Lãi suất tiết kiệm liên tục tăng

Tính đến ngày 18/6, lãi suất huy động của các ngân hàng tiếp tục tăng mạnh, xu hướng tăng lãi suất đang tiếp tục lan rộng.

Lãi suất cao nhất lên tới 9,65%

Ngày 18/6, Techcombank đã tăng lãi suất huy động trong tháng 6, từ 0,1-0,3%/năm lên mức cao nhất 5,05%/năm. Trước đó, Bắc Á Bank điều chỉnh tăng lãi suất tiết kiệm từ 0,3% đến 0,4% ở tất cả các kỳ hạn. ABBank tăng 0,3% ở kỳ hạn 1 tháng; tăng 0,6% ở kỳ hạn 3 tháng (từ 2,8%/năm lên 3,4%/năm); tăng 0,5% ở kỳ hạn 9 tháng; tăng 0,4% tại kỳ hạn 12 tháng và tăng tới 1,6% ở kỳ hạn 24 tháng.

Tính từ đầu tháng 6 trở lại đây đã có 21 ngân hàng thương mại tăng lãi suất

Tính từ đầu tháng 6 trở lại đây đã có 21 ngân hàng thương mại tăng lãi suất

Tính từ đầu tháng 6 trở lại đây đã có 21 ngân hàng thương mại (NHTM) tăng lãi suất tiết kiệm gồm, VietinBank, TPBank, VIB, GPBank, BaoViet Bank, LPBank, Nam A Bank, OceanBank, ABBank, Bac A Bank, MSB, MB, Eximbank, OCB, BVBank, NCB, VietBank, VietA Bank, VPBank, PGBank, và Techcombank.

Trong đó có 6 ngân hàng đã 2 lần tăng lãi suất huy động từ đầu tháng 6 gồm MB, VIB, BaoVietBank, Eximbank và GPBank và OceanBank. Hiện tại, mặt bằng lãi suất tiết kiệm thông thường ghi nhận tại nhiều ngân hàng đã điều chỉnh tăng lãi lên mức 6%/năm.

Một số ngân hàng còn áp dụng mức lãi suất khá cao như tại HDBank ở kỳ hạn 12 tháng có mức 7,7%/năm khi gửi tối thiểu từ 500 tỷ đồng, kỳ hạn 13 tháng ở mức 8,1%/năm khi gửi trên 500 tỷ đồng. ABBank áp dụng mức lãi suất tiền gửi đặc biệt cao nhất là 9,65%/năm đối với tiền gửi từ 1.500 tỷ đồng trở lên ở kỳ hạn 13 tháng. PVCombank cũng đang trả lãi lên tới 9,5%/năm, dành cho khách hàng gửi tiền kỳ hạn 12 - 13 tháng, số tiền gửi tối thiểu 2.000 tỷ đồng. DongABank áp dụng mức lãi suất 7,5%/năm cho khoản tiền gửi từ 200 tỷ đồng, kỳ hạn 13 tháng.

Như vậy, lãi suất tăng trở lại mức cao nhất là 9,65%/năm, song chỉ ở kỳ hạn dài và gửi số tiền lớn.

Theo báo cáo của Công ty Chứng khoán Bảo Việt (BVSC), lãi suất huy động trung bình ở kỳ hạn 6 tháng đạt mức 4,25%, tăng 23 điểm phần trăm so với tháng trước đó. Nhóm ngân hàng vốn hóa nhỏ có mức tăng lãi suất mạnh nhất. Lãi suất trung bình kỳ hạn 6 tháng của nhóm này tăng 0,41% lên 4,67%, trong khi lãi suất của nhóm NHTM vốn hóa lớn và nhóm “Big4” lần lượt tăng 0,14% và 0,15% lên 4,27% và 3,13%.

Lãi suất tiết kiệm tăng đến đâu?

Nguyên nhân đẩy lãi suất tiết kiệm tái tăng là do tiền gửi của người dân và doanh nghiệp sụt giảm trong những tháng đầu năm đi cùng tăng trưởng tín dụng hồi phục khiến nhiều nhà băng phải tăng lãi suất huy động nhằm đảm bảo cân đối nguồn vốn.

Do kinh tế mới phục hồi và tăng trưởng tín dụng ở mức vừa phải, các kênh đầu tư như bất động sản, chứng khoán chưa hồi phục rõ nét, biến động khó lường, do đó đà tăng của lãi suất huy động sẽ không quá nhanh trong các tháng tới. Bên cạnh đó, những bất ổn từ bối cảnh thế giới cũng như sức khỏe của doanh nghiệp trong nước là những yếu tố mà nhà điều hành đang cần quan tâm. (TS Nguyễn Trí Hiếu)

Đồng thời, khi bước sang quý II, cầu tín dụng bắt đầu phục hồi đòi hỏi các ngân hàng phải tính đến việc huy động thêm vốn để chuẩn bị phục vụ nhu cầu tín dụng trong thời gian tới, nhất là khi room tín dụng đã được Ngân hàng Nhà nước (NHNN) giao 14% từ đầu năm.

