Lãi suất tiếp tục tăng, gửi tiền tiết kiệm có là một giải pháp 'hay'?
Sau 2 năm bùng nổ, thị trường chứng khoán và bất động sản trong 4 tháng gần đây đã trở nên ảm đạm rõ rệt. Trong khi đó, cuộc đua tăng lãi suất của các ngân hàng trong nước chưa có dấu hiệu hạ nhiệt, người dân 'chăm' đổ tiền vào ngân hàng hơn.
Lãi suất tiết kiệm tiếp tục được điều chỉnh tăng tại một số ngân hàng kể từ cuối tháng 8 như: ACB, MB, BacABank, Nam A Bank… với mức tăng từ 0,1 đến 0,15 điểm phần trăm tùy theo từng kỳ hạn.
Tiền gửi tiết tục tăng
Mặc dù bước sang những ngày cuối cùng của tháng 8/2022, xu hướng điều chỉnh tăng biểu lãi suất tiết kiệm vẫn diễn ra sôi động hơn. Thậm chí có ngân hàng đã mạnh tay nâng cao biên độ điều chỉnh từ 0,15 điểm phần trăm so với đầu tháng.
Từ ngày 29/8, ACB chính thức tăng thêm 0,1% lãi suất tiền gửi ở kỳ hạn. Cụ thể, ở gói Tài lộc, khách hàng ưu tiên hạng I và I Plus khi gửi kỳ hạn 6 tháng, số tiền từ 500 triệu đồng trở lên sẽ được hưởng lãi suất 6,1%/năm thay vì 6%/năm như cũ. Tương tự, lãi suất dành cho khách hàng ưu tiên hạng E& P ở kỳ hạn này cũng tăng 0,1 điểm % lên 6%/năm.
Ngân hàng cũng tăng lãi suất cho gói tiền gửi online. Cụ thể, ở kỳ hạn 6 tháng, lãi suất huy động mới mà ACB áp dụng là 5,7-5,9%/năm, tăng 0,1 điểm % so với trước. Ngoài ra, kỳ hạn 7 tháng -8 tháng, lãi suất cũng tăng thêm 0,1 điểm % lên 5,7-5,9%/năm.
Đáng nói, hồi đầu tháng 8, ACB cũng đã cộng thêm lãi suất ở nhiều kỳ hạn, mức điều chỉnh khá mạnh từ 0,1-0,6%/năm.
Ở một ngân hàng lớn khác là MB, biểu lãi suất huy động hiện nay cũng đã có một số thay đổi so với đầu tháng 8. Theo đó, tại kỳ hạn ngắn, 7 tháng, 8 tháng, MB đã tăng lãi suất tiền gửi từ 5%/năm lên 5,3%/năm.
Tại kỳ hạn dài, 36 tháng, lãi suất tiền gửi của MB cũng tăng 0,2 điểm % lên 6,8%/năm. Tại kỳ hạn 48 tháng, 60 tháng, lãi suất tăng khá mạnh là 0,4 điểm % lên 6,8%/năm.
Không nằm ngoài cuộc chơi, các ngân hàng TMCP có quy mô nhỏ hơn cũng thay đổi biểu lãi suất huy động kể từ cuối tháng 8 với mức lãi suất cao hơn hồi đầu tháng.
Điển hình, từ 24/8 NamABank đã tăng lãi suất tiết kiệm ở một số kỳ hạn. Cụ thể, tại kỳ hạn 9 tháng đối với hình thức gửi trực tuyến, NamABank đã tăng 0,3 điểm % lên mức 6,9%/năm. Lãi suất cao nhất tại NamABank vẫn là 7,4%/năm, áp dụng cho kỳ hạn từ 16 tháng trở lên khi gửi tiết kiệm online.
