Lãi suất trái phiếu ngành Bất động sản vẫn 'neo cao' do áp lực đáo hạn

Thống kê cho thấy, trái phiếu doanh nghiệp đáo hạn trong quý IV/2024 dự kiến sẽ vượt mức 87,5 nghìn tỷ đồng, trong đó nhóm bất động sản chiếm đến 35%. Điều này sẽ buộc mặt bằng lãi suất dự kiến vẫn ở mức cao, đặc biệt đối với các doanh nghiệp bất động sản.

Lãi suất trái phiếu ngành Bất động sản vẫn “neo cao” do áp lực đáo hạn. (Ảnh minh họa)

Lãi suất trái phiếu ngành Bất động sản vẫn “neo cao” do áp lực đáo hạn. (Ảnh minh họa)

Theo dữ liệu từ Công ty Cổ phần Chứng khoán Phú Hưng, tính đến ngày 30/9, đã có 276 đợt phát hành trái phiếu doanh nghiệp riêng lẻ trong quý III/2024 trị giá hơn 114.000 tỷ đồng, giảm hơn 15% so với quý trước và tăng hơn 19% so với cùng kỳ năm trước.

Bà Bùi Thị Quỳnh Nga, Chuyên viên phân tích của Chứng khoán Phú Hưng cho rằng, mặc dù hoạt động phát hành trong quý III thấp hơn so với mức đỉnh 3 năm trong quý II, tuy nhiên mức phát hành này đã là rất khả thi trong bối cảnh thị trường trái phiếu doanh ngiệp chỉ mới hồi phục và hoạt động kinh doanh bất động sản còn yếu.

Lũy kế 9 tháng năm 2024, tổng giá trị phát hành trái phiếu doanh nghiệp đạt gần 283.000 tỷ đồng, tăng hơn 84% so với cùng kỳ năm trước và gần bằng tổng giá trị phát hành trong năm 2023.

Ngành Bất động sản, Xây dựng chỉ đứng sau ngân hàng về tỷ trọng phát hành.

Ngành Bất động sản, Xây dựng chỉ đứng sau ngân hàng về tỷ trọng phát hành.

Xét về cơ cấu phát hành theo ngành nghề, nhóm các Ngân hàng thương mại vẫn đứng số 1 trên thị trường trái phiếu doanh nghiệp sơ cấp, chiếm hơn 80% tổng giá trị phát hành trong quý III/2024. Top 10 các doanh nghiệp có giá trị phát hành lớn nhất trong quý đều thuộc về 10 Ngân hàng thương mại. Trong đó, 3 ngân hàng có giá trị phát hành vượt trội phải kể đến đó là Ngân hàng TMCP Quân đội (14.000 tỷ đồng, lãi suất bình quân 5,5%), Ngân hàng TMCP Phương Đông (11.600 tỷ đồng, lãi suất 5,5%), Ngân hàng TMCP Đầu tư và Phát triển Việt Nam (11.260 tỷ đồng, lãi suất 5,8%). Nhờ hoạt động phát hành mạnh mẽ trong giai đoạn quý III đã giúp 3 ngân hàng này nâng tổng số tiền huy động thông qua kênh trái phiếu doanh nghiệp lên lần lượt 22.550 tỷ đồng, 16.900 tỷ và 22.000 tỷ đồng trong 9 tháng năm 2024.

Đối với nhóm các doanh nghiệp bất động sản và xây dựng, trong giai đoạn quý IV/2024, ghi nhận 3 doanh nghiệp sẽ phát hành với giá trị lớn đó là Công ty Cổ phần Phát triển Bất động sản Phát Đạt (3.400 tỷ đồng), Công ty Bất động sản Hải Đăng (2.850 tỷ đồng), Công ty Bất động sản Trường Lộc (1.910 tỷ đồng). Các doanh nghiệp này đều phát hành ở kỳ hạn ngắn từ 1 - 1,5 năm với mức lãi suất cao từ 10 - 12%/năm.

Lũy kế 9 tháng, giá trị phát hành trái phiếu doanh nghiệp của Công ty Bất động sản Hải Đăng đã đạt 5.350.000 tỷ đồng, Công ty Bất động sản Trường Lộc huy động 1.910 tỷ đồng, Vingroup 2.000 tỷ đồng, Vinhomes 12.500 tỷ đồng.

