Lãi suất thấp, làm thế nào để 'hút' doanh nghiệp vay vốn?

Mặt bằng lãi suất cho vay đã xuống mức thấp so với nhiều năm trở lại đây. Thanh khoản của ngân hàng dồi dào, song tăng trưởng tín dụng vẫn không cao khi nhu cầu vay vốn của doanh nghiệp hạn chế bởi những tác động từ dịch Covid-19.

Khách hàng giao dịch tại Ngân hàng Thương mại cổ phần Ngoại thương Việt Nam (Vietcombank).

Điều kiện cho vay vẫn chặt chẽ

Trong điều kiện thanh khoản dư thừa, thời gian qua, các ngân hàng lại đồng loạt giảm lãi suất huy động. Từ các ngân hàng lớn như Ngân hàng Thương mại cổ phần Ngoại thương Việt Nam (Vietcombank), Ngân hàng Thương mại cổ phần Công thương Việt Nam (Vietinbank)… đến các ngân hàng quy mô nhỏ hơn như Ngân hàng Thương mại cổ phần quân đội (MBBank), Ngân hàng Thương mại cổ phần Bưu điện Liên Việt (LienVietPostBank)..., đều giảm lãi suất tiền gửi cho kỳ hạn 6-9 tháng xuống 4%/năm; kỳ hạn 12 tháng còn 6%/năm; kỳ hạn 24 tháng là 5,7%/năm và kỳ hạn 36 tháng chỉ còn 5,4%/năm. Như vậy, lãi suất cho vay dài hạn cao nhất khoảng 9-10%/năm, giảm 1-2%/năm so với cùng kỳ những năm trước.

Mặc dù lãi suất cho vay đã nhiều lần được điều chỉnh giảm kể từ đầu năm 2020 trở lại đây, nhưng tăng trưởng tín dụng vẫn đạt mức thấp do nhu cầu vay vốn không nhiều. Tính đến cuối tháng 10-2020, tăng trưởng tín dụng của cả hệ thống ngân hàng chỉ đạt 6,15%, thấp hơn so với cùng kỳ những năm trước (cùng kỳ năm 2019 tăng khoảng 10%).

Nhiều doanh nghiệp cho rằng, tuy mức lãi suất cho vay “dễ thở” hơn, nhưng điều kiện vay vẫn khá khắt khe, nên doanh nghiệp không dễ dàng tiếp cận. Theo ông Mai Văn Bằng, Giám đốc Công ty Xây dựng và nội thất Quỳnh Chi, trong bối cảnh hiện nay, lãi suất cho vay trung và dài hạn chỉ nên ở mức 6-7%/năm và thời gian cho vay ưu đãi nên kéo dài thay vì chỉ áp dụng ngắn hạn. Quan trọng hơn, điều kiện cho vay cũng cần nới lỏng, thay vì những tiêu chí quá khắt khe như hiện nay.

Còn theo ông Bùi Ngọc Tường, đại diện Tập đoàn Đầu tư nước sạch và môi trường Hùng Thành, tập đoàn này đang quản lý nhiều nhà máy nước sạch trên khắp cả nước, thuộc nhóm doanh nghiệp được ưu tiên, chưa từng có nợ xấu, nợ quá hạn tại các ngân hàng. Thế nhưng, doanh nghiệp vẫn khó tiếp cận nguồn vốn vay ngân hàng do không có tài sản thế chấp, ngay cả khi vốn điều lệ của doanh nghiệp là 120 tỷ đồng, với hơn 20 nhà máy.

Một doanh nghiệp kinh doanh bất động sản khác ở Hà Nội cho biết, do doanh nghiệp vẫn còn nợ cũ ở ngân hàng nên không thể vay vốn mới để phục vụ cho dự án vì không đáp ứng các điều kiện mà ngân hàng đặt ra, mặc dù doanh nghiệp vẫn trả lãi vay đầy đủ, đúng hạn.

Cần các gói hỗ trợ đủ mạnh, đủ thời gian giúp doanh nghiệp phục hồi

Tuy nhiên, lãi suất không phải vấn đề chính khiến doanh nghiệp "ngại" vay vốn ngân hàng. Những khó khăn do dịch Covid-19, sức mua của nền kinh tế giảm được coi là nguyên nhân chính khiến doanh nghiệp không dám vay.

