Làm chủ kinh tế giúp phụ nữ nâng cao vị thế

Tự tin vươn lên làm chủ kinh tế, từng bước xóa đói, giảm nghèo, những người phụ nữ vùng đồng bào dân tộc thiểu số ở Quang Bình, Hà Giang đã từng bước nâng cao vị thế của mình.

Từ thị trấn huyện Quang Bình, Hà Giang, qua các con đường khúc khuỷu trên núi, chúng tôi đến xưởng sản xuất của chị Hủng Thị Dạng, ở thôn Thượng Bình, xã Yên Thành.

Trong trang phục màu đỏ rực rỡ của phụ nữ dân tộc Pà Thẻn, chị Hủng Thị Dạng mắt rạng ngời đón khách vào thăm khu xưởng sản xuất chè (trà) được dựng trên một quả đồi.

Thôn Thượng Bình, xã Yên Thành là một trong những vùng trồng chè nổi tiếng ở huyện Quang Bình nhưng ít người nắm vững kỹ năng chăm sóc, thu hoạch cũng như không biết cách nâng cao chất lượng búp chè. Bà con thường bán cho người buôn, giá cả rất thất thường. Để cải thiện chất lượng và thu nhập của người trồng chè, chị Dạng quyết định mở xưởng chế biến chè thành phẩm. Chị thường mời các chị em trong thôn đến xưởng chè để làm công, vừa làm, vừa trao đổi, chia sẻ kinh nghiệm.

Đầu năm 2023, chị tham gia dự án phát triển sinh kế do phụ nữ làm chủ mang tên “Nâng cao quyền năng kinh tế của phụ nữ ở Việt Nam” (AWEEV) do Chính phủ Canada hỗ trợ thông qua Tổ chức CARE tại Việt Nam nhằm nâng cao phúc lợi kinh tế cho phụ nữ dân tộc thiểu số.

Được hỗ trợ một phần chi phí và thiết bị chế biến cũng như đào tạo kỹ thuật để chế biến chè, chị Dạng đã sản xuất và bán được những mẻ chè khô chất lượng tốt với giá cao hơn trước 15%. Đến nay, xưởng trà của chị Dạng đã thu hút được nhiều chị em trong thôn tham gia cung cấp nguyên liệu và làm nhân công thu hái chè.

Chị Hủng Thị Dạng quay hình giới thiệu quy trình thu hái chè và đăng trên các nền tảng mạng xã hội để bán hàng. Ảnh: Quang Khánh.

Chị Hủng Thị Dạng quay hình giới thiệu quy trình thu hái chè và đăng trên các nền tảng mạng xã hội để bán hàng. Ảnh: Quang Khánh.

Để đưa sản phẩm đến với khách hàng, ngoài cách truyền thống là bán cho khách lẻ, đưa hàng xuống huyện hay các cửa hàng tạp hóa, chị Hủng Thị Dạng cũng bắt đầu làm quen với hình thức bán hàng online.

Giờ đây, người bạn thân thiết cùng chị trong mỗi chuyến lên núi hái chè, hay các công đoạn sao chè, đóng gói… chính là chiếc điện thoại thông minh. Giữa đồi chè bạt ngàn, chị Hủng Thị Dạng quay giới thiệu quy trình thu hái chè và đăng trên các nền tảng mạng xã hội để chào hàng. Mọi công đoạn đều được chị ghi lại, để chia sẻ cùng bạn bè, người tiêu dùng… về quy trình sản xuất chè của xưởng.

Tuy còn chút bỡ ngỡ, song chị Dạng cho biết, bán hàng online là hình thức hiệu quả để những người sản xuất tại vùng sâu, vùng xa như chị có thể tiếp cận và tương tác trực tiếp với khách hàng ở mọi miền tổ quốc. Từ đó, mở rộng thị trường và đầu ra cho sản phẩm chè nổi tiếng của quê mình.

Chị Nguyễn Thị Quyên, Chủ tịch Liên hiệp Phụ nữ huyện Quang Bình, cho biết, huyện có 6/15 xã nằm trong vùng dự án của CARE. Đây đều là những xã khó khăn, có những thôn, bản còn chưa có điện lưới.

