Lãi suất tăng, người mừng, kẻ lo
Từ đầu tháng 5, đã có thêm một số ngân hàng điều chỉnh tăng lãi suất huy động. Trong khi người có tiền đắn đo với việc gửi tiết kiệm kỳ hạn ngắn hay dài để được lợi, việc lãi suất huy động tăng khiến người vay lo lắng.
Lãi suất huy động sẽ tăng 0,5 - 0,7% trong nửa cuối năm 2024
Các ngân hàng như ACB, GPBank, NCB, Sacombank, BVBank… mới đây tăng lãi suất ở nhiều kỳ hạn từ 0,1 - 0,2% so với biểu lãi suất trước đó.
Tại Sacombank, lãi suất tiền gửi cao nhất hiện nay là 5,2%/năm nếu khách hàng gửi kỳ hạn dài 36 tháng. Tại NCB, sau khi điều chỉnh, lãi suất huy động cao nhất là 5,7%/năm với sản phẩm tiết kiệm An Phú khi khách hàng gửi từ 18 - 60 tháng. Mức lãi suất tiền gửi trên 5%/năm các kỳ hạn dài cũng xuất hiện nhiều hơn so với vài tháng trước.
Trước đó, trong tháng 4, lãi suất huy động bắt đầu nhích lên khi một loạt ngân hàng gồm VPBank, Eximbank, MSB, HDBank, TPBank, KienLong Bank, Bac A Bank, PVComBank… điều chỉnh biểu lãi suất ở một số kỳ hạn với mức tăng từ 0,2%-0,5%/năm. Nhóm VPBank, BVBank và KienLongBank còn tăng lãi suất tiết kiệm lần thứ hai tại một số kỳ hạn.
Đáng chú ý, xu hướng tăng lãi suất còn diễn ra ở cả ngân hàng thuộc nhóm Big 4 như VietinBank và BIDV.
Sau nhiều tháng tập trung vào gửi tiền tại ngân hàng, người dân đã rút tiền ra làm ăn trong bối cảnh lãi suất chạm đáy, còn tỷ giá, giá vàng tăng nóng. Tiền gửi của tổ chức và dân cư theo thống kê mới nhất đều giảm. Đến 23/4, huy động vốn giảm 0,52% so với cuối năm 2023. Trong đó huy động tiền đồng giảm 0,08% và USD hạ 6,26%. Vì vậy, các ngân hàng thương mại buộc phải tăng lãi suất huy động theo xu hướng chung, nếu muốn tăng sức cạnh tranh và thu hút nguồn vốn từ dân cư.
Bên cạnh đó, tăng trưởng tín dụng tháng 4 tiếp tục dương so với cuối năm ngoái, với mức tăng 1,6%. Trong đó, tăng trưởng tín dụng VND tăng 1,53%, còn USD tăng 3,37%. Các ngân hàng đã bắt đầu nhận thấy sự phục hồi của hoạt động tín dụng, điều này khích lệ họ mở rộng phạm vi cho vay, đồng nghĩa với việc huy động vốn lớn hơn để đáp ứng nhu cầu cho vay gia tăng.
Trên thị trường mở, lãi suất liên ngân hàng kỳ hạn qua đêm đã tăng từ mức 0,31%/năm vào ngày 28/3 lên 4,08%/năm vào ngày 25/4 sau khi trải qua nhiều phiên áp sát mức trần 5%. Ngân hàng Nhà nước (NHNN) liên tục hút ròng tiền qua kênh tín phiếu nhằm điều tiết lượng tiền trong lưu thông; thu hẹp chênh lệch lãi suất USD-VND và thực hiện nhiều biện pháp khác để ổn định tỷ giá. Các chuyên gia cho rằng việc phát hành tín phiếu của NHNN một mặt giúp hạn chế đầu cơ tỷ giá nhưng cũng lại gây khó cho nhà điều hành trong việc duy trì ổn định lãi suất.
Giới phân tích cho rằng lãi suất đã chạm đáy và bắt đầu đi lên sau khi nhiều ngân hàng có động thái đảo chiều tăng lãi tiền gửi trở lại và áp lực tỷ giá còn lớn. Theo MBS, xu hướng tăng lãi suất tiết kiệm sẽ tiếp tục trong các tháng tới, với mức tăng tối đa lên tới 0,7% từ nay tới cuối năm...
Lãnh đạo một số ngân hàng cũng đưa ra dự báo về sự tăng nhẹ trở lại của lãi suất huy động. Theo Tổng Giám đốc TPBank Nguyễn Hưng, lãi suất sẽ nhích lên nhưng không nhiều. Kịch bản xấu nhất, theo ông Hưng, lãi suất sẽ tăng 1%/năm, còn bình thường chỉ 0,3 - 0,5%/năm.
