'Làm cha mẹ tích cực' để điều chỉnh hành vi lệch chuẩn của trẻ

Để khắc phục tình trạng ứng xử lệch chuẩn trong giới trẻ hiện nay, cần áp dụng nhiều giải pháp đồng bộ như nâng cao chất lượng giáo dục gia đình bằng cách truyền thông về phương pháp 'làm cha mẹ tích cực'.

PGS. TS. Trần Thành Nam cho rằng, cần nâng cao chất lượng giáo dục gia đình bằng cách truyền thông về phương pháp "làm cha mẹ tích cực". (Ảnh: NVCC)

PGS. TS. Trần Thành Nam cho rằng, cần nâng cao chất lượng giáo dục gia đình bằng cách truyền thông về phương pháp "làm cha mẹ tích cực". (Ảnh: NVCC)

Thực trạng ứng xử lệch chuẩn của người trẻ hiện nay

Hành vi lệch chuẩn được hiểu là những hành vi đi ngược lại chuẩn mực, quy định của cộng đồng. Nó có thể được chia thành hai loại là hành vi lầm lạc và hành vi không theo khuôn phép.

Hành vi lầm lạc chỉ sự sai lệch khỏi cái đã được coi là bình thường và đúng đắn. Những người thực hiện hành vi này không có ý thay đổi giá trị của chuẩn mực mà đơn giản chỉ là sự vi phạm chuẩn mực vì những mục đích cá nhân mà thôi.

Trái lại, hành vi không theo khuôn phép được thực hiện với mục đích thay đổi những chuẩn mực mà cá nhân phủ định trên thực tế. Họ muốn thay thế chuẩn mực cũ bằng chuẩn mực mới, cái mà họ tin tưởng là đúng đắn hơn. Vì thế, nếu những người có hành vi lầm lạc thường cố ý che giấu hành vi của mình thì những người thực hiện hành vi không theo khuôn phép lại công khai thể hiện giá trị của chuẩn mực mới.

Ở nước ta giai đoạn hiện nay, cùng với những tiến bộ xã hội nhất định đạt được nhờ quá trình đổi mới toàn diện cũng nảy sinh những tệ nạn xã hội như buôn bán và nghiện ma túy, mại dâm, buôn lậu, tham nhũng, tội phạm hình sự...

Mặc dù đã có nhiều biện pháp để quản lý tình trạng trên nhưng thực tế, các tệ nạn xã hội ngày càng diễn ra trên phạm vi rộng và tinh vi hơn. Nhiều nghiên cứu xã hội đề ra những phương hướng quản lý, giải pháp mang tính hiệu quả cao dường như vẫn còn ít ỏi.

Có rất nhiều nguyên nhân dẫn đến tình trạng ứng xử lệch chuẩn trong giới trẻ.

Trước hết, có thể kể đến đặc điểm nhân cách cá nhân. Nghiên cứu về đặc điểm nhân cách tội phạm trong nhiều năm cho thấy, họ có lịch sử vi phạm các chuẩn mực xã hội từ khi còn nhỏ. Phân tích sâu về mặt tâm lý, những cá nhân này chưa đạt đến được giai đoạn lập luận trí tuệ logic tương đương với tuổi trưởng thành. Vì vậy, về cơ bản, họ thiếu nhận thức về hậu quả của hành động, đặc biệt là vô cảm, không có khả năng đặt mình vào hoàn cảnh của người khác để cảm nhận về những hệ quả hành vi họ gây ra. Mặc dù có thể gây ra hệ quả nghiêm trọng nhưng trong tâm trí những người này luôn biện minh rằng người khác làm trầm trọng hóa nó lên.

Thứ đến là tác động của bạo lực và những hành vi lệch chuẩn trên truyền thông, mạng Internet. Môi trường mạng xã hội và truyền thông hiện nay cũng ngập tràn bạo lực và khiêu dâm. Việc tiếp xúc với những cảnh bạo lực, khiêu dâm trên phim ảnh, mạng xã hội có thể tác động rất lớn đến hành vi của trẻ.

