Lâm Bình cải tạo vóc dáng đàn dê
Nghề chăn nuôi dê trong những năm qua phát triển mạnh cả về số lượng đàn và số hộ nuôi. Hiện nay, tổng đàn dê của huyện khoảng 3.700 con. Giá bán dê thịt vài năm nay luôn ở mức cao, thu nhập của người chăn nuôi tương đối ổn định. Mặt khác, dê là động vật ăn tạp, dễ nuôi, ít bị bệnh, mức đầu tư thấp, quay vòng vốn nhanh, thị trường đầu ra khá ổn định.
Xã Thổ Bình có tổng đàn dê nhiều nhất huyện, hiện có hơn 800 con, tập trung nhiều ở các thôn Nà Vài, Vằng Áng, Bản Pước, Na Mị... thịt dê xã Thổ Bình là sản phẩm OCOP 3 sao. Để nâng cao giá trị kinh tế từ chăn nuôi dê, năm 2021, được sự hỗ trợ của Viện chăn nuôi, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, xã Thổ Bình thành lập nhóm sở thích chăn nuôi dê.
Các hộ dân được tham quan, học hỏi kinh nghiệm chăn nuôi dê hữu cơ theo hướng bán chăn thả tại Trung tâm nghiên cứu dê và thỏ Sơn Tây (Hà Nội) và được hỗ trợ 2 con dê đực boer giống. Các hộ được hướng dẫn lai tạo giống dê boer với dê bản địa và cách chăn nuôi theo dõi, ghi chép sổ sách trong công tác phối giống để tránh cận huyết làm giảm sức sống và vóc dáng.
Anh Ma Duy Mân, thôn Nà Mị, xã Thổ Bình cho biết, được chuyên gia Viện chăn nuôi tư vấn, gia đình anh đã xây dựng chuồng trại đúng tiêu chuẩn để chăn nuôi 45 con dê theo hướng hữu cơ. Sau 1 năm chăn nuôi theo cách mới, anh Mân nhận thấy dê lai sinh ra có thể trạng tốt, cao, to, mắn đẻ hơn giống dê địa phương. Dê lai đến tuổi trưởng thành nặng hơn dê bản địa từ 15 - 20 kg. Bình quân mỗi năm gia đình bán từ 20 - 30 con dê thương phẩm thu lãi từ 90 - 100 triệu đồng.
Lâm Bình có điều kiện phát triển chăn nuôi dê, tuy nhiên phần lớn người nông dân vẫn áp dụng phương thức chăn nuôi nhỏ lẻ, tự phát, chưa tạo ra được các vùng chăn nuôi quy mô lớn, các giống dê nuôi chủ yếu là các giống địa phương (dê cỏ), vóc dáng nhỏ, sức sinh sản thấp. Đồng thời, người nuôi dê cũng chưa biết chọn, sử dụng phương pháp lai tốt nhất; chưa quan tâm đến việc ghi chép sổ sách, theo dõi trong phối giống, luân chuyển dê đực để tránh cận huyết; chưa chủ động tham gia chuỗi liên kết nên ảnh hưởng khá nhiều đến chất lượng dê thịt, ảnh hưởng không nhỏ thu nhập, làm giảm hiệu quả kinh tế.
Năm 2022, từ nguồn vốn hỗ trợ của Trung tâm Khuyến nông Quốc gia, Trung tâm Khuyến nông tỉnh thực hiện dự án chăn nuôi sinh sản tại xã Bình An, dự án chọn 5 hộ có đủ điều kiện về chuồng trại, kinh nghiệm chăn nuôi dê để thực hiện mô hình, trong đó mỗi hộ được hỗ trợ 9 con dê cái và 1 con dê đực đều là giống dê boer lai và được đào tạo kỹ năng chăn nuôi và phòng bệnh cho dê. Qua 6 tháng thực hiện mô hình chăn nuôi, bước đầu đàn dê phát triển tốt. Dê thích nghi khí hậu, dê cái đã chuẩn bị đẻ lứa đầu tiên.
Ông Lý Hữu Chu, Trưởng thôn Tân Hoa, xã Bình An cho biết, gia đình đã duy trì chăn nuôi 10 con dê từ nhiều năm nay. Được dự án hỗ trợ thêm 10 con dê boer lai, gia đình đầu tư xây dựng chuồng trại chăn nuôi theo hướng bán chăn thả. Đến nay, đàn dê sinh trưởng và phát triển tốt.
Để cải tạo vóc dáng đàn dê, nâng cao hiệu quả kinh tế người chăn nuôi, huyện Lâm Bình đang đẩy mạnh công tác tuyên truyền, khuyến khích các hộ gia đình có điều kiện lợi thế phát triển nuôi dê hàng hóa. Đồng thời, tạo điều kiện để người dân tiếp cận các nguồn vốn ưu đãi, hỗ trợ liên kết tiêu thụ sản phẩm cho người dân.