Sau khi dự án của CARE triển khai đã tác động rất lớn đến việc phát triển phát triển kinh tế - xã hội trên địa bàn huyện, nhất là góp phần xóa đói giảm nghèo cho đồng bào dân tộc thiểu số. Năm 2022, tỷ lệ hộ nghèo toàn huyện là 15,08%; đến cuối 2023 giảm còn 9,24%. Tỷ lệ hộ cận nghèo năm 2022 là 11,32%, nay còn 7,83%.

Đặc biệt, dự án đã tác động tích cực đến cuộc sống của phụ nữ dân tộc thiểu số, giúp chị em hiện thực hóa ý tưởng kinh doanh, khởi nghiệp chị Quyên nhấn mạnh.

Bên cạnh đó, dự án hỗ trợ tư liệu sản xuất như máy thái chuối, bếp tiết kiệm củi, cải thiện cơ sở vật chất tại các điểm trường... đã giúp chị em giảm bớt thời gian làm việc nhà, chăm con và có thời gian làm kinh tế gia đình, chăm lo bản thân.

“Nhận thức của cộng đồng, của người đàn ông với người phụ nữ đã thay đổi rõ rệt. Từ những việc trước đây mặc định dành cho phụ nữ thì hiện nay đã có sự chia sẻ của các ông chồng”, chị Quyên cho biết.

Chị Hủng Thị Dạng cùng các chị em trong thôn thu hoạch chè. Ảnh: Quang Khánh

Chị Hủng Thị Dạng cùng các chị em trong thôn thu hoạch chè. Ảnh: Quang Khánh

Ông Nguyễn Đức Thành, quản lý các dự án phát triển của tổ chức CARE quốc tế tại Việt Nam cho biết, dự án Nâng cao quyền năng kinh tế của phụ nữ ở Việt Nam (AWEEV) hướng tới 2.635 phụ nữ và nam giới người dân tộc thiểu số ở 9 xã thuộc huyện Tam Đường (Lai Châu) và huyện Quang Bình (Hà Giang).

Điểm khác biệt của dự án là lấy phụ nữ làm trung tâm, xây dựng các mô hình kinh tế do chính chị em thảo luận, quyết định và lựa chọn đầu tư; phù hợp với điều kiện của từng địa bàn.

Dự án được thực hiện trong 4 năm, tại 3 xã của tỉnh Lai Châu và 6 xã của tỉnh Hà Giang, bắt đầu từ tháng 9.2021. Đến nay, dự án đã thành lập được 35 nhóm phát triển sinh kế với hơn 900 thành viên, hơn 90% là phụ nữ.

Cùng với đó, có 466 nam giới và phụ nữ dân tộc thiểu số được cải thiện kỹ thuật trồng chè theo chứng nhận của EU và Đài Loan. 706 nam giới và phụ nữ dân tộc thiểu số nâng cao năng lực về đa dạng hóa thu nhập thông qua việc tham gia vào 35 nhóm sinh kế ứng dụng các biện pháp canh tác, chăn nuôi có tính đến yếu tố môi trường và thích ứng với khí hậu. 7 mô hình sản xuất, kinh doanh do phụ nữ làm chủ đã được hỗ trợ vốn và kỹ thuật để phát triển.

Thời gian tới, dự án sẽ hỗ trợ trực tiếp Chương trình mục tiêu quốc gia về phát triển kinh tế - xã hội ở vùng miền núi và dân tộc thiểu số giai đoạn 2021-2030 (Nghị quyết số 88/2019/QH14), tập trung vào hỗ trợ sinh kế và cải thiện điều kiện sống của người dân tộc thiểu số tại 1.400 xã nghèo nhất cả nước. Dự án cũng sẽ trực tiếp góp phần thực hiện Chiến lược quốc gia về bình đẳng giới giai đoạn 2021-2030.

Vũ Quang

Nguồn Đại Biểu Nhân Dân: https://daibieunhandan.vn/doi-song/lam-chu-kinh-te-giup-phu-nu-nang-cao-vi-the-i385941/