Lãi suất trái phiếu chính phủ vẫn có dư địa để giảm thêm
Lãi suất trái phiếu chính phủ đã giảm khá mạnh từ đầu năm 2023 đến nay trên cả thị trường sơ cấp và thứ cấp. Theo các chuyên gia, khả năng lãi suất trái phiếu chính phủ vẫn còn dư địa để giảm thêm, khi các kênh đầu tư thay thế chưa cho thấy được hiệu quả so với tương quan về rủi ro, cũng như tín dụng sẽ chưa thể sớm tăng nhanh trở lại khi nhu cầu doanh nghiệp và người dân không cao.
Lãi suất huy động tiếp tục xu hướng giảm
Theo số liệu từ Sở Giao dịch Chứng khoán Hà Nội (HNX), trong tháng 4/2023, Kho bạc Nhà nước (KBNN) đã huy động thành công tổng khối lượng trái phiếu chính phủ đạt 34.810 tỷ đồng, đạt tỷ lệ trúng thầu là 84,39% so với giá trị gọi thầu. Lũy kế 4 tháng đầu năm, KBNN đã huy động được 139.683 tỷ đồng, đạt 29% kế hoạch phát hành quý II và 34,92% kế hoạch năm 2023.
Trong tháng, KBNN gọi thầu tại 4 kỳ hạn là 5 năm, 10 năm, 15 năm và 30 năm, trong đó tập trung phát hành nhiều nhất tại kỳ hạn 15 năm và 5 năm, với tỷ trọng phát hành lần lượt là 40,4% và 32,76% tổng khối lượng phát hành.
Số liệu cập nhật từ SSI Research, tính từ đầu năm đến hết giữa tháng 5/2023, KBNN đã huy động thành công 152,8 nghìn tỷ đồng, hoàn thành 38% kế hoạch năm và 40% kế hoạch quý II, trong đó kỳ hạn 5 năm phát hành được 83% kế hoạch quý.
Trên thị trường thứ cấp, giao dịch trái phiếu chính phủ tháng 4 cũng có cải thiện so với tháng trước. Theo đó, tổng giá trị giao dịch trái phiếu tháng 4 đã tăng 6,13%, đạt 130.704 tỷ đồng, bình quân đạt 6.535 tỷ đồng/phiên, trong đó giao dịch theo phương thức thông thường (outright) chiếm 60,85% tổng giá trị giao dịch toàn thị trường, còn lại là giao dịch mua đi bán lại (repos).
Lãi suất trái phiếu chính phủ trên thị trường sơ cấp tiếp tục có xu hướng giảm trong thời gian qua. Theo thống kê từ HNX, trên thị trường sơ cấp tháng 4, lãi suất trúng thầu có xu hướng giảm ở tất cả các kỳ hạn, với mức giảm từ 14 đến 27 điểm cơ bản (bps) so với phiên cuối cùng của tháng 3. Tại phiên đấu thầu cuối tháng 4, lãi suất trúng thầu các kỳ hạn 5 năm, 10 năm, 15 năm và 30 năm lần lượt là 2,75%, 3,22%, 3,33% và 3,66%. Trong tuần gần nhất của tháng 5, lãi suất trái phiếu chính phủ trúng thầu tiếp tục giảm khá mạnh ở mức 2,49% (-26 bps) cho kỳ hạn 5 năm, 3,0% (-12 bps) cho kỳ hạn 10 năm, 3,1% (-15 bps) cho kỳ hạn 15 năm và 3.4% (-26 bps) cho kỳ hạn 30 năm.
Trên thị trường thứ cấp, lãi suất giao dịch bình quân của trái phiếu chính phủ cũng đang trong xu thế giảm. Tính trong tháng 4, lãi suất giảm nhiều nhất ở các kỳ hạn 1 năm, 3 năm và 5 năm với tỷ lệ giảm tương ứng 22,82%; 22,64% và 21,92% so với cùng kỳ tháng trước, hiện đạt mức lợi suất bình quân tương ứng khoảng 2,82%; 2,78% và 2,71%. Trong khi đó, trái phiếu chính phủ kỳ hạn 25 - 30 năm có lợi suất giao dịch tăng 1,46% so với cùng kỳ tháng trước, hiện đạt mức lợi suất bình quân tương ứng khoảng 4,95%.
