Làm báo thời công nghệ 5.0 ở Ấn Độ

Là một quốc gia có lịch sử lâu đời về truyền thông và in ấn, đến nay, Ấn Độ vẫn nổi tiếng với nhiều loại hình truyền thông đại chúng khác nhau như: Truyền hình, đài phát thanh, báo chí, tạp chí, các trang web/cổng thông tin… Và cùng với sự phát triển mạnh mẽ của công nghệ, Ấn Độ cũng đang chuyển mình nhanh chóng trong thị trường truyền thông với hơn 500 kênh truyền hình vệ tinh, trong đó là 80 kênh tin tức và 70.000 tờ báo gồm cả báo in và báo điện tử.

Tận dụng tối đa kỹ thuật số

Trao đổi với 26 nhà báo Việt Nam được mời sang Ấn Độ tham gia khóa học báo chí hiện đại hồi cuối tháng 3/2024, Tiến sĩ Shashank Goel - Tổng Giám đốc Viện Phát triển Nguồn Nhân lực Dr Marri Channa Reddy kiêm Thư ký Chính phủ tại bang Telangana cho hay, báo chí thể hiện tiếng nói của người dân, có tác động trong việc ổn định xã hội và vai trò của phóng viên báo chí là hết sức quan trọng, đặc biệt, trong bối cảnh ngày nay, khi mà sự xuất hiện của các phương tiện truyền thông xã hội như Facebook, X (trước đây là Twitter), Instagram, YouTube, LinkedIn... đã tạo ra sự thay đổi sâu sắc trong truyền thông.

Nhấn mạnh rằng, lĩnh vực báo chí ở Ấn Độ đã chứng kiến những thay đổi đáng kể trong những năm gần đây, chủ yếu do những tiến bộ công nghệ và sự phát triển của phương tiện truyền thông kỹ thuật số cũng như sự thay đổi sở thích của độc giả, Tiến sĩ Shashank Goel cũng khẳng định, báo chí ở Ấn Độ đã có bước chuyển mình khá lớn và nhanh chóng tận dụng tối đa công nghệ hiện đại trong hoạt động sản xuất sản phẩm truyền thông.

Các nhà báo Việt Nam chụp ảnh với Uma Sudhir, Giám đốc điều hành chi nhánh của Đài NDTV ở Nam Ấn Độ sau giờ học về sử dụng AI trong lĩnh vực truyền thông.

Các nhà báo Việt Nam chụp ảnh với Uma Sudhir, Giám đốc điều hành chi nhánh của Đài NDTV ở Nam Ấn Độ sau giờ học về sử dụng AI trong lĩnh vực truyền thông.

Cụ thể, nếu năm 2023 được coi là năm đột phá của thế giới khi sử dụng trí tuệ nhân tạo (AI) trong báo chí thì tại Ấn Độ, các cơ quan truyền thông đã nhen nhóm dùng công nghệ này từ đầu năm 2021. Nhiều tòa soạn đã ứng dụng AI để tạo ra các bản tin video phục vụ độc giả. Trong khi đó, nhiều tòa soạn khác đưa vào MC ảo cho các bản tin. Chẳng hạn, hồi tháng 4/2023, chatbot tiếng Hindi có tên là Sana được phục vụ trên kênh tin tức Aaj Tak thuộc sở hữu của India Today, một trong những hãng truyền thông lớn nhất tại Ấn Độ.

Trong lần đầu tiên ra mắt, “người dẫn chương trình ảo” Sana xuất hiện với làn da trắng và mái tóc đen dài đã gây ấn tượng mạnh khi có thể nói được 75 ngôn ngữ khác nhau. Sau Sana, đài truyền hình Odisha TV ở miền Đông Ấn Độ cũng công bố một chatbot tương tự có tên Lisa, dẫn tin tức bằng ngôn ngữ địa phương tiếng Odia và tiếng Anh. Tuy các chatbot chỉ đưa tin bằng một giọng đều đều và không có cử chỉ tay nhưng việc sử dụng công nghệ này đã giúp cải thiện khả năng tiếp cận thông tin đối với một quốc gia có 22 ngôn ngữ chính thức và hơn một nửa dân số không có điện thoại thông minh.