Ông Nguyễn Ngọc Hiếu, Trưởng phòng Kinh doanh Công ty EMTC (Hà Nội) cho hay, công ty chỉ sản xuất cầm chừng, chủ yếu là thực hiện những đơn hàng đã ký từ năm 2019. Lượng hàng xuất khẩu sang các thị trường truyền thống như Đức, Mỹ… giảm mạnh. Vì vậy, công ty không có nhu cầu vay vốn ngân hàng, mở rộng sản xuất như mọi năm.

Chuyên gia kinh tế, PGS.TS Nguyễn Khắc Quốc Bảo, Trưởng khoa Tài chính (Đại học Kinh tế thành phố Hồ Chí Minh) nhìn nhận, nhu cầu vốn vay hiện nay không tăng tương ứng với huy động. Trước hết, do doanh nghiệp chưa có nhu cầu vay vốn. Nhiều doanh nghiệp có thể đang cần ưu tiên giải quyết những khó khăn trước mắt về chi phí cố định, tiền lương cho người lao động... hơn là vay mở rộng sản xuất, kinh doanh lúc này.

Cũng theo PGS.TS Nguyễn Khắc Quốc Bảo, các ngân hàng đã nỗ lực để đồng hành cùng doanh nghiệp, nhưng cũng phải bảo đảm an toàn, tránh phát sinh nợ xấu, nên vẫn phải bảo đảm điều kiện cho vay.

Cùng quan điểm, chuyên gia kinh tế, Tiến sĩ Phạm Thế Anh, Viện Nghiên cứu kinh tế và chính sách (VEPR - Đại học Quốc gia Hà Nội) nhận định, dịch Covid-19 còn diễn biến phức tạp, nhu cầu vay vốn của doanh nghiệp không còn, nên lãi suất cho vay của ngân hàng giảm cũng không tạo được động lực để doanh nghiệp vay vốn.

Chia sẻ về chính sách hỗ trợ doanh nghiệp, Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp nhỏ và vừa, Tiến sĩ Nguyễn Văn Thân, cho rằng, điều doanh nghiệp trông đợi nhất lúc này là các gói hỗ trợ đủ mạnh, đủ thời gian giúp doanh nghiệp phục hồi.

“Muốn hỗ trợ doanh nghiệp, cần mở rộng đối tượng và bỏ bớt đi các điều kiện đối với các doanh nghiệp, ví dụ như các chính sách liên quan đến xã hội, công đoàn, bảo hiểm, thuế…, để doanh nghiệp có thể tiếp cận những gói hỗ trợ một cách nhanh nhất. Thay vì hỗ trợ trực tiếp cho doanh nghiệp thì nên hỗ trợ theo chuỗi, tính lan tỏa sẽ rộng hơn, nguồn lực sẽ phù hợp với điều kiện của Việt Nam hơn...”, ông Thân đề xuất.

Về phía ngân hàng, Chủ tịch Hội đồng quản trị Vietcombank Nghiêm Xuân Thành cho biết, ngân hàng sẽ có cơ chế riêng, cởi mở với các doanh nghiệp kinh doanh ngành nghề đặc thù, ưu tiên nhóm ngành an sinh xã hội có tài sản bảo đảm. Những khách hàng này trước mắt chỉ cần đáp ứng 70% chính sách tài sản bảo đảm, sau đó 2 năm mới cần đáp ứng toàn bộ. Với đợt giảm lãi suất từ đầu tháng 10-2020, có khoảng 1.700 doanh nghiệp, 34.000 khách hàng cá nhân của Vietcombank đã được tiếp cận tín dụng, với dư nợ ước tính khoảng 50.000 tỷ đồng.

Ngân hàng Nhà nước cũng cho hay, một mặt, Ngân hàng Nhà nước khuyến khích các ngân hàng thương mại hạ lãi suất cho vay mới, mặt khác tiếp tục triển khai chính sách hỗ trợ doanh nghiệp gặp khó khăn do dịch Covid-19, như giãn nợ, giảm lãi, chi phí… với khoản vay hiện hữu.

Ước tính, có hàng triệu tỷ đồng tín dụng đã được các ngân hàng hỗ trợ kể từ khi dịch Covid-19 bùng phát.

Hà Linh

Nguồn Hà Nội Mới: http://hanoimoi.com.vn/tin-tuc/tai-chinh/983889/lai-suat-thap-lam-the-nao-de-hut-doanh-nghiep-vay-von