Lãi vay mua nhà có tăng khi lãi suất tiết kiệm đang đi lên?
Tuy lãi suất cho vay mua nhà được các ngân hàng duy trì ở mức thấp chỉ từ 5%/năm, song chỉ ở giai đoạn đầu giải ngân 6-12 tháng, sau đó thả nổi lãi suất. Liệu lãi suất vay mua nhà có tăng?
Lãi vay mua nhà thấp nhất từ 5%/năm
Cụ thể, tại VPBank đang có lãi suất vay ưu đãi tốt trên thị trường với mức 5%/năm, áp dụng cho 5 tháng đầu của khoản vay mua nhà. Sau thời gian này, ngân hàng sẽ tính lãi thả nổi bằng lãi suất tham chiếu cộng biên độ 2%/năm.
VIB, VPBank hiện áp dụng mức lãi 5,9%/năm cho 6 tháng đầu của thời hạn vay. Sau đó, lãi suất thả nổi được tính bằng lãi suất tham chiếu cộng biên độ 2,8-3%/năm. Hay HDBank áp dụng lãi suất ưu đãi 6,8%/năm, sau thời gian ưu đãi lãi suất cũng được thả nổi.
Đối với nhóm ngân hàng thương mại có vốn nhà nước như: gribank, Vietcombank, VietinBank, BIDV, lãi suất ưu đãi vay mua nhà hiện dao động quanh 5-7%/năm, áp dụng cho tối đa 2 năm đầu.
Theo đó, khách vay mua nhà tại Vietcombank hiện được hưởng lãi suất ưu đãi 6%/năm trong 6 tháng đầu với các khoản vay ngắn hạn (dưới 12 tháng); 6,3%/năm trong 6 tháng đầu với các khoản vay trung, dài hạn. Hết thời gian ưu đãi, lãi suất thả nổi bằng lãi tiền gửi 12 tháng cộng biên độ theo thỏa thuận và được điều chỉnh 3 tháng/lần.
Còn tại VietinBank, lãi suất ưu đãi cho các khoản vay mua nhà hiện vào khoảng 5,8%/năm, sau thời gian ưu đãi, lãi thả nổi sẽ cộng biên độ 3,5%/năm. Với BIDV, lãi suất ưu đãi hiện vào khoảng 5-5,5%/năm và biên thả nổi cũng theo thỏa thuận hai bên.
Trong khi đó, Agribank có mức lãi suất cho vay mua nhà ngắn hạn thấp nhất trong khối ngân hàng quốc doanh. Với khoản vay trên 24 tháng hiện áp dụng mức lãi 6,5%/năm.
So với khối ngân hàng trong nước thì lãi suất cho cá nhân vay mua nhà tại ngân hàng nước ngoài cũng khá cạnh tranh. Woori Bank với lãi suất là 5,3%/năm áp dụng trong 6 tháng đầu. Kỳ hạn cho vay kéo dài đến 30 năm với hạn mức vay đạt 80% giá trị tài sản thế chấp.
Hong Leong Bank triển khai chung mức 5,5%/năm. Trong đó, Hong Leong Bank áp dụng mức lãi suất ưu đãi cho 1 năm đầu tiên. Gói vay có kỳ hạn 25 năm với tỷ lệ vay đạt 80%. Tương tự, tại HSBC, lãi suất ưu đãi được áp dụng trong 6 tháng đầu, hạn mức vay đạt 70%, gói vay có thời hạn 25 năm.
Shinhanbank áp dụng mức lãi suất 5,5%/năm cố định 6 tháng đầu với các khoản vay mua nhà; chỉ từ 5,8%/năm, cố định 12 tháng; gói lãi suất chỉ từ 6,0 %/năm cố định 24 tháng hoặc gói lãi suất chỉ từ 6,5%/năm cố định 36 tháng. Khách hàng được hỗ trợ vay lên đến 70% giá trị tài sản đảm bảo và thời hạn vay lên đến 30 năm.
Qua đó có thể thấy được, lãi suất vay ưu đãi ở từng ngân hàng sẽ được áp dụng trong một khoảng thời gian cụ thể tùy quy định của từng ngân hàng.
Liệu có tăng theo lãi suất tiết kiệm đang đi lên?