“Năm 2023, lãi suất cho vay bình quân của MB giảm 1-1,5%/năm. Khi có đánh giá về dao động lãi suất gần đây, chúng tôi thấy lãi suất duy trì như những tháng đầu năm là không dễ. Chúng tôi đánh giá lãi suất sẽ đi ngang hoặc xu hướng tăng lên về cuối năm" - Chủ tịch HĐQT MB Lưu Trung Thái nói tại đại hội đồng cổ đông thường niên năm 2024.
Lo lãi suất cho vay tăng
Ông Nguyễn Mạnh Thắng ở Thanh Xuân cho biết, sắp đến hạn tất toán sổ tiết kiệm hơn 1 tỷ đồng, nên băn khoăn sắp tới chưa biết nên gửi tiết kiệm kỳ hạn nào. “Nếu gửi dài lãi suất cao hơn nhưng chưa chắc có lợi bởi lãi suất đang có xu hướng nhích lên"- ông Thắng nói.
Trong khi người có tiền đắn đo với việc gửi tiết kiệm kỳ hạn ngắn hay dài để được lợi, việc lãi suất huy động nhích lên khiến người vay lo lắng. Chị Trần Thu Hòa, chủ một hộ kinh doanh tại quận Hai Bà Trưng, cho biết đang được vay với lãi suất 7,5%/năm - giảm 3%/năm so với cuối năm ngoái. Nhưng cứ 6 tháng, tôi lại phải đáo hạn một lần. Do vậy, tôi lo 6 tháng nữa tôi phải nhận vốn với lãi suất cao hơn. Trong bối cảnh hiện nay, lãi suất tăng là thách thức với hộ kinh doanh như tôi" - chị Hòa nói.
Lãi suất huy động tăng, xuất hiện những lo lắng về khả năng lãi suất cho vay sẽ bị điều chỉnh tăng theo, gây khó cho nền kinh tế.
Bà Bùi Thị Quỳnh Nga - chuyên viên cao cấp phân tích Chứng khoán Phú Hưng cho rằng, số liệu tăng trưởng tín dụng tháng 4 có tăng nhưng vẫn ở mức thấp trong nhiều năm trở lại đây. Do đó, bà Nga dự báo lãi suất có thể tăng nhẹ trở lại nhưng mặt bằng bình quân dự kiến vẫn ở mức thấp thời gian tới. Chính phủ và NHNN vẫn chủ trương duy trì lãi suất cho vay thấp để hỗ trợ người dân và doanh nghiệp trong bối cảnh khó khăn. Điều này đòi hỏi các ngân hàng sẽ cần tính toán lãi suất ở mức hợp lý.
Theo TS Nguyễn Trí Hiếu, khi lãi suất huy động tăng cho đến khi kéo theo lãi suất cho vay tăng cần có độ trễ. Thông thường với các ngân hàng huy động vốn để cho vay ngay ra, thì ảnh hưởng lên lãi suất cho vay đầu ra sẽ diễn tức thời, không cần độ trễ. Nhưng nhìn chung, từ huy động vốn đến việc đẩy ra nền kinh tế sẽ có độ trễ khoảng từ 2 cho đến 3 tháng sau khi ngân hàng tính toán đến các loại chi phí.
Theo các chuyên gia, tình hình doanh nghiệp đang rất khó khăn. Do vậy, về lâu về dài cần duy trì lãi suất cho vay thấp. Nếu lãi suất chỉ thấp trong thời gian ưu đãi rồi đến kỳ điều chỉnh lại tăng, rất khó cho người vay khi tính kế hoạch tài chính. Tuy nhiên, TS Nguyễn Trí Hiếu cũng thừa nhận có những cái rất khó cho ngân hàng vì lãi suất huy động còn phải phụ thuộc vào lạm phát cũng như cạnh tranh huy động vốn giữa các ngân hàng. Lãi suất cho vay cũng phải dựa vào "khẩu vị rủi ro" nên không thể có lãi suất thấp cho tất cả doanh nghiệp.
Trao đổi với báo chí tại họp báo quý I, lãnh đạo NHNN khẳng định đang cố gắng dùng nhiều biện pháp để ổn định tỷ giá, chứ không cố định, bảo đảm trạng thái ngoại tệ bằng 0 chứ không thể âm. Trước áp lực tỷ giá, NHNN chưa đặt vấn đề điều chỉnh lãi suất theo hướng tăng hay giảm. Thay vào đó, nhà điều hành duy trì lãi suất điều hành hiện tại và khuyến khích các tổ chức tín dụng giảm lãi suất cho vay nhất là ở các lĩnh vực ưu tiên.
Nguồn KTĐT: https://kinhtedothi.vn/lai-suat-tang-nguoi-mung-ke-lo.html