Mất tiền tỷ vì cài app dịch vụ công giả mạo: Cảnh giác để tránh 'sập bẫy'

Theo cơ quan công an, thời gian qua, xuất hiện nhiều đối tượng giả danh cơ quan công an gọi điện cho người dân hướng dẫn cài đặt phần mềm dịch vụ công giả mạo rồi chiếm đoạt tài sản.

Ảnh minh họa. (Nguồn: Vietnam+)

Ảnh minh họa. (Nguồn: Vietnam+)

Đang giờ làm việc, chị Trần Ánh Nguyệt ở Đại Kim, Hoàng Mai, Hà Nội, nhận được cuộc gọi từ số điện thoại lạ, đầu dây bên kia tự xưng là cán bộ công an quận, yêu cầu chị tải app dịch vụ công để làm định danh mức 2.

Nhớ rõ mình đã đăng ký tài khoản định danh điện tử mức độ 2 với công an phường và biết thông tin nhiều trường hợp bị lừa cài đặt phần mềm giả mạo trong thời gian gần đây nên chị Nguyệt tắt máy. Ngay lập tức, đối tượng tự xưng là công an gọi lại bằng số điện thoại khác với giọng dọa nạt, đọc rõ tên tuổi, nghề nghiệp, nơi ở của chị và bảo chị "thái độ kiểu gì thế."

Chắc chắn đây là cuộc gọi lừa đảo, chị Nguyệt tắt máy và báo cáo cuộc gọi lừa đảo với tổng đài 5656 của Cục An toàn Thông tin-Bộ Thông tin và Truyền thông.

"Không hiểu vì lý do gì mà đối tượng nắm rõ thông tin chính xác của tôi. Nếu 'yếu bóng vía,' có lẽ tôi đã nghe theo lời của kẻ giả mạo. Nhưng vì luôn bật chế độ cảnh giác với các cuộc gọi lạ nên tôi không tin lời của người ở đầu dây bên kia," chị Nguyệt chia sẻ.

Liên tiếp các trường hợp bị lừa, có người mất tiền tỷ

Thực tế, không phải ai cũng cảnh giác trước các cuộc gọi lạ và không ít người đã rơi vào bẫy của các đối tượng lừa đảo.

Công an quận Cầu Giấy, thành phố Hà Nội, đang điều tra, xác minh vụ lừa đảo chiếm đoạt tài sản với thủ đoạn lừa cài đặt app dịch vụ công giả mạo.

 Hình ảnh ứng dụng giả mạo.

Hình ảnh ứng dụng giả mạo.

Vào ngày 11/6 vừa qua, chị T (sinh năm 1983, thường trú Cầu Giấy, Hà Nội) có nhận được cuộc gọi của đối tượng tự xưng là cán bộ Công an phường Trung Hòa, quận Cầu Giấy thông báo tài khoản định danh của chị bị lỗi.

Đối tượng hướng dẫn chị T cài đặt phần mềm dịch vụ công giả mạo. Khi cài đặt xong, chị T phát hiện tài khoản ngân hàng bị mất hơn 1,2 tỷ đồng. Biết mình bị lừa, chị T đã đến cơ quan công an trình báo sự việc.

Trước đó, vào ngày 16/6, Công an phường Bưởi, quận Tây Hồ, nhận được tin trình báo của anh H (sinh năm 1993; trú tại Đông Anh, Hà Nội) về việc nhận được cuộc gọi của đối tượng tự xưng là cán bộ Công an huyện Đông Anh yêu cầu tải app dịch vụ công để làm định danh mức 2.

Sau đó, đối tượng gửi cho anh đường link cài đặt phần mềm dịch vụ công giả mạo. Khi cài đặt xong, anh H bị chiếm quyền sử dụng điện thoại và bị chiếm đoạt gần 300 triệu đồng.

Trước đó, vào ngày 23/5/2024, chị H (sinh năm 1984; trú tại Hoài Đức, Hà Nội) có nhận được cuộc gọi của một đối tượng tự xưng là cán bộ công an yêu cầu chị tải app dịch vụ công để làm định danh mức 2. Sau đó, đối tượng gửi cho chị đường link cài đặt phần mềm dịch vụ công giả mạo. Khi cài đặt xong, chị H bị chiếm quyền sử dụng điện thoại và bị chiếm đoạt gần 6 tỷ đồng.

