Tin vui cho sĩ tử

Nhiều công việc quan trọng chuẩn bị cho Kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2025 (Kỳ thi) đã được triển khai.

Ảnh minh họa ITN.

Ảnh minh họa ITN.

Theo đó, Bộ GD&ĐT sớm ban hành quy định cấu trúc định dạng đề thi; xây dựng kế hoạch tổ chức và công tác chuẩn bị cho Kỳ thi; tổ chức nhiều đợt tập huấn toàn quốc cho các chuyên gia, giảng viên, giáo viên cốt cán xây dựng ngân hàng câu hỏi.

Một số đợt xây dựng và thử nghiệm đề tham khảo cho Kỳ thi cũng được Bộ GD&ĐT triển khai ở cả 3 miền Bắc, Trung, Nam; có các hội đồng chuyên gia thực hiện đánh giá sản phẩm đề thi. Đặc biệt, mới đây Thủ tướng Chính phủ ban hành Chỉ thị về tăng cường công tác chỉ đạo, phối hợp, tổ chức Kỳ thi tốt nghiệp THPT và tuyển sinh ĐH, giáo dục nghề nghiệp năm 2025.

Đề là khâu trọng yếu trong khối lượng rất nhiều công việc của Kỳ thi. Trong Chỉ thị của Thủ tướng Chính phủ, nội dung này được giao cho Bộ GD&ĐT với yêu cầu tổ chức xây dựng đề thi bảo đảm chất lượng, bảo mật, an toàn, có độ phân hóa đáp ứng yêu cầu của Kỳ thi và tuyển sinh. Rà soát, hoàn thiện các quy trình, quy định bảo đảm chặt chẽ các khâu, bước trong công tác xây dựng đề và ngân hàng câu hỏi thi.

Đặc biệt, Chỉ thị của Thủ tướng cũng nhấn mạnh nội dung xây dựng và sớm công bố đề thi tham khảo có tính ổn định trong nhiều năm để các nhà trường, giáo viên, học sinh chủ động trong hoạt động ôn tập, dạy và học. Theo kế hoạch của Bộ GD&ĐT, đề tham khảo dự kiến được công bố trong tháng 10 này.

Thông tin sẽ có đề thi tham khảo bảo đảm ổn định nhiều năm là tin vui đối với học sinh, phụ huynh, nhà trường và đội ngũ giáo viên THPT, đặc biệt các môn lần đầu tiên xuất hiện trong Kỳ thi như Tin học và Công nghệ.

Nhiều thầy cô chia sẻ, dù định dạng, cấu trúc đề thi tốt nghiệp THPT từ năm 2025 đã được ban hành, nhưng cả thầy và trò còn lúng túng, chưa tự tin với kiến thức ôn tập khi bước vào lớp 12, vì đề mới chỉ có kiến thức lớp 10, lớp 11. Do đó, đề tham khảo vẫn được mong ngóng để nhà trường, giáo viên, học sinh có định hướng cụ thể hơn khi triển khai dạy học, ôn tập, hướng đến Kỳ thi đầu tiên theo Chương trình GDPT 2018...

Bên cạnh đó, những năm gần đây, đề tham khảo đều được Bộ GD&ĐT xây dựng, công bố mỗi năm. Lợi ích của việc này là có thêm nhiều nguồn tài nguyên cho giáo viên, học sinh; giáo viên có thể theo dõi diễn biến ra đề từng năm để rút kinh nghiệm và bổ sung nội dung ôn tập.

Tuy nhiên, việc năm nào cũng trông chờ đề thi minh họa có thể tạo sự thiếu chủ động trong triển khai hoạt động chuyên môn. Xây dựng đề minh họa dùng trong nhiều năm là điểm mới, giúp tiết kiệm nguồn lực, đồng thời tạo sự chủ động cần thiết cho mỗi nhà trường, giáo viên, học sinh; từ đó nâng cao chất lượng Kỳ thi.

Có thể thấy, trong chuẩn bị cho Kỳ thi tốt nghiệp THPT 2025, bên cạnh yêu cầu chu đáo, đầy đủ, cẩn trọng, Bộ GD&ĐT rất ưu tiên cho việc công bố sớm các thông tin, quy định để tạo điều kiện chủ động cao nhất cho cơ sở. Ngày thi được dự kiến ngay trong Kế hoạch thời gian năm học là một ví dụ.

Trong thời gian tới, công việc quan trọng của Bộ GD&ĐT và ngành Giáo dục địa phương là chỉ đạo, hướng dẫn, kiểm tra việc đổi mới phương pháp, tổ chức hoạt động dạy - học, ôn tập, kiểm tra, đánh giá đối với học sinh THPT, nhất là học sinh lớp 12 theo yêu cầu Chương trình GDPT 2018. Đồng thời, bảo đảm đầy đủ các yếu tố cần thiết phục vụ Kỳ thi, không để học sinh, giáo viên, nhà trường bị động, khó khăn khi tham gia, tổ chức Kỳ thi này.

Thảo Đan

Nguồn GD&TĐ: https://giaoducthoidai.vn/tin-vui-cho-si-tu-post704838.html