Video game bạo lực và khiêu dâm cũng là một vấn nạn dẫn đến bạo lực. Video game làm tăng mức độ suy nghĩ và cảm giác bạo lực và giảm thiểu các hành vi thấu hiểu, thông cảm đến người khác. Đặc biệt, nếu trẻ em bị cuốn hút, lôi kéo vào những game bạo lực có thể tiềm ẩn những tác hại. Đối với trẻ ở độ tuổi vị thành niên, cơ thể phát triển nhanh, trong khi về tâm lý còn rất non nớt, đang chuyển đổi, chưa có nhiều kinh nghiệm trong ứng xử, lại rất dễ bị lôi kéo, học theo và làm theo các dẫn dụ của game, trò chơi bạo lực.

Nhiều trẻ bị lôi cuốn, đam mê chơi trò chơi bạo lực và khi bị ảnh hưởng bởi những những hình ảnh này trẻ có thể trở nên hung hăng hơn, dễ trở thành thủ phạm hoặc nạn nhân của những hành vi bạo lực ngoài đời. Một số các em bị nghiện game còn gánh chịu những hậu quả nặng nề về mặt tinh thần. Trẻ ít tham gia vào hoạt động xã hội, ít giao tiếp với mọi người dẫn đến bị cô lập và cảm thấy cô đơn, không có bạn bè.

Có thể nói, việc tiếp xúc nhiều cảnh bạo lực trên phim ảnh, Internet và video game trong một khoảng thời gian dài dẫn đến quy tắc ứng xử (đạo đức) và lý trí bị tê liệt. Người xem mất phản xạ kiềm chế khiến cho hành vi bạo lực xảy ra nhiều hơn và dễ dàng hơn.

Giới trẻ hiện nay cũng có xu hướng lạm dụng rượu bia và các chất gây nghiện nhiều hơn. Rất nhiều hành vi lệch chuẩn xã hội được thực hiện dưới ảnh hưởng chất gây nghiện phổ biến trong đó có rượu, ma túy hoặc các chất cấm khác.

Rượu bia cũng làm tăng mức độ nhạy cảm đối với những gì được coi là xúc phạm hay coi thường và góp phần tạo ra hành vi bạo lực thiếu kiểm soát. Hiện ở Việt Nam, không giới hạn độ tuổi với người mua rượu bia. Thực tế, nghiện nghập cũng đẩy thanh thiếu niên lún sâu vào những áp lực tài chính và phải thực hiện nhiều hành vi lệch chuẩn khác nữa.

Kỷ luật tích cực tạo ra môi trường khích lệ, hỗ trợ tích cực cho học sinh. (Ảnh minh họa: Internet)

Kỷ luật tích cực tạo ra môi trường khích lệ, hỗ trợ tích cực cho học sinh. (Ảnh minh họa: Internet)

Giáo dục gia đình có vai trò quan trọng

Có thể nói, giáo dục gia đình có vai trò cực kỳ quan trọng. Cha mẹ của trẻ vi phạm chuẩn mực thường sử dụng bạo lực để giáo dục con cái. Họ cũng thường vi phạm những chuẩn mực khác trong cuộc sống hằng ngày như chửi bậy, vi phạm luật giao thông...

Những mẫu hành vi bạo lực, vi phạm chuẩn mực của cha mẹ trong sinh hoạt hằng ngày đã làm cho trẻ chấp nhận rằng, bạo lực là điều bình thường giữa người với người. Hành vi bạo lực và thiếu chuẩn mực của cha mẹ được nhập tâm thành những khuôn mẫu hành vi của trẻ.

Do hành xử bạo lực và thiếu chuẩn mực, trẻ không được các bạn đồng trang lứa chấp nhận, dẫn đến thiếu hụt môi trường rèn luyện kỹ năng như kỹ năng nhận diện và diễn giải vấn đề một cách khách quan; kỹ năng giải quyết vấn đề linh hoạt; kỹ năng nhận diện cảm xúc người khác.

