Lái xe cứu thương: Đội vận chuyển đặc biệt
Lên đường ngay khi có lệnh, thường xuyên tiếp xúc với F0, F1, bảo đảm việc đưa đón kịp thời, an toàn… là công việc mà nhiều lái xe cứu thương trên địa bàn tỉnh Bắc Giang đang thực hiện hằng ngày. Họ đã lan tỏa tình yêu thương, khát vọng cống hiến trong cuộc chiến chống dịch Covid-19.
Làm việc quên ăn
Một ngày đầu tháng 6, tôi gặp anh Nguyễn Việt Long (SN 1975), Tổ trưởng tổ xe cứu thương, Bệnh viện Đa khoa tỉnh trong lúc anh chuẩn bị đi đón một số trường hợp F0 vào bệnh viện điều trị. Theo anh Long, 25 năm lái xe cứu thương, chưa bao giờ anh và đồng nghiệp trải qua giai đoạn khó khăn, thử thách như những ngày qua.
Hơn 3 tuần vừa rồi, hầu như ngày nào xe anh cũng lăn bánh trên đường từ sớm đến khuya với công việc di chuyển F0, F1 ở các "điểm nóng" đến các bệnh viện, khu cách ly. Có hôm trở về bệnh viện đã 2-3 giờ sáng, nhà ăn bệnh viện đóng cửa, anh tranh thủ ăn gói mỳ tôm sống, uống nước lót dạ, chợp mắt một lúc để sáng sớm tiếp tục lên đường.
Bà Ngô Tuyết Mai, Trưởng phòng Hành chính, Bệnh viện Đa khoa tỉnh cho biết: "Mấy tuần nay, cả 5 xe cứu thương của Bệnh viện hoạt động liên tục bất kể ngày đêm, đồng nghĩa các lái xe căng mình theo. Do tính cấp bách của công việc, nguồn nhân lực y tế thiếu nên lái xe được cơ quan phát danh sách, chủ động liên hệ với thôn, xóm theo địa chỉ, số điện thoại đã được cung cấp để đưa các F đến bệnh viện hoặc địa điểm cách ly tập trung.
Đặc biệt, đêm 27/5, khi 500 bệnh nhân mắc Covid-19 ở các bệnh viện được chuyển tới Bệnh viện dã chiến số 2 ở Nhà thi đấu thể thao tỉnh, các lái xe Bệnh viện Đa khoa tỉnh đã tham gia vận chuyển xuyên đêm".
Với anh Vũ Văn Chỉnh (SN 1985), lái xe cứu thương ở Trung tâm Y tế huyện Việt Yên, từ khi dịch bệnh bùng phát trên địa bàn huyện, chưa hôm nào anh có bữa ăn, giấc ngủ trọn vẹn. Ban đầu khi chưa có sự hỗ trợ từ các đơn vị khác, nhân lực, phương tiện thiếu, trong khi số lượng F0, F1 liên tiếp tăng khiến anh cùng đồng nghiệp bị quá tải.
"Vận chuyển các F trong tình cảnh "nước sôi, lửa bỏng" song yếu tố an toàn trên đường đi luôn được đặt lên hàng đầu, nếu không bình tĩnh xử lý rất dễ xảy ra tai nạn", anh Chỉnh nói. Vợ đang mang bầu 8 tháng, 2 con còn nhỏ, nhà ngay thị trấn Bích Động, gần cơ quan nhưng gần 1 tháng nay anh chưa một lần về thăm, phần vì công việc bận rộn, phần vì liên tục tiếp xúc với các ca nghi nhiễm Covid-19 nên phải giữ khoảng cách bảo đảm an toàn sức khỏe cho người thân.
Tình nguyện vào tâm dịch
Không riêng những lái xe cứu thương ở các bệnh viện, trung tâm y tế, nhiều tình nguyện viên cũng xung phong vào tâm dịch. Anh Thân Văn Vượng (SN 1984) ở xã Tăng Tiến (Việt Yên) chia sẻ: "Dịch bùng phát trên địa bàn huyện, nhiều nơi báo lái xe thiếu, tôi tình nguyện đến lái xe cứu thương hỗ trợ Trung tâm Y tế huyện". Từ ngày 16/5 đến nay, anh Vượng làm việc liên tục khoảng 20 tiếng/ngày.
Công việc của anh thường xuyên chở các F0 đến bệnh viện điều trị, F1 đến các khu cách ly y tế tập trung. Sau mỗi lần đưa, đón các F, toàn bộ xe, quần áo bảo hộ y tế của lái xe phải khử khuẩn. Nhưng do công việc nhiều, đưa xong nhóm này phải tiếp tục đi đón nhóm khác nên anh Vượng thường phải ngửi mùi dung dịch hắc nồng, cay xè mắt, đầu óc choáng váng, cảm giác như bị say rượu. Nhiều đêm, anh và nhân viên y tế vô cùng vất vả mới tìm được đến nhà F0, F1 vì nhiều công nhân ở trong ngõ hẻm. Có những trường hợp gọi điện thoại liên lạc nhưng không có tín hiệu hoặc không nghe máy nên mất nhiều thời gian.
Cùng với việc đưa đón các F, những hoạt động khác như chở y, bác sĩ đi làm nhiệm vụ, vận chuyển vật tư y tế vẫn phải bảo đảm liên tục, kịp thời. Hiện ngoài gần 20 người lái xe cứu thương của các doanh nghiệp đang hỗ trợ Trung tâm Y tế huyện Việt Yên, từ ngày 1/6 đến nay, tổ cấp cứu và xe thuộc Sở Y tế Hà Nội gồm 80 người, trong đó có 60 y, bác sĩ và 20 lái xe tình nguyện đã đến Bắc Giang góp sức chống dịch. Mỗi tổ gồm 4 người, được phân bổ về các huyện, thành phố hỗ trợ tại các điểm tiêm vắc-xin.
Theo anh Quyền Đức Phong (SN 1996), lái xe cứu thương của tổ, hằng ngày anh đưa đón tổ công tác đi làm nhiệm vụ cấp cứu tại các điểm tiêm vắc-xin trên địa bàn TP Bắc Giang và các khu công nghiệp. "Trong cái nắng như đổ lửa, chúng tôi mặc bộ quần áo bảo hộ y tế chỉ hở đôi mắt, mồ hôi ướt sũng như tắm, người ngứa ngáy khó chịu. Dẫu vất vả nhưng chúng tôi luôn động viên nhau gắng vượt qua, nỗ lực cùng người dân Bắc Giang chống dịch", anh Phong nói.
Cuộc chiến chống dịch Covid-19 vẫn chưa kết thúc, cùng với các lực lượng tuyến đầu, những lái xe cứu thương dù còn rất trẻ nhưng vẫn đang ngày đêm xông pha, lao vào những nơi hiểm nguy, gian khó nhất. Với bản lĩnh, ý chí, nghị lực, họ đã và đang lan tỏa tình yêu thương, khát vọng cống hiến, góp phần sớm đẩy lùi dịch bệnh.
Bài, ảnh: Công Doanh