Phải khẳng định là cả hai chatbot này đều đã đánh dấu một cột mốc quan trọng trong việc phát sóng tin tức truyền hình và báo chí kỹ thuật số, khi mà giờ đây, luôn có sẵn người dẫn chương trình, đưa tin tức, dự báo thời tiết và cập nhật kết quả tài chính và thể thao trong thời gian thực mà không bị gián đoạn. Song, dù các chatbot này giúp nâng cao năng suất làm việc, nhưng công việc xử lý nội dung chủ đề và thảo luận vẫn do người thật thực hiện. Tiến sĩ Shashidhar Nanjundaiah, Giáo sư và là Trưởng khoa Truyền thông, Đại học Mahindra, Hyderabad nói, những ví dụ cụ thể này cho thấy, AI có lợi nhiều hơn là hại: “Các hệ thống AI hiện nay đang hỗ trợ các nhà báo rất nhiều. Trong nhiều trường hợp, AI không thể thay thế được con người. Nhưng nếu phóng viên làm việc cùng AI, tôi nghĩ đó là điều tốt nhất chúng ta có thể làm”.

Từ thực tiễn trong công việc, Uma Sudhir, Giám đốc điều hành chi nhánh của Đài NDTV ở Nam Ấn Độ cũng bày tỏ rằng, AI không mấy hiệu quả trong báo chí điều tra và công tác hiện trường vì hiện tại chúng không thể sao chép kinh nghiệm và khả năng quan sát của con người. Tuy nhiên, các công cụ như OpenAI, ChatGPT, Google's Bard hoặc Character cung cấp các bài viết xuất sắc nhờ tạo ra nội dung từ dữ liệu khổng lồ trên internet. Nhược điểm lớn của các bài viết do công cụ chatbot tạo ra là không đảm bảo tính xác thực và tính toàn vẹn trong báo chí. Vì vậy, khi triển khai các công cụ AI để sản xuất tin tức, nhà báo cần tỉnh táo, chọn lọc và có hướng đi cho riêng mình.

Bà Uma Sudhir đã chỉ cho nhóm nhà báo chúng tôi về cách tận dụng lợi thế kỹ thuật số mà nhân viên ở đài chi nhánh bà đang sử dụng để tiết kệm tối đa thời gian thực hiện một tác phẩm truyền thông. “Công việc như viết kịch bản thì AI không thể thay thế song dùng công cụ chatbot để đưa ra các gợi ý là điều các nhà báo hiện đại nên cân nhắc. Công nghệ AI giúp tiết kiệm thời gian thu thập và tóm tắt dữ liệu và như vậy, nhà báo sẽ có nhiều thời gian hơn để làm những công việc khác như cấu trúc thông tin trong bài báo hoặc dành nhiều thời gian hơn cho các bài điều tra, phỏng vấn”, Giám đốc điều hành chi nhánh của Đài NDTV ở Nam Ấn Độ nói.

Lấy AI trị AI

Thực tế hiện nay, Ấn Độ đang được coi là nền kinh tế phát triển nhanh nhất thế giới và được hưởng lợi lớn từ công nghệ AI. Báo cáo tại Hội nghị thường niên lần thứ 54 của Diễn đàn Kinh tế thế giới (WEF) hồi tháng 1 cho thấy , AI có thể tạo ra 40 triệu việc làm mới ở Ấn Độ vào năm 2030 và đóng góp thêm 957 tỷ USD cho nền kinh tế quốc gia Nam Á vào năm 2035. Nghiên cứu của Accenture Plc, công ty chuyên cung cấp dịch vụ tư vấn quản lý, công nghệ thông tin toàn cầu cũng nhấn mạnh, AI có tiềm năng đẩy nhanh tốc độ tăng trưởng tổng giá trị gia tăng (GVA) hằng năm của Ấn Độ thêm 1,3 điểm phần trăm vào năm 2035.

Tại Ấn Độ, AI được xem là chìa khóa thúc đẩy sự tiến bộ trong các lĩnh vực như truyền thông, y tế, công nghiệp, nông nghiệp, giáo dục, tài chính và nhiều lĩnh vực khác. New Delhi cũng đẩy mạnh đầu tư công nghệ này với mức huy động là 3,24 tỷ USD, trở thành quốc gia đứng thứ 5 thế giới về đầu tư AI. Mới đây, chính phủ Ấn Độ còn tiếp tục phê duyệt tổng ngân sách đầu tư hơn 1,2 tỷ USD trong 5 năm cho “Sứ mệnh AI Ấn Độ”.