Trong khi đó, ngày 26/8, biểu lãi suất huy động của BacABank cũng tăng thêm thêm 0,15 điểm % lên 6,5%/năm áp dụng cho kỳ hạn 6-7 tháng. Với các kỳ hạn dài hơn như kỳ hạn 12 tháng trở lên, Bac A Bank tăng lãi suất thêm 0,1 điểm % lên 6,9-7%/năm. Đây cũng là mức lãi suất cao nhất tại ngân hàng.
Gửi tiết kiệm có thực sự "hay"?
Báo cáo cập nhật kinh tế vĩ mô tháng 8/2022 của Công ty Chứng khoán Vietcombank (VCBS) cho hay lãi suất huy động từ đầu năm tới nay tại nhiều ngân hàng đã tăng từ 0,8 - 1%/năm và dự báo xu hướng này vẫn tiếp diễn. Mặt bằng lãi suất huy động dự báo tăng 1 - 1,5%/năm cho cả năm nay.
Trong xu hướng này giới phân tích cho rằng, người dân gửi tiết kiệm sẽ có lợi hơn so với các kênh đầu tư như chứng khoán, bất động sản, vàng, trái phiếu. Ông Nguyễn Duy Thành, Trưởng phòng Phân tích khách hàng doanh nghiệp của Công ty Chứng khoán Pinetree đánh giá, trong khi các kênh đầu tư phổ thông như chứng khoán, bất động sản hay vàng đều chậm lại và suy giảm, tiền gửi, đặc biệt tiền gửi vào ngân hàng lại là kênh đầu tư ổn định nhất 8 tháng đầu năm 2022.
Ông Thành nói: Có một hiện tượng không thường thấy là động lực chính cho tăng trưởng huy động những tháng đầu năm (3,78%) lại là tăng trưởng tiền gửi dân cư (6,02%), trong khi tăng trưởng tiền gửi từ doanh nghiệp chỉ có 3%. Điều này, luôn chịu tác động từ hai chiều.
Đó là, kênh đầu tư truyền thống như vàng, chứng khoán hay bất động sản kể từ quý I năm nay đã không còn hấp dẫn như trong giai đoạn 2021. Trong giai đoạn chuyển giao thì lớp nhà đầu tư F0 (dân cư), chuyển từ kênh đầu cơ sang kênh an toàn hơn là gửi ngân hàng.
Trong khi đó, lãi suất tiết kiệm đã tăng lên. Theo quan sát của vị chuyên gia này, có những ngân hàng chấp nhận trả đến 7% cho kỳ hạn 12 tháng. Nguyên nhân, là do tăng trưởng tín dụng năm nay nóng nhất và cao nhất trong 3 năm dịch bệnh (trên 9% ngay từ tháng 6). Điều này khiến cho nhiều ngân hàng muốn tăng lãi suất tiết kiệm cao lên, tạo một nền lãi suất hấp dẫn hơn đối với người gửi tiền.
Đồng tình, giám đốc khối khách hàng cá nhân một ngân hàng tại Hà Nội chia sẻ: "Khi các thị trường có tính chất ổn định hơn, việc rót vốn vào các kênh khác không sinh lời nhiều như bây giờ, người dân sẽ có so sánh để có chọn lựa cho mình. Còn chỉ đơn thuần một sản phẩm tiền gửi sẽ không cách nào tạo ra sự thay đổi ngay lập tức", vị này nói và cho biết nhiều khách hàng chỉ gửi ngắn, 6 tháng hoặc 9 tháng, nhưng khi đáo hạn lại gửi tiếp, có khi kéo dài đến nhiều năm.
Tuy nhiên, trong xu thế lãi suất tăng và người dân gửi tiền vào ngân hàng ngày một nhiều thì một chuyên gia ngân hàng cho rằng, tiền gửi tiết kiệm chỉ là khoản có tính chất nhàn rỗi và suy cho cùng cũng không nên khuyến khích người dân chăm chăm bỏ vốn vào ngân hàng mà cần khuyến khích người dân đầu tư kinh doanh, tiêu dùng để thúc đẩy kinh tế phát triển.