"Tăng cường phối hợp các bên để quản lý các nội dung độc hại trên truyền thông, trên mạng xã hội và Internet. Cần có các khóa học về kỹ năng sống an toàn trên Internet trong trường học, phòng chống bắt nạt, quấy rối trên không gian mạng và qua các phương tiện công nghệ".

Trẻ sẽ tiếp tục quy gán hành vi của người khác mang tính thù địch và hành động kiểu trả thù. Bước vào giai đoạn dậy thì, đứng trước những thay đổi về sinh lý cơ thể và bất ổn về tâm lý, trẻ rất cần sự quan tâm, chỉ bảo và giám sát của người lớn.

Đáng ra, cha mẹ cần quan tâm hơn, dành thời gian hơn cho trẻ lúc này nhưng thực tế cho thấy đây là thời điểm cha mẹ buông lỏng việc quản lý con cái nhiều nhất. Đặc biệt, đối với phụ huynh có con với nhiều vấn đề hành vi và thất bại học đường. Vì quá mệt mỏi sau nhiều năm quản lý hà khắc mà không có kết quả, cha mẹ đến thời điểm này thường buông xuôi, mặc kệ cho con muốn làm gì thì làm.

Nhiều bậc cha mẹ còn tránh né các tình huống phải đối mặt hay nói chuyện với trẻ để cảm thấy được nghỉ ngơi, cảm thấy không bận đầu bởi các lỗi hành vi các em gây ra. Nhưng cách ứng xử đó càng làm cho trẻ cảm thấy thù ghét gia đình, thù ghét trường học và những người bạn học luôn coi thường trẻ. Chúng sẽ tiếp tục hành xử theo cách vi phạm chuẩn mực.

Định hướng hành vi cho giới trẻ

Vấn đề đặt ra, cần những giải pháp nào có thể giúp định hướng lại hành vi và tư duy của giới trẻ, nhằm giảm thiểu tình trạng lệch chuẩn? Theo tôi, để khắc phục tình trạng ứng xử lệch chuẩn trong giới trẻ hiện nay, cần áp dụng nhiều giải pháp đồng bộ.

Thứ nhất, nâng cao chất lượng giáo dục gia đình bằng cách truyền thông về phương pháp làm cha mẹ tích cực. Tương tự, giáo viên cũng cần được học kỹ năng quản lý lớp học hiệu quả và chiến lược kỷ luật tích cực.

Thứ hai, cần có các chế tài đưa việc dạy người trở lại đúng vị thế của nó. Đơn cử là cần có những hành động cụ thể để lấy lại vị thế của môn Giáo dục công dân, Giáo dục giá trị sống, kỹ năng sống trong chương trình giáo dục phổ thông để tác động vào các yếu tố tâm lý cá nhân tiêu cực.

Thứ ba, phải có chế tài kiểm soát và xử phạt nghiêm minh với những trường hợp tàng trữ, vận chuyển, buôn bán chất cấm. Cần sớm có quy định quản lý người trẻ tuổi tiếp cận với các chất có cồn.

Thứ tư, cần quan tâm phát triển hệ thống chăm sóc sức khỏe tâm thần trong cộng đồng gồm các bác sĩ, nhà tâm lý lâm sàng, chuyên gia tham vấn tâm lý và nhân viên công tác xã hội. Xây dựng mã nghề và xác định vị trí cho các nhà tâm lý học trong bệnh viện, trường học, tổ chức để kịp thời sàng lọc, phát hiện và can thiệp những cá nhân tổn thương sức khỏe tâm thần.

Thứ năm, tăng cường phối hợp các bên để quản lý những nội dung độc hại trên truyền thông, mạng xã hội và Internet. Cần có các khóa học về kỹ năng sống an toàn trên Internet trong trường học, phòng chống bắt nạt, quấy rối trên không gian mạng và qua các phương tiện công nghệ.

PGS. TS. Trần Thành Nam

Nguồn TG&VN: https://baoquocte.vn/lam-cha-me-tich-cuc-de-dieu-chinh-hanh-vi-lech-chuan-cua-tre-290254.html