Làm con chữ hiếu cho tròn

Trưa dịu mát, trời vào thu lại nghe tin báo bão, không gian dầm im tiếng. Mẹ anh vào ngủ, các con anh vào ngủ. Quỳnh dọn dẹp xong cũng vào ngồi máy tính. Tiếng cô gõ máy lách cách, lách cách. Hai vợ chồng dạy hợp đồng và dạy kèm, nên hè nghỉ không lương. Mấy tháng hè cả hai phải ở nhà, cô nói đó là cơ hội để anh nghỉ ngơi, nhưng cô thì vẫn bươn chải tìm việc làm thêm.

Chú thích ảnh

Chú thích ảnh

Mấy hôm nay Vũ trầm lặng hẳn, cả tháng rồi anh không có việc làm, mà ngày nào cũng thấy tiêu tiền. Nhất là tháng 6 vừa qua, chao ôi là đám cưới đám giỗ. Xăng tăng chóng mặt, đổ năm chục ngàn bạc xăng đi một vòng là hết rồi. Ngày nào cũng ăn uống ba bữa, còn tiền sữa cho cu em, tiền học thêm hè cho cu anh. Thật ra anh cũng biết ngân khố không có bao nhiêu, nên dù vợ anh có cố gắng tỏ ra vẫn ổn thì anh cũng vẫn cứ lo lắng. Lo là lo lỡ khi đau ốm rồi tiền đâu mà nhập viện, tiền đâu mà mua thuốc rồi ăn ở chăm bệnh nọ kia. Hôm qua thấy vợ anh mua nhiều rau luộc, mẹ anh tỏ vẻ không vừa ý. Bà nói bóng gió thằng Vũ nó đau ốm, xem mà mua thức ăn cho có dinh dưỡng. Vũ chán nản không nói gì, chỉ thấy vợ anh ậm ừ vâng dạ.

Sắp tới rằm tháng bảy, thấy mẹ anh lau dọn bàn thờ sạch sẽ, bà đánh chùi lư hương, đèn bàn sáng loáng. Rồi bà vung vẩy cầm lấy con dao đi ra khỏi nhà, trước khi ra bà không quên mắng nạt cái Quỳnh vợ anh, bà nói rõ làm người phải giữ sạch sẽ phòng thờ và phòng bếp, nhất là bàn thờ. Quỳnh vừa về nhà, trên tay khệ nệ bưng buồng chuối xanh lặc lè những quả to mọng. Thấy bà cầm dao, Quỳnh hỏi bà đi đâu thì bà đáp lại là đi kiếm trái quả về thờ rằm. Cô nói con đã mua buồng chuối đây rồi ạ. Bà xẵng giọng, còn phải thêm nhiều thứ chứ không phải mình chuối. Quỳnh vẫn cố vớt vát mẹ có cần gì thì nói để con mua, chứ có cái gì ngoài đồng ngoài bãi mà hái, kẻo lại hái trúng hoa lợi vườn nhà người ta. Bà hằn học nhìn Quỳnh mắng xơi xơi, kệ tao, tao thích làm gì tao làm. Ngồi trong phòng để nghe đoạn đối thoại, anh cũng hình dung ra ánh mắt hằm hằm quen thuộc của mẹ mình khi nhìn Quỳnh. Anh chốt cửa trong, ngồi im nhìn ra khung cửa sổ.

