Làm chủ công nghệ để gia tăng năng suất

Theo ông Nguyễn Tùng Lâm, Viện trưởng Viện Năng suất Việt Nam, Ủy ban Tiêu chuẩn Đo lường Chất lượng Quốc gia, ứng dụng công nghệ hiện đại là giải pháp tối ưu nhằm nâng cao năng suất. Tuy nhiên, tại nhiều doanh nghiệp, năng lực quản trị của đội ngũ cán bộ doanh nghiệp vẫn chưa theo kịp tốc độ đổi mới về công nghệ, điều đó cho thấy, 'công nghệ vào rất nhanh nhưng năng lực để làm chủ công nghệ của chúng ta còn thấp'.

Gia tăng năng suất mang lại hiệu quả thiết thực đối với mỗi doanh nghiệp như giúp sản xuất nhanh hơn, chất lượng sản phẩm tốt hơn, giảm thiểu chi phí và tạo lợi thế cạnh tranh trên thị trường nội địa cũng như thế giới.

Nhìn rộng ra, một nền kinh tế có năng suất lao động cao nghĩa là nền kinh tế đó có thể sản xuất ra nhiều hàng hóa hoặc dịch vụ hơn với cùng một lượng đầu vào, hoặc sản xuất ra số lượng hàng hóa hoặc dịch vụ tương đương với lượng đầu vào ít hơn. Từ đó cải thiện đời sống của người dân, góp phần thúc đẩy và phát triển kinh tế - xã hội.

 Nhà máy Z129 đầu tư hệ thống máy công nghệ cao phục vụ sản xuất. Ảnh minh họa

Nhà máy Z129 đầu tư hệ thống máy công nghệ cao phục vụ sản xuất. Ảnh minh họa

Bàn đến các giải pháp gia tăng năng suất, giới chuyên gia đưa ra rất nhiều yếu tố. Và một trong những động lực chính thúc đẩy năng suất là ứng dụng công nghệ hiện đại. Đây được xem là quốc sách hàng đầu nhằm nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia.

Ví dụ đơn giản như đối với lĩnh vực nông nghiệp, nếu như trước kia người nông dân phải trải qua nhiều công đoạn để tạo nên hạt gạo như: gieo mạ, làm đất, cấy lúa, phun thuốc, gặt lúa, thì nay nhờ sự phát triển của công nghệ với máy cấy, máy gặt, máy phun thuốc,… mọi công việc đều trở nên nhẹ nhàng và năng suất lúa đã cao hơn rất nhiều.

Đối với lĩnh vực công nghiệp, ứng dụng robot, trí tuệ nhân tạo (AI) giúp cho quá trình sản xuất của doanh nghiệp trở nên chính xác, chuyên nghiệp, đóng góp cho xã hội giá trị cao hơn. Những công việc lặp đi lặp lại mang tính đơn thuần trong nhà máy dần bị thay thế, vì vậy mà người lao động buộc phải nâng cấp bản thân để tìm kiếm những cơ hội việc làm tốt hơn và tự tạo ra giá trị cho mình.

Có thể khẳng định, nâng cao năng suất nhờ ứng dụng công nghệ hiện đại là yếu tố cốt lõi trong xây dựng một xã hội bền vững và phát triển. Ông Nguyễn Tùng Lâm - Viện trưởng Viện Năng suất Việt Nam - Ủy ban Tiêu chuẩn Đo lường Chất lượng Quốc gia đánh giá, công nghệ chính là “xương sống” giúp doanh nghiệp phát triển và nâng cao năng suất lao động.

Tuy nhiên tại Việt Nam, bên cạnh các doanh nghiệp lớn đóng vai trò như “anh cả” trong cộng đồng doanh nghiệp với mức độ chuyên nghiệp hóa và ứng dụng công nghệ tiên tiến, thì nhiều doanh nghiệp nhỏ và vừa vẫn đang sử dụng những công nghệ lạc hậu từ nhiều năm trước hoặc sử dụng công nghệ đã tân trang dẫn đến năng suất lao động thấp.

Đặc biệt, nhiều doanh nghiệp vẫn còn hạn chế về quản trị công nghệ và năng lực quản trị của đội ngũ cán bộ doanh nghiệp vẫn chưa theo kịp tốc độ đổi mới về công nghệ. Ông Lâm cho rằng “công nghệ vào rất nhanh nhưng năng lực để làm chủ công nghệ của chúng ta còn thấp”. Vì vậy để khắc phục vấn đề trên thì yếu tố quan trọng vẫn là cần nâng cao năng lực của đội ngũ cán bộ doanh nghiệp.

Trong đó, năng lực công nghệ là khả năng doanh nghiệp triển khai các công nghệ hiện có một cách hiệu quả và ứng phó được với những thay đổi công nghệ. Một doanh nghiệp có năng lực công nghệ cao khi có đội ngũ cán bộ kỹ thuật giỏi, nhanh chóng nắm bắt và làm chủ công nghệ mới, đồng thời có thể cải tiến công nghệ cũ hay công nghệ nhập từ bên ngoài sao cho phù hợp với điều kiện của từng doanh nghiệp.

Thanh Tùng

Nguồn Đại Biểu Nhân Dân: https://daibieunhandan.vn/lam-chu-cong-nghe-de-gia-tang-nang-suat-post396906.html