Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên làm việc với Đại sứ các nước Pháp, Hoa Kỳ và Nhật Bản
Chiều 13/9, Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên chủ trì buổi làm việc với Đại sứ các nước: Pháp, Hoa Kỳ, Nhật Bản để bàn giải pháp gỡ khó cho các dự án điện.
Chiều 13/9/2024, tại trụ sở Bộ Công Thương, Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên đã chủ trì buổi làm việc với Đại sứ các nước: Pháp, Hoa Kỳ, Nhật Bản tại Việt Nam để trao đổi, thảo luận, đưa ra các giải pháp nhằm tháo gỡ khó khăn cho các Dự án nhà máy nhiệt điện Sơn Mỹ I và Sơn Mỹ II.
Cùng tham dự buổi làm việc, về phía Bộ Công Thương còn có lãnh đạo các Cục, Vụ chức năng: Cục Điện lực và Năng lượng tái tạo, Cục Điều tiết điện lực, Vụ Dầu khí và Than, Vụ thị trường châu Âu - châu Mỹ, Vụ Thị trường châu Á - châu Phi, Văn phòng Bộ...
Mở đầu buổi làm việc, Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên cho biết, Quy hoạch điện VIII đặt ra mục tiêu đến năm 2030, tổng công suất các nhà máy điện phục vụ nhu cầu trong nước là 150.489 MW (không bao gồm nhập khẩu, điện mặt trời mái nhà tự dùng, năng lượng tái tạo để sản xuất năng lượng mới) và định hướng đến năm 2050, tổng công suất các nhà máy điện cần đạt 490.529 - 573.129MW.
Trong đó, cơ cấu nguồn nhiệt điện khí trong nước và nhiệt điện khí hóa lỏng (LNG) đến năm 2030 sẽ đạt 37.330MW, tương ứng 24,8% tổng công suất nguồn điện (nhiệt điện khí trong nước chiếm 9,9% và nhiệt điện LNG chiếm 14,9%), chiếm tỷ trọng lớn nhất trong cơ cấu nguồn điện. Trong khi, nhiệt điện than, thủy điện, điện gió trên bờ và ngoài khơi lần lượt chỉ còn chiếm tỷ trọng là 20%, 19,5% và 18,5%.
Thời gian qua, Chính phủ Việt Nam cũng xác định vai trò quan trọng của việc phát triển điện khí và việc đưa điện khí vào sử dụng còn phù hợp với cam kết của Chính phủ tại COP26 về xu hướng sử dụng nhiên liệu giảm phát thải ròng bằng 0 vào 2050.
Cũng theo Quy hoạch điện VIII, hai Dự án nhà máy Nhiệt điện BOT Sơn Mỹ I và II sẽ vận hành thương mại vào năm 2027 và 2029. Hai dự án nhiệt điện này với tổng công suất 4.500 MW nằm trong khu công nghiệp Sơn Mỹ I, huyện Hàm Tân, tỉnh Bình Thuận. Như vậy, chỉ còn khoảng 3 đến 5 năm nữa để các dự án này đi vào hoạt động, nhưng hiện nay, vẫn còn nhiều tồn tại vướng mắc trong quá trình triển khai, vận hành các dự án.
Do vậy, tại buổi làm việc hôm nay, Bộ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Hồng Diên yêu cầu và đề nghị Đại sứ các nước Hoa Kỳ, Pháp, Nhật Bản... thẳng thắn trao đổi những vướng mắc, khó khăn và đề xuất các giải pháp để tháo gỡ khó khăn, tạo thuận lợi cho các dự án đi vào hoạt động đúng kế hoạch, để đảm bảo nguồn cung năng lượng cho Việt Nam cũng như đảm bảo các mục tiêu mà Việt Nam đã đặt ra.
Phát biểu tại buổi làm việc, Đại sứ Pháp tại Việt Nam Olivier Brochet đã gửi lời chia buồn sâu sắc đến Chính phủ Việt Nam cũng như những người dân Việt Nam đã và đang chịu ảnh hưởng nặng nề từ cơn bão số 3 và hoàn lưu của nó.
Đại sứ Olivier Brochet cho biết, Pháp, Hoa Kỳ và Nhật Bản đều là những đối tác chiến lược của Việt Nam, vì vậy “chúng tôi cam kết ủng hộ Việt Nam thực hiện mục tiêu mà các bạn đề ra, trong đó có mục tiêu giảm phát thải ròng bằng 0 vào năm 2050”.
Đại sứ Pháp tại Việt Nam cũng nhấn mạnh, Pháp, Hoa Kỳ và Nhật Bản cũng nằm trong nhóm các nước cam kết Thỏa thuận hợp tác chuyển dịch năng lượng công bằng (JEPT) và hiện nay các cơ quan năng lượng của 3 nước đang hoạt động tích cực tại Việt Nam góp phần giúp Việt Nam đảm bảo quá trình chuyển dịch năng lượng.
Hai Dự án Nhà máy Sơn Mỹ I và Nhà máy Sơn Mỹ II là các dự án quan trọng, vì vậy, Đại sứ Pháp tại Việt Nam cam kết sẽ đồng hành cùng Việt Nam trong quá trình xây dựng và đi đến vận hành. Tuy nhiên, Đại sứ kiến nghị Chính phủ Việt Nam cũng như Bộ Công Thương cần tháo gỡ những khó khăn hiện có tại hai dự án này, đó là về giá điện khí, về đầu tư… Những khó khăn tại hai dự án này là tương tự nhau.
Tương tự, Đại sứ Hoa Kỳ tại Việt Nam Marc Knapper cũng cho biết, Hoa Kỳ, Pháp, Nhật Bản đều là những thành viên đối tác của JEPT, do vậy, Hoa Kỳ cam kết ủng hộ mạnh mẽ Việt Nam theo đuổi mục tiêu đạt phát thải ròng bằng 0 vào 2050. Hoa Kỳ tin tưởng quá trình chuyển dịch năng lượng của Việt Nam, trong đó, điện khí đóng vai trò vô cùng quan trọng, vì vậy cần đẩy nhanh quá trình tháo gỡ khó khăn, tận dụng được lợi thế từ các dự án nhà máy Sơn Mỹ I và II.
Đại sứ Nhật Bản cũng khẳng định tầm quan trọng của hai Dự án nhiệt điện Sơn Mỹ I và Nhiệt điện Sơn Mỹ II trong việc đảm bảo nguồn cung năng lượng, điện của Việt Nam và đảm bảo thực hiện mục tiêu giảm phát thải ròng bằng 0 vào năm 2050, hoàn thành mục tiêu khi tham gia JEPT và đảm bảo mục tiêu “Cộng đồng châu Á phát thải ròng bằng 0” do Nhật Bản sáng lập....
Báo Công Thương sẽ tiếp tục cập nhật thông tin về buổi làm việc...