Quỳnh lên phòng, thấy chốt trong, cô cũng không gọi. Chắc mấy đứa nhỏ ồn quá nên anh đóng cửa ngủ. Cô xuống bếp chuẩn bị nấu ăn thì mẹ ôm một bó lá to đem về. Cô nhìn nó rồi nhìn bà, cô hỏi: “Mẹ, loại cây này mẹ nói có độc tố nên mấy năm trước mẹ đã vứt hết không đặt lên bàn thờ nữa mà. Sao bây giờ mẹ hái vào thờ”. Bà liền vung lên với cô, thái độ rất hung dữ. Người ta cúng rằm mua quả mua hoa, mua bánh mua chè. Ai lại mua mỗi chuối. Xem dâu nhà hàng xóm mà coi. Quỳnh đành im lặng, cô vội chạy xe đi mua hai bó hoa cúc thật lớn về, lúc đó bà mới chịu vứt những nhành lá đó đi. Bà tỉa hoa trang trí lên hai bình hoa lớn trên bàn thờ, cắt những nải chuối tròn mỉn ra rửa sạch và chưng lên. Thật ra cô đều đã có tính toán, cũng định đi mua đồ cúng rằm. Nhưng hôm nay mới 12, tính bụng ngày mai bán đôi tằm vàng mua ít đồ cúng với đồ ăn, tủ lạnh hết sạch thịt cá rồi, không ngờ bà đã làm hết vậy, nên cô cũng theo. Đành gấp gấp chạy xuống quán chị Liên mua nợ buồng chuối với hai bó hoa, ngày mai sẽ trả tiền. Cô đứng tần ngần một lúc rồi vào bếp nấu ăn. Vũ ở trên phòng ngủ, trong lòng nặng trĩu, bỗng nghe tiếng Quỳnh thủ thỉ dưới bếp: “Hằng ơi, giá vàng hôm nay bao nhiêu vậy? không, vàng tây ấy, vàng tây thường không phải vàng công ty. Mình có đôi tằm mỏng, hồi xưa mua sáu trăm rưỡi, đó mình đưa ra Hằng mua lại cho mình nhé”. Vũ thở dài. Đó là thứ trang sức cuối cùng còn sót lại trên người vợ anh. Chắc chiều nay cũng sẽ ra đi.

Mười hai giờ kém, không thấy chồng xuống ăn, cô không dám gọi. Quỳnh cất đặt đồ ăn cho chồng rồi dọn mâm ra bàn ăn cùng bà và hai đứa. Bữa ăn trầm lặng, chỉ có tiếng đùa nghịch của hai đứa nhỏ. Cô không dám nhìn vào mẹ chồng, cũng không dám nói gì hay hỏi gì. Mười một năm làm dâu, cô đã quen với ánh mắt nặng nề, lời nói gắt gỏng, thái độ hằn học của bà. Mấy năm trước, chồng cô đã phải ra tối hậu thư cho cô là phải tránh xa hết sức có thể, không được nói chuyện, không giao tiếp. Mẹ nói gì thì nghe theo, mẹ làm sai nói sai cũng nghe, không tranh cãi. Bởi vì bà không giống người bình thường, bà có phần dại khờ, ít đi ra ngoài nên bảo thủ, và cũng thật thà nên không biết lựa lời ăn tiếng nói. Chung quy lại là, ngôi nhà này chỉ có mình bà, một mẹ một con cùng nương tựa nhau, cưới cô về và cô sinh hai đứa nhỏ nữa là 5 người. Nhà chỉ có một mẹ, một con dâu, không đông đúc chi lắm mà ì xèo, tranh cãi. Chồng cô cũng có bệnh về thần kinh, nên cô không muốn anh mệt mỏi.

Vũ không ngủ, cũng không xuống nhà. Thật ra, anh sợ phải đối mặt với Quỳnh. Cô đã chịu đựng mẹ anh rất nhiều. Mẹ anh là người phụ nữ bất hạnh, bà có thai anh nhưng cha anh chối bỏ nên sống với ngoại, sống dựa vào ngoại. Ông ngoại anh già 8 chục tuổi rồi vẫn còn đục giường tre để nuôi con cháu. Đến khi anh lớn, ngoại mất, mẹ anh ra sống riêng nhưng cũng không chăn nuôi, trồng trọt, hay kiếm tiền để lo lắng kinh tế. Anh và mẹ cứ thế dựa vào nhau rau cháo qua ngày, anh còn đau ốm nên cũng không thể làm được việc nặng, mẹ anh suốt ngày đau đầu nên bà cũng nằm miết, cũng không chăn nuôi trồng trọt gì. Chưa bao giờ nhà anh cúng đất, cúng rằm hay cúng tất niên hay cúng gì cả. Rằm hay cuối tháng cũng chỉ thắp nén nhang. Từ khi Quỳnh về, cô lo đầy đủ không thiếu một rằm nào, lễ cúng nào cô cũng cúng quảy, mẹ anh thậm chí còn mắng cô là nhiễu sự. Anh cũng không thích cô bày vẽ cúng quảy, một phần vì không quen, nhà anh chẳng bao giờ cúng. Một phần vì anh không tin thần phật, anh bị thần kinh và cúng bái bao nhiêu cũng không lành cho đến khi anh gặp đúng bác sỹ, bác sỹ Phi, bác sỹ tìm ra anh bị bệnh động kinh và từ đó mà anh hồi phục. Có thể đi học sư phạm, gặp Quỳnh và sau này là đi dạy kèm.

