Lãi suất tiền gửi tiết kiệm sẽ ra sao dưới áp lực của tỉ giá?

Nếu đồng đô la Mỹ vẫn tăng mạnh, cơ quan điều hành có thể tăng lãi suất để giảm áp lực tỉ giá USD/VND.

Phiên giao dịch hôm nay 26-12, chỉ số đồng đô la Mỹ (DXY) đã vọt lên hơn 108 điểm.

DXY vững mạnh sẽ khiến tỉ giá USD/VND vẫn còn căng. Dù hiện nay tỉ giá USD/VND giảm 6-11 đồng nhưng vẫn ở mức cao. Cụ thể Vietcombank đang bán ra 1 USD ăn 25.525 đồng.

BIDV, Techcombank, Vietinbank cũng chạm mức 25.525 đồng đổi 1 USD cho chiều bán ra.

Ngân hàng Nhà nước cũng đã liên tục sử dụng các nghiệp vụ thị trường mở, bán ngoại tệ để ổn định tỉ giá. Ngoài ra, tình hình cán cân thương mại cũng đảm bảo cho việc giữ giá trị tiền đồng.

Tuy nhiên, nếu tỉ giá tiếp tục tăng dưới áp lực của đồng USD, khả năng tăng lãi suất điều hành có thể được cơ quan quản lý Nhà nước tính đến. Vì việc bán ngoại tệ không thể kéo dài để đảm bảo dự trữ ngoại hối đạt được mục tiêu 3 tháng nhập khẩu theo quy định của IMF.

Chưa kể, tỉ giá tăng mạnh sẽ khiến giá cả hàng hóa nhập khẩu sẽ tăng lên, gây áp lực lên chỉ số giá tiêu dùng (CPI). Để chống lạm phát sẽ phải sử dụng lãi suất để kìm hãm.

Hiện nhiều ngân hàng thương mại cũng đã tăng lãi suất tiền gửi tiết kiệm nhằm thu hút nguồn tiền, một mặt đảm bảo thanh khoản, phục vụ tín dụng cuối năm, mặt khác luôn phải duy trì mức lãi suất cao hơn lạm phát kỳ vọng.

Theo Công ty chứng khoán SSI, mặt bằng lãi suất thị trường 1 và thị trường 2 tiếp tục nhích tăng. Tuy nhiên, tăng lãi suất cũng sẽ khiến ngân hàng trung ương đối diện với bài toán khó. Vì tăng lãi suất cũng có thể tăng gánh nặng nợ cho các doanh nghiệp và người dân.

Ngoài ra, lãi suất tăng dẫn đến chi phí đi vay cao, nhà đầu tư và người dân lại có xu hướng dịch chuyển tiền vào tiền gửi tiết kiệm thay vì đi đầu tư và sản xuất, khi đó làm giảm tăng trưởng kinh tế

Tuy nhiên giới phân tích cũng cho rằng, với mục tiêu tăng trưởng kinh tế mạnh mẽ trong năm 2025, Ngân hàng Nhà nước sẽ rất linh hoạt trong chính sách tiền tệ để đảm bảo tỉ giá ổn định và lãi suất hợp lý để hỗ trợ nền kinh tế.

Theo PGS.TS Phạm Công Hiệp, Đại học RMIT Việt Nam, Ngân hàng Nhà nước (NHNN) có nhiều công cụ để quản lý tỉ giá và ổn định thị trường ngoại hối, đặc biệt khi nhu cầu ngoại tệ tăng mạnh vào cuối năm.

Đầu tiên, NHNN có thể sử dụng dự trữ ngoại hối để can thiệp vào thị trường, bán USD nhằm giảm áp lực lên tỉ giá. Việc điều chỉnh tỉ giá trung tâm hàng ngày cũng giúp NHNN linh hoạt ứng phó với biến động thị trường quốc tế và bảo vệ sức cạnh tranh của hàng hóa Việt Nam.

Bên cạnh đó, NHNN có thể kiểm soát tín dụng ngoại tệ để hạn chế vay USD cho những lĩnh vực không ưu tiên, đồng thời đẩy mạnh thu hút vốn đầu tư nước ngoài nhằm cải thiện nguồn cung USD trong nước.

Cuối cùng, điều chỉnh lãi suất tiền đồng cũng là một biện pháp quan trọng để tăng sức hấp dẫn của tiền đồng, từ đó giảm nhu cầu nắm giữ USD.

"Với những chính sách và công cụ này, NHNN có khả năng kiểm soát biến động tỉ giá và giúp doanh nghiệp duy trì ổn định trong hoạt động nhập khẩu nguyên vật liệu" - tiến sĩ Hiệp nói.

PHƯƠNG MINH

Nguồn PLO: https://plo.vn/lai-suat-tien-gui-tiet-kiem-se-ra-sao-duoi-ap-luc-cua-ti-gia-post827004.html