Lại 'thương vay, khóc mướn'

Ngày 23-3-2022, đối tượng Lê Văn Dũng (tức Lê Dũng Vova, 52 tuổi) bị Tòa án nhân dân TP. Hà Nội tuyên phạt 5 năm tù và 5 năm quản chế sau khi mãn hạn tù vì tội tuyên truyền chống phá Nhà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam. Cũng như những bài viết xuyên tạc từ trước đến nay khi diễn ra phiên tòa xét xử vụ án có liên quan đến các tội danh quy định tại các điều 117, 331… của Bộ luật Hình sự năm 2015, những kẻ bồi bút tiếp tục sử dụng thủ đoạn xuyên tạc để 'đòi trả tự do', cho rằng 'bị án tù vì thực hiện quyền tự do ngôn luận', 'chính quyền đàn áp những người bất đồng chính kiến'… để thổi phồng sự việc, vu khống chính quyền và xuyên tạc hệ thống pháp luật ở Việt Nam.

Cụ thể trên trang Việt Tân có bài “Bản án bất công”, “Lê Dũng Vova - một người tử tế”, Tổ chức theo dõi nhân quyền (HRW) rêu rao cho rằng: “Nhà cầm quyền Việt Nam tiếp tục coi bất cứ lời phê phán chính quyền nào cũng là nguy cơ nghiêm trọng phải đưa ra truy tố với mức án tù lâu dài”. Từ đó kêu gọi “Các đối tác thương mại và các nhà tài trợ quốc tế của Việt Nam cần gây sức ép để Hà Nội lắng nghe những người lên tiếng phê bình thay vì đàn áp họ” đòi “hủy bỏ các cáo buộc có động cơ chính trị”. Đài Á châu tự do (RFA) tiếp tục dẫn lại bài “Theo dõi Nhân quyền kêu gọi hủy bỏ cáo trạng và trả tự do cho Dũng Vova”… Những hành động đó không chỉ xuyên tạc sự thật về vụ án mà còn gây nhiễu dư luận, tạo cớ để các tổ chức ở hải ngoại nhân danh “dân chủ”, “nhân quyền” can thiệp vào công việc nội bộ của nước ta.

Bị cáo Lê Văn Dũng được dẫn giải lên xe thùng sau khi tòa tuyên án (ngày 23-3-2022) - Ảnh: Danh Trọng

Theo Báo Công an nhân dân online ngày 20-11-2019, Lê Văn Dũng hay còn gọi là Dũng Vova, học Trường đại học Bách khoa Hà Nội vào những năm 1987-1992. Sau khi ra trường, Dũng làm kỹ sư tại Công ty cổ phần kỹ nghệ lạnh Đà Nẵng. Năm 1994, Dũng làm kỹ sư điện tại Công ty TNHH tư vấn và quản lý xây dựng… Lê Văn Dũng bắt đầu tham gia các hoạt động chống đối, tụ tập, biểu tình gây rối an ninh chính trị từ năm 2011. Đối tượng đã lợi dụng các vấn đề phức tạp về chủ quyền biên giới, khiếu kiện đất đai tại các địa phương như: Dương Nội (Hà Đông), Tiên Lãng (Hải Phòng), Văn Giang (Hưng Yên), Đồng Tâm (Mỹ Đức)… hay lợi dụng danh nghĩa tưởng niệm các sự kiện lịch sử; việc bắt giữ, xử lý số đối tượng chống đối, hoạt động xâm phạm an ninh quốc gia. Lê Văn Dũng luôn giữ vai trò “tích cực tham gia” hàng trăm cuộc biểu tình, tụ tập gây rối an ninh trật tự tại các địa phương với mác “Giám đốc kênh truyền hình”, “nhà báo” (giả mạo)...