Chiếc bàn thờ hiện nay trong nhà anh chính là tiền Quỳnh mua cho mẹ anh khi chuẩn bị cưới, Quỳnh lấy tiền học phí đại học của cô ấy để mua tủ thờ, vì mẹ anh nói, mẹ không có tiền mua tủ thờ, mà không có tủ thờ thì không cưới. Xin cưới từ tháng tư, mãi đến tháng 11, khi tất cả gần đến ngày trọng đại thì mẹ anh trở mặt, Quỳnh đành bỏ học, lấy tiền học phí mua tủ thờ. Lúc ấy, họ hàng nhà gái đều đã chuẩn bị, cô không thể hoãn đám cưới như lời mẹ anh nói. Còn anh khi đó, vì muốn có tiền cưới vợ nên đã đi đánh bạc nhưng thua hết, Quỳnh phải dùng tiền lương dạy hợp đồng để trả nợ cho anh. Anh không có bạn bè, anh em họ hàng cũng không giúp gì cho anh, ngày anh cưới, anh trai họ duy nhất gần gũi cũng bỏ đi nam, nói lý do là anh ấy buồn người yêu. Anh tay không cưới Quỳnh về như vậy.

Trưa dịu mát, trời vào thu lại nghe tin báo bão, không gian dầm im tiếng. Mẹ anh vào ngủ, các con anh vào ngủ. Quỳnh dọn dẹp xong cũng vào ngồi máy tính. Tiếng cô gõ máy lách cách, lách cách. Hai vợ chồng dạy hợp đồng và dạy kèm, nên hè nghỉ không lương. Mấy tháng hè cả hai phải ở nhà, cô nói đó là cơ hội để anh nghỉ ngơi, nhưng cô thì vẫn bươn chải tìm việc làm thêm. Lúc thì bán áo quần rong, lúc thì viết lách. Vũ kéo cửa đi qua phòng làm việc của cô, ngồi ở đầu giường. Quỳnh ngẩng đầu nhìn Vũ. Cô mỉm cười hỏi anh ngủ dậy rồi à? Cô nói Vũ xuống ăn cơm. Gương mặt Vũ lạnh tanh, nhìn cô nghiêm nghị:

- Em mua chuối và hoa hết mấy tiền?

- Chuối buồng 3 nải có 5 chục ngàn, còn hoa hai bó hết 100 ngàn, hết có trăm rưỡi ngàn thôi.

- Trong nhà đã không còn đồng nào, bây giờ miếng ăn cũng không có. Em bày vẽ ra để làm gì?

- Lễ Vu lan là lễ lớn mà anh. Với lại mẹ lau dọn quét tước sạch đẹp như vậy, lại còn muốn có bánh trái thờ, không lẽ mình làm ngơ.

- Có tiền thì mua, không có tiền thì không mua, lễ bạc lòng thành. Có bao giờ mẹ lo chuyện rằm chạp đâu, bữa nay lại còn

- Quỳnh ngắt ngang – Mẹ lo thì tốt chứ. Lẽ ra mấy chuyện đó là của mẹ, mẹ lo lắng thờ cúng, em chỉ việc làm theo thôi. Bấy lâu nay mẹ không lo, em vừa tính việc vừa học hỏi vừa lo lễ lược cũng mệt lắm. Nay mẹ lo vậy cũng tốt mà.

- Rồi tiền đâu? Anh không thích mượn vay hay mắc nợ quán sá. Nghèo cho sạch, rách cho thơm. Họ giàu thì họ cúng lớn, mình nghèo thì mình thắp nhang, bày vẽ ra làm gì.

