dẫn tới việc lãi suất ở Mỹ có thể cao hơn, thậm chí cao hơn nhiều, trong vòng 1 thập kỷ tới so với thập kỷ hiện tại...

Hai ứng viên tổng thống Mỹ, ông Donald Trump và bà Kamala Harris - Ảnh: Bloomberg.

Hai ứng viên tổng thống Mỹ, ông Donald Trump và bà Kamala Harris - Ảnh: Bloomberg.

Cách đây 1 tháng, Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) hạ lãi suất nửa điểm phần trăm và phát tín hiệu sẽ tiếp tục nới lỏng trong thời gian tới. Nhưng sau đó, lợi suất trái phiếu kho bạc Mỹ kỳ hạn 10 năm vẫn vượt mốc 4%, cao nhất 2 tháng.

Vậy tại sao lãi suất dài hạn - tức lợi suất trái phiếu kho bạc Mỹ - lại tăng trong khi lãi suất ngắn hạn - tức lãi suất quỹ liên bang của Fed - giảm? Fed giữ vai trò thiết lập lãi suất cho vay qua đêm và nhà đầu tư dựa vào lãi suất đó để điều chỉnh kỳ vọng về lãi suất trong dài hạn, có thể là trong 1 thập kỷ hoặc thậm chí là vài thập kỷ tới. Thường thì khi Fed giảm lãi suất, lợi suất trái phiếu kho bạc Mỹ cũng giảm theo, nhưng lần này lại khác. Điều này có nghĩa là nhà đầu tư kỳ vọng lãi suất trong tương lai sẽ cao hơn cho dù Fed giảm lãi suất ở thì hiện tại.

Theo tờ Wall Street Journal, có hai lý do dẫn tới việc lãi suất có thể cao hơn, thậm chí cao hơn nhiều, trong vòng 1 thập kỷ tới so với thập kỷ hiện tại.

Lý do đầu tiên tương đối dễ chịu: lạm phát và tăng trưởng trưởng kinh tế trong những năm tới ở Mỹ sẽ không thấp như trong những năm trước đại dịch Covid-19. Nhưng lý do thứ hai lại đáng ngại hơn: nợ của Chính phủ liên bang Mỹ hiện đang diễn biến theo một chiều hướng không bền vững, và thậm chí có thể nghiêm trọng hơn sau cuộc bầu cử sắp tới, nhất là trong trường hợp cựu Tổng thống Donald Trump tái đắc cử và Đảng Cộng hòa của ông giành được quyền kiểm soát Quốc hội.

SỨC BỀN CỦA KINH TẾ MỸ

Cách đây hơn 1 năm, Fed tăng lãi suất lên mức cao nhất 23 năm 5,25-5,5% để đảm bảo rằng lạm phát không bị kẹt trên mục tiêu 2%, và sẵn sàng chấp nhận rủi ro suy thoái kinh tế để đạt được mục tiêu đó. Tháng 9 vừa qua, lạm phát đã hạ về gần ngưỡng 2%. Việc Fed giảm lãi suất nửa điểm phần trăm vào ngày 18/9 cho thấy ưu tiên của Fed bây giờ là bảo vệ thị trường việc làm.

Nhưng sau đó, báo cáo việc làm tháng 9 đã làm thay đổi bức tranh thị trường việc làm từ đang xấu đi thành lành mạnh. Việc Fed xoay trục, cộng thêm số liệu việc làm tốt hơn nhiều so với dự báo, đã nhanh chóng làm suy yếu kỳ vọng của nhà đầu tư về môt cuộc suy thoái kinh tế có thể xảy ra - kịch bản có thể buộc Fed phải giảm lãi suất nhanh và mạnh trong thời gian còn lại của năm nay và sang cả năm 2025. Chỉ riêng điều này đã đồng nghĩa rằng lãi suất dài hạn sẽ cao hơn.