Lê Văn Dũng còn tham gia các hội, nhóm chống đối như nhóm “No-U”, “Phong trào chấn hưng nước Việt”; “phong trào” do số đối tượng chống đối trong và ngoài nước phát động. Lê Văn Dũng trực tiếp điều hành “Kênh 4” của “Phong trào chấn hưng nước Việt”. Sau một thời gian hoạt động, để tránh bị cơ quan chức năng xử lý, y đã đổi tên “Kênh 4 phong trào chấn hưng nước Việt” thành “Thông tấn xã vỉa hè”, “Chấn hưng tivi”, “CHTV VietNam”…

Để xây dựng các video clip chống phá, y đã sử dụng điện thoại thông minh và một số thiết bị thu âm, sử dụng tính năng livestream của Facebook để thực hiện các video clip chống phá. Thông qua việc móc nối, lôi kéo người dân khiếu kiện kéo dài ở nhiều địa phương để thực hiện livestream. Trong quá trình livestream, đối tượng thường xuyên sử dụng những lời nói xuyên tạc, bôi nhọ chính quyền, lãnh đạo các địa phương nhằm câu like cũng như sự ủng hộ của số đối tượng phản động, chống đối. Y đã tạo lập nhiều tài khoản như “Lê Văn Dũng”, “Le Dung vova”, “Chấn hưng tivi Việt Nam”… lôi kéo các đối tượng ở các địa phương, công khai thành lập 1 kênh “Tiếng dân tivi”, 1 kênh “Eva tivi”, 5 kênh “Chấn hưng Tivi” trên YouTube, Facebook.

Với những hoạt động sai trái của mình, trong khoảng thời gian từ năm 2010-2012, Dũng đã bị Công an quận Hoàn Kiếm, TP. Hà Nội ra quyết định xử phạt hành chính 3 lần về hành vi này. Vậy nhưng y vẫn “ngựa quen đường cũ”, với sự kích động, tung hô, ủng hộ của các thế lực thù địch trong và ngoài nước, Dũng tiếp tục các hoạt động chống phá của mình. Theo cáo trạng của Viện kiểm sát nhân dân TP. Hà Nội, từ tháng 3-2017 đến tháng 9-2018, Dũng đã xây dựng và đăng tải lên internet 12 video clip có nội dung tuyên truyền chống phá Nhà nước, phỉ báng chính quyền, phao tin bịa đặt, gây hoang mang trong nhân dân và xúc phạm danh dự, uy tín của lãnh đạo Đảng, Nhà nước. Khi các cơ quan điều tra tiến hành khám xét và bắt giữ, Lê Văn Dũng đã bỏ trốn và bị truy nã đặc biệt vào tháng 5-2021. Đến ngày 30-6-2021, Dũng bị bắt tại nhà riêng của ông Nguyễn Văn Son (chú của Dũng), tại xã Phương Tú, huyện Ứng Hòa, TP. Hà Nội.

Quá trình điều tra và xét xử, các cơ quan chức năng đã tiến hành đầy đủ trình tự theo quy định của pháp luật. Lê Văn Dũng thừa nhận đã thực hiện các hành vi như cáo trạng truy tố. Những hành vi đó đã vi phạm các quy định được nêu ra tại khoản 1 Điều 117 các điểm a, b, c Bộ luật Hình sự năm 2015 (Người nào có một trong những hành vi sau đây nhằm chống Nhà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam, thì bị phạt tù từ 5 năm đến 12 năm: a) Làm, tàng trữ, phát tán hoặc tuyên truyền thông tin, tài liệu, vật phẩm có nội dung xuyên tạc, phỉ báng chính quyền nhân dân; b) Làm, tàng trữ, phát tán hoặc tuyên truyền thông tin, tài liệu, vật phẩm có nội dung bịa đặt, gây hoang mang trong nhân dân; c) Làm, tàng trữ, phát tán hoặc tuyên truyền thông tin, tài liệu, vật phẩm gây chiến tranh tâm lý). Khi được nói lời sau cùng, y đã xin tòa được hưởng mức án thấp nhất để làm lại cuộc đời.

Bất cứ quốc gia nào, việc thượng tôn pháp luật phải luôn được thực hiện. Hành vi phạm tội của Lê Văn Dũng là rõ ràng, dù dùng bất cứ lý lẽ gì cũng không thể biện minh cho những sai phạm đó. Cho nên luận điệu của những kẻ “thương vay, khóc mướn” cho Dũng không chỉ lạc lõng mà còn khiến dư luận nhận thấy rõ hơn bản chất, bộ mặt thật của các tổ chức phi chính phủ, những “chân rết” của các thế lực phản động, cơ hội, âm mưu phá hoại đất nước và cuộc sống hạnh phúc của nhân dân ta.

Lê Đô

Nguồn Bình Phước: https://baobinhphuoc.com.vn/news/33/132977/lai-thuong-vay-khoc-muon