Lãi suất trái phiếu trên thị trường thứ cấp tiếp tục hạ nhiệt trong tuần gần nhất của tháng 5. Theo đó, đóng cửa tuần qua, lãi suất giao dịch trái phiếu giảm ở tất cả các kỳ hạn: 1 năm (2,47%, -6 bps), 3 năm (2,49%; -5 bps); 5 năm (2,51%, -8 bps); 10 năm (3,03%, -11 bps); 15 năm (3,14%, -13 bps); 20 năm (3,54%, -10 bps) và 30 năm (3,63%, -11 bps).
Dư địa cho lãi suất giảm vẫn còn
Theo nhận định của ông Đinh Quang Hinh - Trưởng Bộ phận vĩ mô và chiến lược thị trường, Công ty Chứng khoán VNDIRECT, Ngân hàng Nhà nước (NHNN) có thể tiếp tục hạ lãi suất điều hành trong nửa cuối năm 2023. Trước nguy cơ suy thoái của nền kinh tế Mỹ đang ngày càng gia tăng, thị trường kỳ vọng Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (FED) sẽ dừng tăng lãi suất điều hành tại cuộc họp tiếp theo vào tháng 6/2023.
Nếu kịch bản này xảy ra, áp lực tỷ giá và lãi suất trong nước sẽ tiếp tục hạ nhiệt. “Sau hai lần cắt giảm lãi suất vào tháng 3/2023, chúng tôi kỳ vọng NHNN sẽ tiếp tục cắt giảm các lãi suất điều hành ít nhất 50 điểm cơ bản trong thời gian còn lại của năm 2023” - Chuyên gia của VNDIRECT dự báo.
Còn theo các chuyên gia của Công ty Chứng khoán Ngân hàng Ngoại thương (VCBS), với bối cảnh hiện tại, Chính phủ và các cơ quan quản lý đang thực hiện nhiều giải pháp nhằm thúc đẩy tăng trưởng, trong đó có thể kể đến các biện pháp liên quan đến kéo giảm mặt bằng lãi suất cho vay. VCBS đánh giá việc hoạt động sản xuất dự báo vẫn còn gặp khó khăn khiến các biện pháp hỗ trợ cần thêm nhiều thời gian để phát huy hiệu quả.
Như vậy, tín dụng sẽ chưa thể sớm tăng nhanh trở lại và kéo theo khả năng lãi suất trái phiếu chính phủ sẽ còn dư địa để giảm thêm, khi các kênh đầu tư thay thế chưa cho thấy được hiệu quả so với tương quan về rủi ro.
“Giai đoạn này, kênh đầu tư trái phiếu chính phủ là đang được cho là kênh đầu tư ưu tiên trong bối cảnh tín dụng tăng trưởng thấp do nhu cầu vốn của doanh nghiệp và người dân thấp, lãi suất cho vay ở mức cao và hoạt động sản xuất kinh doanh dự báo còn gặp nhiều khó khăn ảnh hưởng đến nhu cầu chung” - Chuyên gia của VCBS cho hay.
Thị trường dự báo sôi động hơn nhờ chính sách mới
Ngày 10/2/2023, Bộ Tài chính đã ban hành Thông tư số 12/2023/TT-BTC bổ sung một số điều của Thông tư số 107/2020/TT-BTC hướng dẫn giao dịch mua lại có kỳ hạn trái phiếu chính phủ từ nguồn ngân quỹ nhà nước tạm thời nhàn rỗi của KBNN.
Theo đó, Thông tư mới đã bổ sung quy định KBNN mua lại trái phiếu chính phủ tất cả các kỳ hạn và điều chỉnh một số quy định về điều kiện trái phiếu là tài sản đảm bảo, hợp đồng khung và phụ lục hợp đồng, thời gian chào thầu, tỷ lệ phòng vệ rủi ro, công thức tính giá. Với những thay đổi này, Thông tư 12/2023/TT-BTC sẽ góp phần khắc phục các bất cập hiện tại và hoàn thiện hơn các hoạt động nghiệp vụ đấu thầu trong thời gian tới.