Cảnh giác trước các thủ đoạn lừa đảo

Theo cơ quan công an, thời gian qua, xuất hiện nhiều đối tượng giả danh cơ quan công an gọi điện cho người dân hướng dẫn cài đặt phần mềm dịch vụ công giả mạo rồi chiếm đoạt tài sản.

Các đối tượng tự xưng nhiều tên khác nhau, đang công tác cơ quan công an và yêu cầu người dân đến trụ sở công an gặp các anh Hùng, Tùng, Hiếu, Trung… để được hướng dẫn và cập nhật tài khoản định danh mức 2 hoặc chỉnh sửa thông tin trên ứng dụng VNeID.

Các đối tượng thường gọi vào các khung giờ hành chính, trong giờ làm việc, lao động, học tập… để các cá nhân không thể sắp xếp thời gian và từ chối yêu cầu “đến trụ sở cơ quan công an."

Khi đó, chúng sẽ yêu cầu thực hiện bổ sung, chỉnh sửa, cập nhật thông tin về dân cư thông qua tải, cài đặt ứng dụng VNeID giả mạo và gửi những ứng dụng, đường link kèm theo logo giống với ứng dụng VNeID của Bộ Công an.

Các ứng dụng và đường link này đều chứa mã độc hoặc nhiều loại virus độc hại có khả năng chiếm quyền kiểm soát, điều khiển điện thoại của người dùng (trong thời gian ngắn hoặc theo dõi lâu dài) để từng bước thu thập thông tin, tài khoản, mật khẩu của các loại ứng dụng nhằm thực hiện các giao dịch ngoài ý muốn của chủ tài khoản để chiếm đoạt tài sản.

Số tiền chúng chiếm đoạt có thể được chuyển lòng vòng qua những tài khoản không chính chủ (do các đối tượng đăng ký, sử dụng) để hạn chế khả năng truy xét, tìm ra chủ tài khoản.

 Ứng dụng chính thức do Bộ Công an phát triển.

Ứng dụng chính thức do Bộ Công an phát triển.

Cơ quan công an khuyến cáo người dân cảnh giác trước thủ đoạn trên. Người dân tuyệt đối không thực hiện bất cứ thao tác nào theo yêu cầu, hướng dẫn của các đối tượng hoặc có thể từ chối cuộc gọi. Người dân không cài đặt các phần mềm, ứng dụng theo yêu cầu của các đối tượng lạ gọi đến.

Khi gặp các trường hợp có dấu hiệu lừa đảo, người dân cần kịp thời đến cơ quan công an gần nhất để trình báo và có phương án xử lý./.

Cơ quan công an khuyến cáo người dân nâng cao tinh thần cảnh giác, ý thức tự bảo vệ dữ liệu cá nhân, không đăng, đưa lên mạng xã hội thông tin thẻ căn cước công dân, tài khoản định danh điện tử VNeID để không bị các đối tượng lợi dụng nhằm thực hiện hành vi vi phạm pháp luật.

Người dân chỉ cài đặt ứng dụng VNeID từ nguồn chính thống trên App Store (đối với hệ điều hành iOS) và CH Play (đối với hệ điều hành Android).

Tuyệt đối không nghe cuộc gọi và thực hiện theo yêu cầu của đối tượng lạ tự xưng là cán bộ công an, trung tâm dịch vụ công; không được nhấn vào các liên kết gửi qua tin nhắn, mạng xã hội do các đối tượng cung cấp và không cài đặt ứng dụng VNeID từ nguồn ngoài trên các trang web, ứng dụng không chính thống, đường link lạ.

Lực lượng công an và các cơ quan Nhà nước... nếu làm việc với người dân sẽ có giấy mời, giấy triệu tập gửi cho người đó và làm việc trực tiếp tại các trụ sở cơ quan, không làm việc online qua mạng hoặc điện thoại

Trường hợp người dân chưa cài đặt, kích hoạt hoặc bị lỗi tài khoản định danh điện tử VNeID hoặc muốn cập nhật, chỉnh sửa thông tin, công dân phải đến trực tiếp cơ quan công an để được trực tiếp hướng dẫn.

(Vietnam+)

Nguồn VietnamPlus: https://www.vietnamplus.vn/mat-tien-ty-vi-cai-app-dich-vu-cong-gia-mao-canh-giac-de-tranh-sap-bay-post962134.vnp