Lâm Bình khắc phục thiếu nước trong sản xuất nông nghiệp
Xác định nước tưới có vai trò quan trọng trong sản xuất nông nghiệp, thời gian qua huyện Lâm Bình đã tập trung nguồn lực, lồng ghép các nguồn vốn để đầu tư các công trình thủy lợi và hệ thống kênh mương phục vụ sản xuất.
Ông Trần Văn Chung, Trưởng Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Lâm Bình cho biết: Tiêu chí thủy lợi là một tiêu chí khó đối với huyện bởi yêu cầu kinh phí đầu tư lớn, trong khi nguồn lực của địa phương hạn hẹp. Trước những khó khăn đó, huyện Lâm Bình xác định, cùng với nguồn vốn hỗ trợ của Nhà nước thì phải dựa vào nội lực của dân và cộng đồng. Nhờ đó, nhiều vùng sản xuất gặp khó khăn do không chủ động được nguồn nước, nhưng hiện nay hệ thống kênh mương đã cơ bản đáp ứng được nhu cầu sản xuất của nhân dân.
Anh Lò A Vụa, thôn Nà Co, xã Xuân Lập vẫn nhớ 3 sào ruộng trước cửa nhà trước đây trồng lúa đang đến giai đoạn làm đòng thì thiếu nước, anh phải bắc ống nứa lấy nước ở khe suối dẫn vào ruộng nhưng vì không đủ nước cho lúa nên năng suất thấp. Cuộc sống vốn đã khó khăn, trồng lúa thì năm được, năm mất nên gia đình cứ bữa đói, bữa no.
Người dân thôn Nà Kẹm, xã Khuôn Hà (Lâm Bình) tập trung lắp đặtkênh mương bằng bê tông đúc sẵn.
Thôn Khuổi Trang, xã Xuân Lập trước năm 2018, bà con trong thôn gặp rất nhiều khó khăn trong sản xuất nông nghiệp do không chủ động được nguồn nước tưới. Người dân trồng ngô, cấy lúa chỉ biết trông chờ vào tự nhiên, có năm nắng hạn cây trồng chết hết, có năm mưa lũ chỉ sau một đêm lại mất trắng. Chủ tịch UBND xã Xuân Lập Hoàng Văn Dềnh cho biết, thôn Khuổi Trang do không có đập thủy lợi để chứa nước phục vụ tưới tiêu nên việc bà con làm ra hạt gạo, bắp ngô thì nhọc vô cùng. Sau nhiều năm UBND xã đề xuất, kiến nghị lên cấp trên để xin kinh phí, đến cuối năm 2018, Khuổi Trang đã được xây dựng công trình thủy lợi. Đập Khuổi Trang được xây dựng cấp nước cho 15 ha lúa. Từ vụ xuân năm 2019 đến nay, lúa nhà nào cũng trĩu bông, thóc đầy bồ, bà con ai nấy đều vui mừng. Hiện xã đã hoàn thành tiêu chí thủy lợi trong xây dựng nông thôn mới.
Ở xã Lăng Can tuy nguồn nước tưới phục vụ sản xuất lúa có thuận hơn so với các xã Xuân Lập, Phúc Yên... nhưng khi trời khô hạn kéo dài cây trồng cũng bị hạn nặng, năng suất kém. Bà Nguyễn Thị Lầm, thôn Nà Khà, xã Lăng Can chia sẻ, những năm trước để trồng 300 m2 cây vụ đông, vụ xuân, 2 vợ chồng bà phải gánh nước từ suối lên ruộng tưới cho ngô và rau màu từ 2 giờ chiều đến tối muộn mới xong. Từ ngày có hệ thống kênh mương đúc sẵn lắp đặt thì việc cấp nước phục vụ cho sản xuất của xã cũng thuận tiện hơn.
Thực hiện Nghị quyết 03 của HĐND tỉnh, năm 2017 - 2018 xã Lăng Can được Nhà nước hỗ trợ cấu kiện bê tông đúc sẵn lắp đặt hơn 4 km kênh mương nội đồng. Ngay khi nhận được vật tư, UBND xã đã giao đến từng thôn và vận động nhân dân các thôn đóng góp ngày công lao động tập trung lắp đặt. Bà Quàng Thị Xuân, thôn Nà Mèn, xã Lăng Can phấn khởi bảo, hệ thống mương lắp đặt bằng bê tông đúc sẵn đã phát huy hiệu quả tốt, dẫn nước nhanh, dễ nạo vét đất bồi lắng ở lòng mương. Nhờ vậy, 700 m2 đất lúa 2 vụ năm nào cũng có năng suất cao.
Để nâng cao giá trị sản xuất nông nghiệp, huyện đã triển khai các cơ chế, chính sách của tỉnh và huy động sự vào cuộc của người dân xây dựng hệ thống thủy lợi. Toàn huyện hiện có trên 150 công trình thủy lợi gồm hồ chứa, đập xây, đập rọ thép để tưới, tiêu nước phục vụ sản xuất nông nghiệp. Giai đoạn 2011 - 2015 toàn huyện kiên cố được 40/95 km kênh mương. Thực hiện Nghị quyết số 03 của Hội đồng nhân dân tỉnh, từ năm 2016 đến nay hệ thống kênh mương nội đồng được kiên cố hóa đạt 88,2%. Huyện có 8/8 xã hoàn thành tiêu chí thủy lợi theo bộ tiêu chí quốc gia về xây dựng nông thôn mới. Nhờ vậy, năng suất lúa của huyện ngày càng cao, năm 2019 đạt 58 - 59 tạ/ha, tăng từ 3 - 5 tạ/ha so với giai đoạn 2011 - 2015.