Lãi suất tiền gửi vẫn chịu áp lực giảm thêm 10 - 30 điểm trong quý cuối năm
Ngân hàng Nhà nước dự kiến tăng trưởng tín dụng cả năm 2020 có thể đạt 8 - 10%, tức là có khoảng 150 - 320 nghìn tỷ đồng tín dụng tăng thêm trong quý IV/2020. Tuy nhiên, tăng trưởng tín dụng vẫn kém khả quan, nên lãi suất tiền gửi sẽ chịu áp lực giảm thêm trong quý cuối năm.
Thị trường không biến động nhiều dù giảm lãi suất điều hành
Trong ngày 30/9, Ngân hàng Nhà nước (NHNN) đã công bố giảm lãi suất điều hành 50 điểm cơ bản (bps) ở các lãi suất OMO, tái chiết khấu, tái cấp vốn, cho vay qua đêm giữa NHNN và ngân hàng thương mại (NHTM); giảm 25 bps đối với trần lãi suất tiền gửi kỳ hạn 1 đến dưới 6 tháng (xuống 4%/năm); giảm 50 bps trần lãi suất cho vay ngắn hạn với các nhóm ngành ưu tiên (xuống 5,5%/năm).
Tuy nhiên, theo SSI Research, dù NHNN đã giảm lãi suất điều hành nhưng thị trường không có nhiều biến động. Cụ thể, trong tuần qua, thị trường mở vẫn không có giao dịch mới, lãi suất trên liên ngân hàng giảm nhẹ xuống 0,17%/năm (-10bps) với kỳ hạn qua đêm và giữ nguyên ở mức 0,23%/năm với kỳ hạn 1 tuần. Lãi suất tiền gửi của một số NHTM nhỏ được điều chỉnh giảm khoảng 20 - 30bps nhưng 4 NHTM nhà nước và phần lớn các NHTM vẫn giữ nguyên biểu lãi suất huy động.
Theo thông tin từ NHNN, tín dụng 9 tháng đầu năm tăng trưởng 6,09% so với đầu năm, tuy vẫn thấp hơn nhiều so với cùng kỳ 2019 là 9,4% nhưng đã tăng nhanh bất ngờ so với mức tăng trưởng chỉ 4,81% đã công bố ngày 16/9/2020. Trong đó, các nhóm ngành ưu tiên tăng trưởng cũng tăng trưởng khá: xuất khẩu (+7%), nông nghiệp nông thôn (+5%), doanh nghiệp vừa và nhỏ (+5.5%).
“NHNN dự kiến tăng trưởng tín dụng cả năm 2020 có thể đạt 8 - 10%, tức là có khoảng 150 - 320 nghìn tỷ đồng tín dụng tăng thêm trong quý IV/2020. Tuy nhiên, chúng tôi nhận thấy tăng trưởng tín dụng ở các NHTM lớn vẫn kém khả quan, lãi suất tiền gửi vẫn sẽ chịu áp lực giảm thêm từ 10 - 30bps trong quý cuối năm” – SSI Research dự báo.
USD quay đầu giảm trên thị trường quốc tế, VND tiếp tục ổn định
Chi phối diễn biến các đồng tiền trong tuần qua là các sự kiện quan trọng của nước Mỹ như tiến trình xem xét gói kích thích tài khóa tiếp theo, cuộc tranh luận đầu tiên giữa 2 ứng viên Tổng thống và thông tin ông Donald Trump bị nhiễm Covid-19. Theo số liệu từ SSI Researchm, chỉ số DXY quay đầu giảm từ mức 94,6 xuống 93,8 điểm, hầu hết các đồng tiền tăng giá nhẹ so với USD trong tuần qua: EUR (+0,73%), GBP (+1,48%), JPY (+0,27%),… Đồng CNY chốt tháng 9 ở mức 6,791 CNY/USD, tăng +0,8% so với cuối tháng 8.
Ở trong nước, tỷ giá USD/VND niêm yết của các NHTM không đổi ở mức 23.070/23.280 đồng (mua vào/bán ra); tỷ giá trên thị trường tự do giảm 10 đồng/USD chiều mua vào và tăng 10 đồng/USD chiều bán ra, ở mức 23.210/23.240 đồng. Tỷ giá trung tâm giảm 5 đồng/USD, về 23.213 đồng/USD.
Theo Tổng cục Thống kê, Việt Nam tiếp tục thặng dư thương mại tới 3,5 tỷ USD trong tháng 9, nâng mức thặng dư 9 tháng đầu năm lên mức kỷ lục 17 tỷ USD (trong đó chỉ riêng quý III/2020 là 11,5 tỷ USD). Cung cầu ngoại tệ trong nước vẫn khá thuận lợi nên SSI Research cho rằng, tỷ giá USD/VND sẽ không có nhiều biến động trong ngắn hạn./.