Lãi vay giảm nhẹ, điều kiện vay vẫn khó
Vào giữa tháng 11-2019, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam có thông báo giảm lãi suất cho vay ngắn hạn tối đa bằng VND của các tổ chức tín dụng (TCTD) đối với một số lĩnh vực, ngành kinh tế ưu tiên như: cho vay nông nghiệp - nông thôn, cho vay xuất khẩu, doanh nghiệp nhỏ và vừa, công nghiệp hỗ trợ, doanh nghiệp ứng dụng công nghệ cao...
Đây là một động thái sẽ giúp các doanh nghiệp có nhiều lựa chọn hơn trong việc vay vốn để sản xuất kinh doanh, nhất là hoạt động sản xuất hàng hóa dịp cuối năm. Tuy nhiên, để doanh nghiệp thực sự tiếp cận được nguồn vốn vay ưu đãi này vẫn còn tùy thuộc vào nhiều tiêu chí, thủ tục.
* Một số ngân hàng giảm lãi suất vay
Thực hiện chủ trương của Chính phủ về phấn đấu giảm lãi suất cho vay trên cơ sở diễn biến kinh tế vĩ mô, thị trường tiền tệ, ngoại hối, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam đã ban hành quyết định giảm lãi suất cho vay ngắn hạn bằng VND của TCTD đối với khách hàng để đáp ứng nhu cầu vốn phục vụ một số lĩnh vực ưu tiên.
Theo đó, từ ngày 19-11, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam quyết định giảm trần lãi suất cho vay ngắn hạn với các lĩnh vực ưu tiên, bao gồm: nông nghiệp, nông thôn, xuất khẩu, công nghiệp hỗ trợ, doanh nghiệp nhỏ và vừa, doanh nghiệp ứng dụng công nghệ cao, mức lãi suất giảm từ 6,5%/năm xuống 6%/năm.
Ông Châu Minh Nguyện, Tổng thư ký Hiệp hội Doanh nghiệp Đồng Nai chia sẻ, trên thực tế, nhiều doanh nghiệp vừa và nhỏ vẫn chưa thể hiện được kế hoạch, phương án vay vốn hợp lý để thuyết phục các ngân hàng, một số doanh nghiệp thiếu chiến lược kinh doanh dài hạn, các phương án kinh doanh khả thi. Trong khi các ngân hàng có những quy định riêng về lãi suất, tiêu chí cho vay để cân đối các khoản vay đảm bảo có lợi nhuận. Điều này dẫn đến việc chưa tìm được “tiếng nói chung” giữa nhiều doanh nghiệp và ngân hàng khi tiếp cận nguồn vốn vay ưu đãi.
Đối với lãi suất cho vay ngắn hạn tối đa bằng VND của quỹ tín dụng nhân dân và tổ chức tài chính vi mô đối với các nhu cầu vốn này giảm từ 7,5%/năm xuống 7%/năm.
Ngay sau khi Ngân hàng Nhà nước Việt Nam ban hành thông báo giảm trần lãi suất cho vay ngắn hạn đối với các lĩnh vực ưu tiên, theo khảo sát, nhiều ngân hàng thương mại cổ phần trên địa bàn tỉnh đã điều chỉnh giảm lãi suất cho vay ngắn hạn theo quy định trên, chủ yếu là nhóm ngân hàng thương mại có vốn nhà nước.
Theo Ngân hàng thương mại cổ phần Ngoại thương Việt Nam (Vietcombank) chi nhánh Đồng Nai, ngân hàng đã tiến hành điều chỉnh lãi suất cho vay đối với các khoản vay hiện hữu bằng VND của doanh nghiệp theo quy định mới của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam. Tương tự, Ngân hàng Nông nghiệp - phát triển nông thông (Agribank) chi nhánh Bắc Đồng Nai cho biết, ngân hàng này cũng đã tiến hành giảm lãi suất cho vay ngắn hạn đối với các lĩnh vực ưu tiên ngay sau khi Ngân hàng Nhà nước Việt Nam có quy định về mức lãi suất mới.