Trong khi đó, nhiều khả năng tổng sản phẩm trong nước (GDP) của Mỹ vẫn tăng trưởng với tốc độ mạnh mẽ 2,8% trong 4 quý vừa qua, tức là mức độ dễ tổn thương của nền kinh tế trước lãi suất cao đã giảm xuống. Theo góc nhìn của các nhà kinh tế học, lãi suất trung tính - mức lãi suất giữ cho lạm phát và thất nghiệp ổn định, không gây hiệu ứng kích thích hay làm suy giảm tăng trưởng GDP - rõ ràng đã tăng lên. Hồi tháng 12 năm ngoái, giới chức Fed còn cho rằng lãi suất trung tính là 2,5%. Đến tháng 9 vừa rồi, họ đã nâng dự báo về lãi suất trung tính lên 2,9%, thậm chí một số quan chức Fed còn cho rằng mức lãi suất đó phải là 3,5% hoặc cao hơn.

MỐI LO NỢ LIÊN BANG

Thực ra, lãi suất trung tính cao hơn không phải là điều đáng lo ngại, bởi đó là một tín hiệu cho thấy nền kinh tế quay trở lại trạng thái bình thường. Nhưng sự kết hợp giữa lãi suất cao hơn với nợ của liên bang tăng mạnh, đó lại là một vấn đề.

Từ năm 2007 đến nay, tỷ lệ nợ chính phủ so với GDP của Mỹ đã tăng từ 35% lên 98%. Phần lớn sự gia tăng nợ nần này là hệ quả của cuộc khủng hoảng tài chính 2008-2009 và đại dịch Covid-19. Trước đây, việc Chính phủ Mỹ vay nợ ồ ạt không đẩy cao lợi suất trái phiếu vì lạm phát và lãi suất trung tính đều ở mức thấp. Đổi lại, lãi suất thấp khiến cho việc trả nợ cũng dễ dàng hơn.

Nhưng trong năm tài khóa trước, Washington vay 1,8 nghìn tỷ USD, con số tương dương 6,4% GDP - một mức vay nợ kỷ lục nếu không tính thời chiến tranh, suy thoái hay khủng hoảng như đại dịch. Chi phí lãi vay của Chính phủ Mỹ cũng không ngừng tăng. Văn phòng Ngân sách Quốc hội Mỹ (CBO) dự báo đến năm 2034, nợ công của Mỹ sẽ lên tới 122% GDP.

Hiện tại, ảnh hưởng của triển vọng vay nợ này đối với lãi suất dài hạn ở Mỹ về cơ bản chưa rõ. Nhưng tác động được cho là sẽ sớm hiện rõ.

Cả Phó tổng thống Kamala Harris, ứng cử viên của Đảng Dân chủ, và ông Trump - người đại diện cho Đảng Cộng hòa để chạy đua vào Nhà Trắng lần này - đều cam kết chi tiêu mạnh tay và giảm thuế, những biện pháp sẽ khiến khối nợ liên bang càng lớn hơn. Theo một ước tính của Ủy ban Ngân sách liên bang có trách nhiệm (CRFB), kế hoạch của bà Harris sẽ khiến thâm hụt ngân sách tăng thêm 3,5 nghìn tỷ USD và kế hoạch của ông Trump sẽ gây thâm hụt thêm 7,5 nghìn tỷ USD trong thời gian từ năm 2026-2035.

“Cả hai ứng cử viên đều không có một kế hoạch nào để xử lý khối nợ, mà rõ ràng kế hoạch của ông Trump sẽ gây thâm hụt mạnh hơn kế hoạch của bà Harris”, Chủ tịch Maya MacGuineas của CRFB nhận định.

