Lâm Bình phát triển rau đặc sản

Theo Đề án phát triển cây trồng, vật nuôi đặc sản của địa phương do UBND huyện Lâm Bình thực hiện, bắt đầu từ năm 2016, huyện triển khai dự án trồng rau bò khai, rau ngót rừng và giảo cổ lam tại các thôn Khau Đao (Thượng Lâm); Nặm Chá, Nặm Đíp (Lăng Can); Lung Luông, Nà Chúc (Hồng Quang), Bản Phú (Thổ Bình)... với 8,4 ha. Trong đó, diện tích rau bò khai là 4 ha, rau ngót rừng là 1,6 ha, còn lại là giảo cổ lam.

Thực hiện đề án, huyện đã chỉ đạo các địa phương xây dựng kế hoạch rà soát điều kiện thực tế và giao chỉ tiêu cụ thể cho các thôn, bản, hộ gia đình thực hiện làm thí điểm trước, nếu có hiệu quả sau đó mới nhân ra diện rộng. Từ cách làm này, các địa phương đã nhận được sự đồng tình, hưởng ứng của các hộ gia đình cùng tham gia thực hiện đề án. Điển hình có gia đình ông Ma Văn Kiệm, thôn Nà Chúc, xã Hồng Quang đã tiên phong tham gia thực hiện thí điểm mô hình trồng giảo cổ lam. Ông Kiệm chia sẻ, sẵn có điều kiện lợi thế về đất vườn rừng, nên ông đăng ký trồng thử nghiệm 500 gốc giảo cổ lam. Sau 5 tháng trồng thử nghiệm, cây trồng phát triển tốt nên ông tiếp tục duy trì phát triển. Ông Kiệm bảo, ông vừa thu hoạch được hơn 3 tạ rau giảo cổ lam, bán với giá từ 7.000 - 10.000 đồng/kg tùy từng thời điểm, thu được gần 3 triệu đồng. Một năm thu hoạch đều được 4 lứa.

Gia đình ông Chẩu Văn Lợi, thôn Nà Lung, xã Thượng Lâm (Lâm Bình)trồng rau bò khai tăng thêm thu nhập.

Từ hiệu quả mô hình của gia đình ông Kiệm, xã Hồng Quang đã nhân rộng mô hình trồng giảo cổ lam với 11 hộ tham gia với tổng diện tích 1,5 ha. Các hộ tham gia trồng được hỗ trợ 16.000 cây giống và có thêm thu nhập cải thiện cuộc sống, đồng thời đáp ứng nhu cầu thưởng thức các món ăn đặc sản của khách du lịch trên địa bàn huyện. Hiện, mô hình trồng rau giảo cổ lam còn được triển khai ở một số xã Lăng Can, Xuân Lập, Thổ Bình, Bình An. Tổng diện tích toàn huyện đạt gần 5 ha.

Đối với cây rau bò khai, từ năm 2016 đến nay, toàn huyện đã phát triển được gần 20 ha, đạt 131,5% kế hoạch đề ra. Trong đó, tập trung nhiều ở xã Lăng Can và Thượng Lâm. Đồng chí Ma Ngọc Trường, Bí thư Đảng ủy xã Lăng Can chia sẻ, cây bò khai trước đây bà con chưa chú trọng trồng, chỉ coi như cây dại. Thực hiện Đề án phát triển cây trồng đặc sản, chính quyền địa phương đã vào cuộc tuyên truyền, vận động nhân dân tập trung phát triển loại rau này phục vụ sản xuất hàng hóa. Hiện toàn xã đã trồng được 10,08 ha, đáp ứng nhu cầu thị trường. Rau bò khai được thu hoạch từ tháng 2 đến tháng 9 âm lịch, bán với giá 40 - 50 nghìn đồng/kg, góp phần cải thiện cuộc sống cho người dân.

Ông Hoàng Ngọc Chỉ, thôn Nặm Đíp, xã Lăng Can cho biết, năm 2018, ông đã thực hiện chuyển đổi diện tích đất trồng ngô của gia đình sang trồng rau bò khai. Đến nay gia đình ông đã nhân rộng được gần 2.000 m2, trung bình mỗi vụ cho gia đình ông lãi từ 30 - 40 triệu đồng. Hiện, ông đã liên kết với các nhóm hộ cùng trồng rau bò khai để cung cấp cho các cơ sở homestay, nhà hàng kinh doanh dịch vụ.

Ông Trần Văn Chung, Trưởng Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện nhấn mạnh, trước nhu cầu của thị trường và sự phát triển của dịch vụ homestay tại địa phương, huyện tập trung các giải pháp hỗ trợ về cây giống, khuyến khích người dân cải tạo vườn tạp, mở rộng diện tích các loại rau đặc sản. Toàn huyện, hiện có gần 20 ha rau bò khai, 5 ha rau giảo cổ lam và gần 2 ha rau ngót rừng. Cuối năm 2019, huyện phát triển thêm 2 mô hình rau đặc sản nữa là rau Phăắc Hùng và rau Phăắc Bó, mỗi mô hình có quy mô 2.000 m2. Các mô hình góp phần đa dạng các sản phẩm rau đặc sản, thu hút khách du lịch, đồng thời nâng cao thu nhập cho người dân.

Bài, ảnh: Hải Hương

Nguồn Tuyên Quang: http://www.baotuyenquang.com.vn/kinh-te/nong-nghiep-nong-thon/lam-binh-phat-trien-rau-dac-san-134488.html