* Đòi hỏi nhiều tiêu chí
Ông Phạm Quốc Bảo, Phó giám đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam chi nhánh Đồng Nai cho biết, khá nhiều ngân hàng thương mại cổ phần trên địa bàn tỉnh đã tiến hành cập nhật, điều chỉnh lãi suất cho vay ngắn hạn đối với các lĩnh vực ưu tiên theo quy định mới. Việc điều chỉnh lãi suất này sẽ giúp các doanh nghiệp có thêm lựa chọn vay vốn vào dịp cuối năm, hỗ trợ cho các doanh nghiệp vay vốn ngắn hạn với lãi suất phù hợp để mua nguyên vật liệu, thanh toán tiền hàng, chuẩn bị hàng hóa phục vụ Tết Nguyên đán sắp tới.
Trên thực tế, để tiếp cận nguồn vốn vay ưu đãi nói trên, các doanh nghiệp cần đáp ứng các tiêu chuẩn đánh giá của các ngân hàng về chiến lược kinh doanh, công nghệ sản xuất, nhân công lao động. Do đó, nhiều doanh nghiệp vẫn khó tiếp cận nguồn vốn vay ưu đãi của ngân hàng.
Ông Phạm Văn Tuấn, chủ Doanh nghiệp tư nhân Tuấn Sang (huyện Trảng Bom) chia sẻ, công ty là doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực nông nghiệp, chế biến nông sản. Để chuẩn bị niên vụ điều sắp tới, công ty mong muốn vay vốn để đảm bảo hoạt động sản xuất kinh doanh, mở rộng nguồn nguyên liệu. Dù có nhiều chương trình vay vốn với lãi suất ưu đãi nhưng nhìn chung việc doanh nghiệp tiếp cận các nguồn vốn này vẫn còn nhiều khó khăn, doanh nghiệp hầu như chưa tiếp cận được nguồn vồn vay ưu đãi này.
Chủ một doanh nghiệp chuyên sản xuất các loại nước uống đóng chai, nước ép trái cây... ở phường An Bình (TP.Biên Hòa) cho hay, doanh nghiệp cần nguồn vốn để chuẩn bị hàng Tết nhưng việc vay vốn với lãi suất ưu đãi còn gặp khó khăn do chưa tìm được “tiếng nói chung” giữa doanh nghiệp và ngân hàng.
Tương tự, ông Phạm Thế Linh, Giám đốc Công ty TNHH một thành viên Thế Linh (TP.Biên Hòa) cho hay, vay vốn để mở rộng sản xuất kinh doanh là nhu cầu cần thiết và thường xuyên của công ty. Hiện nay, công ty đang vay vốn các khoản vay ngắn hạn là chủ yếu với mức lãi suất vào khoảng 8-8,5%/năm từ các ngân hàng thương mại. Ngay sau khi Ngân hàng Nhà nước Việt Nam có thông báo điều chỉnh giảm mức trần lãi suất cho vay đối với các lĩnh vực ưu tiên, trong đó có cho vay doanh nghiệp nhỏ và vừa, công ty cũng đã được điều chỉnh mức lãi suất vay. Tuy nhiên, để được hưởng mức ưu đãi thực sự như quy định thì vẫn còn tùy thuộc vào các thỏa thuận, điều kiện riêng đối với ngân hàng, công ty cần đảm bảo tài sản thế chấp, báo cáo hoạt động hiệu quả để cân đối các khoản vay...
Ông Châu Minh Nguyện, Tổng thư ký Hiệp hội Doanh nghiệp Đồng Nai nhận định, việc giảm mức trần lãi suất cho vay đối với các lĩnh vực ưu tiên là một hoạt động nằm trong các gói hỗ trợ vay vốn, phát triển sản xuất của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam. Hiện nay nhiều doanh nghiệp, đặc biệt là các doanth nghiệp nhỏ và vừa mong muốn được vay vốn ưu đãi để mở rộng mặt bằng sản xuất, phát triển kinh doanh nhưng vẫn không dễ tiếp cận được nguồn vốn vay ưu đãi này bởi những ràng buộc về mặt thủ tục, các thỏa thuận, quy trình thẩm định cho vay giữa các ngân hàng với doanh nghiệp.