Có một sự bấp bênh lớn xung quanh những ước tính trên. Ông Trump thường tung ra những đề xuất mới mà chẳng có nhiều chi tiết cụ thể hay giải thích kế hoạch đó sẽ lấy ngân sách từ đâu. Tuy nhiên, sẽ là một sai lầm nếu cho rằng các kế hoạch của ông là không nghiêm túc. Những kế hoạch đó không chỉ tốn kém hơn so với chương trình nghị sự của bà Harris, mà khả năng trở thành hiện thực cũng cao hơn.

Cả ông Trump và bà Harris, dù ai trúng cử khóa tới, có lẽ cũng đều không ngần ngại vay nợ thêm để thúc đẩy các ưu tiên chi tiêu của họ. Nhưng nếu bà Harris thắng cử, Đảng Cộng hòa nhiều khả năng sẽ giành lại được quyền kiểm soát Thượng viện và từ đó, họ có thể sẽ cản trở những kế hoạch chi tiêu tốn kém nhất của bà. (Ở Mỹ, đảng nào giành được Nhà Trắng thường có khả năng nắm đa số ở Hạ viện, và Thượng viện dễ do đảng còn lại kiểm soát). Thậm chí ngay trong nội bộ Đảng Dân chủ, bà Harris bị cho là không có được sự trung thành cá nhân như ông Trump có trong Đảng Cộng hòa.

“Khả năng bà Harris thực thi được các chính sách của bà ấy nếu trúng cử là thấp hơn nhiều so với cơ hội dành cho ông Trump, bởi ảnh hưởng của bà ấy trong Đảng Dân chủ không lớn như ảnh hưởng của ông Trump trong Đảng Cộng hòa”, ông Bob Corker - một cựu thượng nghị sỹ Cộng hòa của bang Tennessee - nhận định.

Dưới ảnh hưởng của ông Trump, vấn đề giảm nợ liên bang đã giảm vị trí trong danh sách ưu tiên của những người Cộng hòa. Ông loại bỏ bất kỳ cuộc thảo luận nào về cắt giảm chương trình An sinh xã hội (Social Security) hay chăm sóc y tế Medicare - hai nguồn gây thâm hụt ngân sách lớn nhất trong dài hạn.

Các nghị sỹ Cộng hòa ở Hạ viện muốn trang trải một phần cho chương trình giảm thuế năm 2017 của họ bằng một loại thuế dòng tiền (cash-flow tax) được miễn đối với lĩnh vực xuất khẩu, nhưng ông Trump bác bỏ ý tưởng này. Chương trình giảm thuế năm 2017 của đảng này đã gây thất thu ngân sách dù các quan chức chính quyền Trump trước đó nói rằng việc giảm thuế sẽ giúp tăng trưởng kinh tế và qua đó giúp tăng lượng thuế thu được. Trên thực tế, số tiền thuế thu được trong các năm 2018-2019 thấp hơn nhiều so với dự báo của CBO trước khi đạo luật giảm thuế được thông qua.

Phần lớn chương trình giảm thuế 2017 sẽ hết hạn vào năm 2025, mở đường cho một đạo luật thuế lớn mới trong giai đoạn đầu của nhiệm kỳ tổng thống tiếp theo. Ngay cả khi ông Trump không hiện thực hóa được tất cả các kế hoạch mà ông muốn - đặc biệt là việc bãi thuế đối với phúc lợi An sinh xã hội - nhưng ông vẫn có thể đưa nhiều kế hoạch trong số đó vào thực thi.

Rõ ràng, mức nợ của Chính phủ liên bang Mỹ đang đi vào vùng chưa từng có tiền lệ. Một nghiên cứu gần đây của Penn Wharton Budget Model cho thấy nợ chính phủ Mỹ sẽ không còn bền vững nếu lên gần ngưỡng 175% GDP. Theo những gì CRFB dự báo, mức nợ sẽ tiến gần con số đó trong thập kỷ tới.

An Huy

Nguồn VnEconomy: https://vneconomy.vn/lai-suat-o-my-se-cao-hon-truoc-day-nhat-la-khi-ong-trump-tai-dac-cu.htm