Đối với hoạt động mua lại trái phiếu doanh nghiệp, tính đến ngày 30/9, hoạt động mua lại trong giai đoạn quý III ghi nhận mức cao nhất kể từ đầu năm đến nay, đạt 61.030 tỷ đồng, tăng gần 15% so với quý II và tăng 3,3% so với cùng kỳ năm trước.

Lãi suất trái phiếu ngành Bất động sản luôn đứng top đầu toàn thị trường. Trong đó có những doanh nghiệp phát hành với mức lãi suất gần 14%/năm.

Lãi suất trái phiếu ngành Bất động sản luôn đứng top đầu toàn thị trường. Trong đó có những doanh nghiệp phát hành với mức lãi suất gần 14%/năm.

Tuy nhiên, nếu xét theo từng tháng, hoạt động mua lại chủ yếu tập trung trong tháng 7, với giá trị mua lại riêng trong tháng bằng gần 55% so với tổng giá trị mua lại trong cả quý III. Hoạt dộng mua lại bắt đầu chậm lại trong 2 tháng gần đây (tháng 8 và tháng 9).

Bên cạnh nhóm ngân hàng - nhóm có hoạt động mua lại nhiều nhất nhờ lợi thế từ mức lãi suất phát hành mới ở mức thấp, các doanh nghiệp bất động sản cũng cho thấy sự chủ động trong hoạt động mua lại trong quý III. Điển hình một số doanh nghiệp như: Công ty TNHH Saigon Glory – Công ty con của Tập đoàn Bitexco đã mua lại hơn 652 tỷ đồng trái phiếu có thời gian tới ngày đáo hạn dưới 1,5 năm.

Lũy kế 9 tháng đầu năm, giá trị trái phiếu doanh nghiệp được mua lại trước hạn ước tính gần 138.400 tỷ đồng, giảm hơn 23% so với cùng kỳ năm trước. Trong đó, ngân hàng chiếm hơn 71%, nhóm bất động sản chiếm gần 6%.

Bà Bùi Thị Quỳnh Nga cũng cho biết, trái phiếu doanh nghiệp đáo hạn trong quý IV dự kiến sẽ vượt mức 87.500 tỷ đồng, với 35% đến từ nhóm bất động sản và 15% từ nhóm ngân hàng. Đáng chú ý, rủi ro cao tập trung ở nhóm trái phiếu bất động sản, đặc biệt trong hai tháng 10 và 11.

Trong số đó, nhiều doanh nghiệp bất động sản có lượng trái phiếu đáo hạn lớn trong quý III bao gồm: Bất động sản Lan Việt 4.100 tỷ đồng, Vinhomes hơn 2.280 tỷ đồng, Đại Phú Hòa 3.560 tỷ đồng, Sovico 3.000 tỷ đồng, Dragon Village 1.500 tỷ đồng, Bất động sản Unity 1.000 tỷ đồng…

Cũng theo bà Bùi Thị Quỳnh Nga: “Áp lực đáo hạn vẫn ở mức cao sẽ buộc nhiều doanh nghiệp phải tiếp tục tái phát hành để huy động vốn trong quý IV. Do đó, chúng tôi cho rằng hoạt động phát hành và mua lại trái phiếu sẽ tiếp tục diễn ra sôi động trong thời gian tới. Mặt bằng lãi suất dự kiến vẫn ở mức cao, đặc biệt đối với các doanh nghiệp bất động sản. Trong khi đó, lãi suất của nhóm ngân hàng có thể tăng nhẹ khi đã chạm đáy và lãi suất huy động đã tăng trở lại.

Chúng tôi cũng duy trì quan điểm cho rằng áp lực đáo hạn của nhóm bất động sản, chiếm tỷ trọng lớn trong tổng giá trị trái phiếu đáo hạn và chậm trả trong quý IV, sẽ là một yếu tố rủi ro đối với thị trường trái phiếu doanh nghiệp, đặc biệt nếu thị trường Bất động sản không phục hồi như kỳ vọng”.

Công Danh

Nguồn Xây Dựng: https://baoxaydung.com.vn/la-i-sua-t-tra-i-phie-u-nga-nh-ba-t-do-ng-sa-n-va-n-neo-cao-do-a-p-lu-c-da-o-ha-n-386127.html