Một góc làm việc ở MediaPlus.

Một góc làm việc ở MediaPlus.

Phó Chủ tịch kiêm Giám đốc điều hành của Intel tại thị trường Ấn Độ Santhosh Viswanathan mới đây còn đưa ra thống kê cho thấy, 58% người Ấn Độ coi AI là công nghệ quan trọng nhất cho tương lai và Ấn Độ cũng có tỷ lệ sử dụng kỹ năng AI cao nhất trong số các nước G20 cũng như các nước thuộc Tổ chức Hợp tác và Phát triển kinh tế (OECD). Đến năm 2027, AI sẽ có mặt ở tất cả lĩnh vực của Ấn Độ. Tuy nhiên, sự phát triển quá nhanh của công nghệ AI cũng mang đến những rủi ro, kể cả trong lĩnh vực báo chí truyền thông.

Trong một lần đi thực tế thuộc khuôn khổ khóa đào tạo báo chí hiện đại ở Ấn Độ, đoàn nhà báo chúng tôi đã tới thăm trụ sở Công ty truyền thông MediaPlus, nơi cung cấp các sản phẩm báo chí đa phương tiện cho nhiều cơ quan truyền thông ở Hyderabad, bang Telangana. Syed Khaled Shahbaaz, CEO của MediaPlus, cho hay, công ty này được quản lý bởi các nhà báo dày dạn kinh nghiệm và đã tham gia cả việc xuất bản phụ trương bốn trang nhiều màu trên nhiều tờ báo lớn của quốc gia như The New Indian Express, The Hindu, Deccan Chronicle, Times of India; hoặc các tờ báo khu vực (Varta, Vishal Andhra, Praja Shakti)…

Syed Khaled Shahbaaz cũng tiết lộ với chúng tôi về việc sử dụng các loại công nghệ tiên tiến và hiện đại nhất trong quá trình xác định thông tin thật, giả và tạo ra sản phẩm truyền thông chân thực nhất.

“Khi sử dụng công cụ AI, nhà báo cũng cần kiểm chứng lại thông tin bởi AI xử lý bài viết hoàn toàn bằng siêu dữ liệu có sẵn trên internet, đôi khi bao gồm cả thông tin sai lệch, có thể dẫn đến tin tức giả (fake news). Chúng tôi luôn cố gắng đổi mới cơ chế kiểm tra thực tế để tạo ra một môi trường truyền thông lành mạnh. Mà cơ chế kiểm tra này luôn có sự hỗ trợ của cả công nghệ AI. Nghĩa là việc đầu tư cho AI để phục vụ truyền thông là cần thiết, nhưng cùng với đó cũng cần đầu tư nghiên cứu để tìm ra cơ chế quản lý kiểm soát AI nhằm phát huy những giá trị, lợi ích mà nó mang lại và giảm các hệ quả tiêu cực”, Syed Khaled Shahbaaz nói.

Trong khi đó, ông Sri Rakesh Dubuddu, người sáng lập Sáng kiến Công nghệ thông tin công cộng & truyền thông lại chỉ ra rằng, các sản phẩm deepfake và cheapfake xuất hiện tràn lan trong thời gian diễn ra cuộc tổng tuyển cử ở Ấn Độ đã cho thấy cuộc chiến về bảo vệ sản phẩm báo chí trung thực không hề đơn giản. Các tòa báo ở Ấn hiện nay đã sử dụng nhiều công nghệ AI để tìm và loại ra các sản phẩm báo chí được làm giả bởi chính AI. Nếu deepfake là loại hình thông tin giả mạo bằng cách sử dụng AI để thay khuôn mặt của người này bằng hình ảnh của người khác hoặc biến đổi giọng nói…, thì cheapfake lại là loại hình thông tin giả mạo thứ cấp hơn nhiều vì được thiết kế bằng cách cắt ghép, chỉnh sửa nội dung một cách đơn giản, thô sơ. Vậy nên, khi tiếp cận với các tin tức giả được “chế biến” ở cấp độ nào thì các các nhà báo và cơ quan truyền thông cũng cần phải tỉnh táo để thoát khỏi nguy cơ bị cung cấp hoặc dẫn dắt bởi những thông tin sai lệch.

Sông Thương

Nguồn CAND: https://cand.com.vn/tieu-diem-van-hoa/lam-bao-thoi-cong-nghe-5-0-o-an-do-i735038/