Lâm Bình nhiều giải pháp tạo việc làm cho người lao động

Thời gian qua, công tác đào tạo nghề, giải quyết việc làm cho lao động nông thôn luôn được cấp ủy, chính quyền các ngành, đoàn thể của huyện Lâm Bình đặc biệt quan tâm. Qua đó, góp phần nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, giải quyết việc làm cho lao động, giúp người dân cải thiện đời sống và thoát nghèo bền vững.

Đại diện các hộ làm dịch vụ homestay và đầu bếp các trường học tham gia lớp học nghề chế biến món ăn do huyện Lâm Bình tổ chức.

Đại diện các hộ làm dịch vụ homestay và đầu bếp các trường học tham gia lớp học nghề chế biến món ăn do huyện Lâm Bình tổ chức.

Để công tác đào tạo nghề phát huy hiệu quả, UBND huyện đã chỉ đạo Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Phòng Lao động - Thương binh và Xã hội và Trung tâm Giáo dục nghề nghiệp - Giáo dục thường xuyên huyện chủ động phối hợp chặt chẽ với cấp ủy, chính quyền các xã, các tổ chức chính trị - xã hội rà soát, thống kê nhu cầu học nghề theo từng lĩnh vực cụ thể; xây dựng kế hoạch đào tạo, dạy nghề dựa trên nhu cầu thực tế của người lao động. Trong đó, đặc biệt quan tâm và ưu tiên các đối tượng lao động là đồng bào dân tộc thiểu số chưa qua đào tạo nghề thuộc các xã, thôn vùng cao, vùng đặc biệt khó khăn.

“Cầm tay chỉ việc” là cách làm chủ yếu trong công tác dạy nghề trên địa bàn huyện trong nhiều năm qua đã được huyện thực hiện có hiệu quả. Từ đầu năm đến nay, huyện hoàn thành tổ chức 6 lớp dạy nghề cho lao động nông thôn với gần 300 học viên, đạt 85,71% kế hoạch năm. Ngoài ra, tổ chức trên 10 lớp tập huấn, chuyển giao kỹ thuật tại các xã, thu hút đông đảo người dân tham gia. Sau khi học nghề, nhiều lao động đã áp dụng có hiệu quả vào thực tế, từ đó đã xây dựng được các mô hình sản xuất hiệu quả.

Bà Vũ Thị Hồng, thôn Nà Cọn, xã Thổ Bình, một học viên tham dự lớp dạy nghề chăn nuôi chia sẻ, trước kia gia đình bà chăn nuôi lợn chỉ theo kinh nghiệm, vì vậy có lần để xảy ra dịch bệnh gây thiệt hại về kinh tế. Hiện gia đình bà thường xuyên duy trì 40 - 60 con lợn thịt và 2 con lợn nái sinh sản. Dự kiến sẽ tăng đàn trong thời gian tới. Được tham gia lớp học nghề, bà đã nắm được những biểu hiện bệnh thường xuất hiện ở gia súc, gia cầm và cách sử dụng thuốc, tiêm đúng liều, đúng cách. Nhờ đó, đàn lợn phát triển tốt, mang lại thu nhập ổn định cho gia đình.

Bên cạnh đó, để hỗ trợ giải quyết việc làm cho người lao động, huyện đã đẩy mạnh công tác thông tin thị trường lao động, liên kết, tìm hiểu nhu cầu tuyển dụng của doanh nghiệp; phối hợp với các trung tâm, trường đào tạo nghề trong tỉnh để tổ chức các lớp đào tạo nghề phù hợp với nhu cầu của doanh nghiệp. Đồng chí Nguyễn Văn Hiền, Phó Chủ tịch UBND huyện Lâm Bình cho biết, huyện đã chỉ đạo ngành chuyên môn liên hệ với các đơn vị, doanh nghiệp trên địa bàn bố trí cho học viên thực hành, gắn với liên kết tìm đầu ra cho người học sau khi tốt nghiệp... Với cách làm này, sau khi được đào tạo, đã có rất nhiều lao động tìm được việc làm phù hợp. Các doanh nghiệp có nhu cầu tuyển dụng lao động đã qua đào tạo cũng hài lòng với nguồn nhân lực được tuyển dụng. Từ đầu năm đến nay, huyện đã tạo việc làm cho 554 người lao động đi làm việc tại các công ty trong nước, đạt 66% kế hoạch năm và 6 người đi xuất khẩu lao động.

Thời gian tới, huyện sẽ tiếp tục tập trung nâng cao chất lượng đào tạo nghề; tăng cường liên kết với các doanh nghiệp trong và ngoài tỉnh. Từ đó, nâng cao chất lượng đào tạo nghề, tạo việc làm ổn định cho người lao động, góp phần phát triển kinh tế - xã hội trên địa bàn.

Bài, ảnh: Minh hoa

Nguồn Tuyên Quang: http://www.baotuyenquang.com.vn/xa-hoi/cuoc-song/lam-binh-nhieu-giai-phap-tao-viec-lam-cho-nguoi-lao-dong-122257.html