Lái xe gầu múc đập nát 2 ôtô ở công trường cao tốc Bắc - Nam sẽ bị xử lý ra sao?
Vụ việc lái xe gầu múc điều khiển xe 'băm nát' 2 xe ô tô diễn ra mới đây tại khu vực công trường đường cao tốc Bắc - Nam (tỉnh Bình Thuận) đã gây phẫn nộ trong dư luận. Nhiều người đặt câu hỏi hành vi của đối tượng này có dấu hiệu cấu thành tội giết người?
Hiện Công an huyện Hàm Thuận Bắc, Bình Thuận đã tạm giữ hình sự đối với Đinh Văn Hoàng - lái xe gầu múc của một nhà thầu phụ đang thi công công trình thuộc dự án cao tốc Vĩnh Hảo - Phan Thiết để điều tra về hành vi hủy hoại tài sản.
Trước đó, Hoàng đang ngồi trên xe gầu múc, ngay trước cửa lán trại của công trường thì mâu thuẫn, cãi cọ với lái xe ô tô bán tải BS 60C-122.26.
Sau đó, Hoàng điều khiển xe gầu múc đập thẳng xuống đầu xe bán tải.
Sự việc gây hư hỏng 2 ôtô và không gây thiệt hại về người, do lái xe bán tải đã nhanh chân thoát ra ngoài.
Về sự việc này, Luật sư Nguyễn Thị Thu - Đoàn Luật sư Hà Nội nhận định, những hình ảnh trong đoạn video cho thấy, lái xe gầu múc khi phát hiện ra chiếc xe ô tô di chuyển đã lái máy xúc lao theo và dùng gầu múc bổ mạnh từ trên xuống hai lần vào vị trí ghế lái và kính chắn gió.
Đây là hành vi hết sức nguy hiểm, có thể khiến người ngồi trong xe mất mạng. Nạn nhân không tử vong là do may mắn chạy thoát. Lỗi của đối tượng thực hiện hành vi trong trường hợp này là lỗi cố ý trực tiếp.
Như vậy, trong cùng một thời điểm, hành vi trên đã xâm phạm đến hai khách thể, đó là tính mạng của con người và quyền sở hữu tài sản của công dân.
Do đó, đối tượng thực hiện hành vi có dấu hiệu phạm 2 tội, là tội Giết người và tội Cố ý làm hư hỏng tài sản.
Điều 123 BLHS 2015 sửa đổi về Tội giết người quy định, người nào giết người có tính chất côn đồ thì bị phạt tù từ 12-20 năm, tù chung thân hoặc tử hình. Do nạn nhân lái xe bán tải may mắn thoát chết, nên hành vi của đối tượng thuộc trường hợp phạm tội chưa đạt.
Theo đó, với trường hợp phạm tội chưa đạt, nếu điều luật được áp dụng quy định hình phạt cao nhất là tù chung thân hoặc tử hình thì áp dụng hình phạt tù không quá 20 năm; nếu là tù có thời hạn thì mức hình phạt không quá ba phần tư mức phạt tù mà điều luật quy định.
Cũng theo Luật sư Thu, với hành vi hủy hoại hoặc cố ý làm hư hỏng tài sản, theo Điều 178 BLHS 2015, tùy vào giá trị tài sản bị hư hỏng, người phạm tội có thể bị phạt tiền từ 10-50 triệu đồng, phạt cải tạo không giam giữ đến 3 năm hoặc phạt tù tới 20 năm. Ngoài ra, người phạm tội còn có thể bị phạt tiền từ 10-100 triệu đồng cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ 1-5 năm.
Trường hợp kết quả định giá cho thấy chiếc xe này bị hư hỏng hoàn toàn không thể phục hồi được nữa và trị giá chiếc xe từ 500 triệu đồng trở lên, thì lái xe gầu múc sẽ phải đối mặt với khung hình phạt là phạt từ 15-20 năm tù theo khoản 4, Điều 178 Bộ luật hình sự 2015.
Trường hợp tài sản thiệt hại trị giá từ 200-500 triệu đồng, hình phạt sẽ là phạt tù từ 5 - 10 năm - Luật sư Thu nhấn mạnh.