Mặc dù lãi suất tiền gửi tiết kiệm của các ngân hàng đang xu hướng đi lên trong tháng 4-5/2024, với mức tăng 0,2-0,5% và các dự báo đưa ra, khả năng lãi suất tiền gửi còn tăng thêm trên dưới 1%/năm từ nay đến hết năm. Nguyên nhân, do lãi suất tiết kiệm đã dò "đáy" sâu và tiền gửi vào ngân hàng chậm lại.
Theo số liệu của Tổng cục Thống kê đến 25/3, huy động vốn (gồm dân cư và tổ chức) của các tổ chức tín dụng giảm 0,76% so với đầu năm, trong khi cùng kỳ năm ngoái tăng gần 1,2%.
Thế nhưng, trong bối cảnh hiện nay, mặt bằng lãi suất cho vay sẽ duy trì ở mức thấp, hợp lý mới có thể kích cầu được tăng trưởng tín dụng, kể cả với tín dụng mua nhà ở của khách hàng cá nhân.
MBS cũng cho rằng, lãi suất đầu ra sẽ vẫn duy trì ở mặt bằng hiện tại trong bối cảnh các cơ quan quản lý và ngân hàng thương mại nỗ lực hỗ trợ doanh nghiệp tiếp cận nguồn vốn.
Thực tế cũng cho thấy, không chỉ nhu cầu vốn của khách hàng doanh nghiệp còn yếu mà ngay cả với khách hàng cá nhân trong bối cảnh thị trường còn khó khăn hiện nay, việc vay vốn cũng phải cân nhắc khá kỹ, cả với những người có nhu cầu thực về nhà ở.
Đó cũng là lý do, tăng trưởng tín dụng của ngành ngân hàng "âm" trong 2 tháng đầu năm và chỉ mới tăng trưởng dương nhẹ trở lại kể từ tháng 4/2024.
Nguyễn Thanh Tùng, Tổng giám đốc Vietcombank cho hay, đến hết quý I/2024, tín dụng của Vietcombank giảm 0,42%, chủ yếu do tín dụng bán lẻ giảm. Trước đó, đến hết tháng 1/2024, dư nợ tín dụng của Ngân hàng này đạt 1,24 triệu đồng, trong đó tín dụng bán buôn giảm khoảng 19.000 tỷ đồng và tín dụng bán lẻ giảm hơn 11.000 tỷ đồng.
Vì thế, hiện các ngân hàng tiếp tục đẩy mạnh triển khai chương trình tín dụng ưu đãi dành cho khách hàng cá nhân vay mua nhà, tuy nhiên, do phải cân đối bài toán chi phí vốn đầu vào - đầu ra nên mức lãi suất ưu đãi cũng chỉ được áp dụng trong giai đoạn 6-12 tháng.
PGS TS Nguyễn Hữu Huân – Trường đại học Kinh tế TP.HCM cũng cho rằng, thông thường khi lãi suất huy động tăng thì lãi suất cho vay cũng sẽ tăng theo. Bởi ngân hàng cũng là doanh nghiệp là luôn phải tính toán về NIM (là phần chênh lệch lãi suất giữa lãi tiền gửi và lãi cho vay của ngân hàng. Tuy nhiên, trong bối cảnh hiện nay theo PSG TS Huân, lãi suất cho vay chưa thể tăng lên.
Bởi sức mua của thị trường còn yếu, cầu tín dụng chưa cao nên ngân hàng khó tăng lãi vay. Đồng thời, chủ trương của Chính phủ, NHNN yêu cầu ngân hàng tiết giảm chi phí giảm lãi suất cho vay, hỗ trợ khách hàng, nhất là doanh nghiệp vượt qua giai đoạn khó khăn.
Các nhà phân tích cho rằng, môi trường lãi suất huy động thấp như hiện tại là điều kiện tiên quyết cần được duy trì trong 6 tháng tiếp theo khi mà nhu cầu tín dụng còn yếu. Điều này sẽ tạo động lực cho các ngân hàng hạ lãi suất cho vay nhằm kích thích nhu cầu tín dụng.
Chi phí vốn theo đó cũng sẽ được neo giữ ở mức thấp. Đây sẽ là cơ hội cho các ngân hàng có thể gia tăng NIM. Tuy nhiên, việc giảm lãi suất cho vay đầu ra nhằm thu hút người đi vay cũng sẽ khiến tỷ suất sinh lợi của tài sản các ngân hàng giảm theo.