Theo dữ liệu từ NHNN, tiền gửi của các tổ chức kinh tế vào hệ thống ngân hàng giảm 4,66%, xuống còn 6,523 triệu tỷ đồng; cá nhân tăng nhẹ 1,6%, lên 6,637 triệu tỷ đồng. Trong khi đó, tín dụng có dấu hiệu khởi sắc trở lại và đang hướng đến mục tiêu tăng trưởng mạnh trong quý II.

“Tăng trưởng tín dụng gần đây khởi sắc trở lại, các ngân hàng cho vay nhiều hơn nên cần nguồn tiền. Thêm vào đó, trong thời gian qua, mặt bằng lãi suất thấp nên các kênh đầu tư như chứng khoán, vàng đã hút một lượng tiền nhàn rỗi trên thị trường. Do đó, các ngân hàng buộc phải tăng lãi suất để giữ chân khách hàng gửi tiết kiệm” – TS Nguyễn Trí Hiếu phân tích.

Trên thị trường liên ngân hàng, lãi suất cũng tăng, phản ánh thanh khoản thắt chặt hơn trong hệ thống, sau khi NHNN chủ động rút bớt cung tiền nhằm hạn chế biến động trên thị trường ngoại tệ. Trong khi đó, các ngân hàng quy mô vừa và nhỏ phụ thuộc nhiều hơn vào nguồn vốn liên ngân hàng đảm bảo thanh khoản. Để giảm bớt rủi ro, một vài ngân hàng gần như đồng loạt tăng lãi suất gửi tiết kiệm nhằm huy động nguồn tiền dự phòng cho hiện tại và tương lai.

Giới chuyên môn đánh giá, lãi suất huy động tăng phù hợp với diễn biến khi nền kinh tế bước qua giai đoạn khó khăn và cầu tín dụng tăng trở lại, đồng thời giúp giải tỏa áp lực lên tỷ giá, góp phần thu hút tiền gửi vào ngân hàng, tránh tình trạng đầu cơ vàng...

"Lãi suất tăng để các doanh nghiệp không nắm giữ ngoại tệ mà bán ngoại tệ cho các ngân hàng, lượng tiền nhàn rỗi trong dân không chuyển kênh đầu cơ sang ngoại tệ"- TS Lê Đạt Chí - Trưởng khoa Tài chính Đại học Kinh tế TP Hồ Chí Minh nhận định.

"Lãi suất tiết kiệm tăng đến đâu tùy thuộc vào hành động của NHNN. Mỗi một hành động của nhà điều hành sẽ dẫn đến những dự báo khác nhau. Vừa qua, Chính phủ yêu cầu NHNN giảm lãi suất cho vay thêm 1 - 2%/năm nên để làm được điều này NHNN thực hiện bán USD, còn không nên chấp nhận giá USD tăng và không gây ra kỳ vọng lạm phát" - ông Chí nói.

Cũng theo TS Lê Đạt Chí, lãi suất huy động tăng gần đây chưa tác động đến lãi suất cho vay vì danh mục cho vay sẽ được cơ cấu lại rủi ro. Các ngân hàng có thể giảm biên lãi ròng (NIM), cũng có thể giảm chi phí vận hành, có thể dựa vào lượng tín dụng chứ không phải cứ tăng tiết kiệm là tăng lãi suất cho vay. Thực tế, lãi suất tăng diễn ra gần đây chủ yếu ở các ngân hàng quy mô vừa và nhỏ, trong khi nhóm ngân hàng có vốn nhà nước, chiếm gần một nửa tổng tiền gửi toàn hệ thống vẫn đang duy trì ở mức thấp.

Theo Công ty Chứng khoán KB Việt Nam (KBSV), NHNN sẽ tập trung ổn định tỷ giá thông qua các công cụ OMO, phát hành tín phiếu, bán dự trữ ngoại hối và vẫn giữ chủ trương duy trì mặt bằng lãi suất cho vay thấp để hỗ trợ nền kinh tế.

Các ngân hàng thương mại vẫn còn dư địa giảm thêm (dù không lớn) nhờ đã tiết giảm chi phí vốn sau đợt giảm lãi suất huy động từ cuối năm 2023 đến đầu năm 2024. Bên cạnh những định hướng, chủ trương của Chính phủ và NHNN phải duy trì lãi suất cho vay ở mặt bằng thấp, bản thân chính các hệ thống ngân hàng thương mại cũng muốn đẩy mạnh tín dụng. (PGS.TS Đinh Trọng Thịnh)

Trâm Anh

Nguồn KTĐT: https://kinhtedothi.vn/lai-suat-tiet-kiem-lien-tuc-tang.html