Lâm Bình liên kết nuôi dê theo chuỗi giá trị gắn với tiêu thụ sản phẩm
Liên kết sản xuất gắn với tiêu thụ sản phẩm có vai trò quan trọng trong phát triển nông nghiệp. Vì vậy, những năm gần đây, huyện Lâm Bình đẩy mạnh thực hiện dự án nuôi dê liên kết theo chuỗi giá trị gắn với tiêu thụ sản phẩm, góp phần nâng cao thu nhập, cải thiện đời sống nhân dân.
Ông Trần Văn Chung, Trưởng Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện cho biết, để phát triển đàn dê đặc sản của địa phương, giai đoạn 2016 - 2020, huyện Lâm Bình đã lồng ghép các nguồn vốn 135, 30a, nguồn vốn xây dựng nông thôn mới để xây dựng các mô hình chăn nuôi dê tại các xã Thổ Bình, Thượng Lâm, Khuôn Hà, Lăng Can, Bình An, Hồng Quang, Phúc Yên với tổng kinh phí hơn 1 tỷ đồng. Tổng đàn dê người dân được hỗ trợ là gần 700 con. Các hộ, nhóm hộ tham gia dự án được các cơ quan chuyên môn của huyện tập huấn kỹ thuật chăm sóc, phòng trừ dịch bệnh. Dự án góp phần phát triển đàn dê và nâng cao chất lượng sản phẩm, hàng hóa đặc sản của địa phương.
Xã Thổ Bình có tổng đàn dê nhiều nhất huyện. Toàn xã hiện có hơn 700 con, tập trung nhiều ở các thôn Nà Vài, Vằng Áng, Bản Pước… Ông Vi Văn Sự, Chủ tịch UBND xã cho biết, dê Thổ Bình được chăn thả hoàn toàn tự nhiên trên đỉnh núi Phia Khan đã có tiếng với giới sành ăn lâu nay bởi chất lượng thịt thơm ngon. Tuy nhiên, do người chăn nuôi chủ yếu tự tìm nguồn con giống, tự tìm đầu ra nên tương đối bấp bênh. Từ năm 2017, HTX Nông - Lâm nghiệp Thổ Bình đã đứng ra thực hiện chuỗi liên kết, cung ứng con giống và bao tiêu toàn bộ sản phẩm nên được nhiều người biết đến và đặt hàng. Số lượng đàn 300 con giống ban đầu, giờ đã tăng lên hơn gấp đôi. HTX đã nhận được nhiều đơn đặt hàng của các nhà hàng ở thị trường huyện Hàm Yên, Ninh Bình, Hải Phòng. Hiện HTX đang xây dựng lò mổ để cung cấp sản phẩm cho người tiêu dùng trong và ngoài tỉnh, đồng thời, phối hợp với các đơn vị liên quan hoàn thiện các thủ tục để xây dựng thương hiệu “Dê núi Thổ Bình”.
Anh Ma Công Tuấn, thôn Bản Phú, xã Thổ Bình là người đi đầu trong phong trào nuôi dê với số lượng từ 30 - 40 con. Anh Tuấn cho biết, nghề nuôi dê đã theo gia đình gần 4 năm nay. Nuôi dê đã cho cuộc sống gia đình anh khấm khá hơn. Tính trung bình, mỗi con dê 1 năm đẻ 2 lứa, mỗi lứa được 2 con; với giá bán dê thịt hiện nay hơn 100 nghìn đồng/kg, mỗi tháng gia đình anh thu được 8 triệu đồng. Dê của gia đình đến tuổi xuất bán còn được HTX bao tiêu nên không lo về đầu ra.
Năm 2018, từ nguồn vốn Chương trình 30a, UBND xã Lăng Can có 21 hộ được hỗ trợ phát triển chăn nuôi dê sinh sản với tổng số 75 con dê, nâng tổng đàn dê toàn xã lên hơn 400 con. Ngay khi được hỗ trợ, xã Lăng Can đã hướng dẫn người dân cách chăm sóc và phòng trừ bệnh cho đàn dê, nhờ vậy đàn dê sinh trưởng, phát triển tốt và tạo việc làm, thu nhập cho người dân. Chị Nguyễn Thị Hiểm, thôn Nặm Đíp, xã Lăng Can cho biết, nhờ có nguồn vốn hỗ trợ của Nhà nước mà gia đình chị được hỗ trợ 4 con dê cái, nay đã sinh sản thêm được 4 con. Hiện cả đàn dê trị giá 20 - 30 triệu đồng của gia đình chị vẫn khỏe mạnh, phát triển tốt.
Toàn huyện Lâm Bình hiện có trên 4.600 con dê, đang phát triển tốt. Theo đánh giá của người nông dân chăn nuôi dê, mức đầu tư cho dê chi phí thấp, thức ăn chỉ là cây cỏ, lá tự nhiên; địa bàn huyện có nhiều núi đá nên rất thích hợp với việc nuôi dê. HTX Nông - Lâm nghiệp Thổ Bình thu mua bán ra thị trường ngoài tỉnh, mỗi tuần bán 8 - 10 con và số dê trên địa bàn huyện chưa đủ cho HTX thu mua và tiêu thụ.
Thời gian tới, huyện khuyến khích người dân nhân đàn và phát triển theo hướng trang trại, gia trại. Đồng thời, lồng ghép các nguồn vốn để đầu tư, hỗ trợ người dân phát triển chăn nuôi dê đảm bảo chất lượng, đáp ứng nhu cầu của khách hàng. Từ đó, từng bước giúp người dân trên địa bàn huyện vươn lên thoát nghèo, làm giàu hiệu quả.