- Em mắc nợ người ta một ngày thôi. Không sao đâu. Với lại đời thường, việc chợ búa đôi khi nợ qua nợ lại cũng không phải là vấn đề lớn. Anh yên tâm, em tuyệt đối không để anh và gia đình ta mang tai tiếng.

Vũ không nói thêm gì. Anh nhìn căn nhà hai lầu khang trang mà vợ chồng anh gây dựng, đã có lúc trong túi không có lấy 1 ngàn, vợ anh chưa bao giờ nản chí hay từ bỏ, cô vẫn chịu khó cùng anh. Nhưng cứ nghĩ tới việc đôi tằm mỏng cuối cùng bằng vàng ở trên người cô ấy cũng bị bán mất, anh thực sự không nhẫn tâm. Quỳnh ngưng đánh máy bài văn đang viết dở dang, cô không có mạch văn để viết tiếp. Cô tắt máy, ngồi nhìn bóng lưng anh vời vợi. Rồi cô nói:

- Đại lễ vu lan báo hiếu, mà anh và em lại đang cố trở thành bất hiếu. Chúng ta có thể vay ngân hàng 5 chục triệu trả 5 năm, tại sao không thể nợ trăm rưỡi ngàn để làm mẹ thỏa lòng. Chút vàng đó có đáng gì, em đeo nó hay không cũng có làm em đẹp lên hay xấu đi đâu, em cũng không vì đôi tằm vàng đó mà sang hay hèn được. Nó có đáng bao nhiêu trong con mắt người đời. Huống hồ là khi phải so đo với chữ hiếu. Tiền bạc là vật ngoài thân, mà đã là “ngoài” thì nó sẽ không quan trọng bằng “bên trong”.

Rồi cô nói với anh, như nói với chính mình:

- Em biết mẹ không ưa em, luôn tìm cớ hà khắc với em. Em cũng biết mẹ không bao giờ thay đổi cho đến tận lúc mẹ qua đời. Bởi vì bao lần mẹ đau ốm vẫn là em thức đêm canh mẹ, lo cho mẹ từng chút, lau cho mẹ từng chỗ nôn. Mẹ đi vệ sinh, vẫn là em dọn phân cho mẹ mỗi khi tắc cầu. Bao năm qua em xây dựng nhà cửa vượt khó vượt nghèo, không một lần cãi lại mẹ. Nếu là người khác hoặc giống như trong phim, mẹ đã ngộ ra và thương em rồi. Nhưng mẹ vẫn ghét em, rất ghét em. Em cũng buồn, cũng giận, rất giận. Có đôi lần em thậm chí còn không muốn nhìn mặt anh. Nhưng em gọi mẹ là gì, là “mẹ”. Chữ mẹ nặng lắm, nặng hơn chữ em chứ, anh phát âm ra nghe âm trắc vẫn nặng hơn âm bằng mà. Tại sao em có thể nhẫn nhịn một người đồng nghiệp luôn kèn cựa mình, có thể bỏ qua cho những người luôn nói xấu mình, có thể xin lỗi một lỗi nào đó không phải của mình để giữ hòa khí với mọi người xung quanh. Lại không thể nhẫn nhịn trước người mình kêu là mẹ, người đẻ ra chồng mình, người giữ con cho mình đi kiếm tiền, người duy nhất phải lo lắng chuyện bếp núc nhà cửa thay mình nếu mình đau ốm. Vẫn là mẹ đấy thôi. Có bà hàng xóm nào vào bồng con cho em suốt mấy năm vậy mà không lấy một đồng tiền lương không?

Quỳnh mỉm cười, dùng lại nắm lấy tay Vũ. Vũ bỗng nhẹ nhàng giật tay ra. Anh quay người, vòng tay ôm siết lấy Quỳnh. Trần sao âm vậy, mình cho người khác phải chân thành, thì thắp nhang cũng phải thật tâm. Chuyện lễ lược chúng ta không được so đo tính toán, trong chữ hiếu lại càng không. Làm con, chữ hiếu phải tròn.

Vũ ôm Quỳnh trong lòng, trước mắt anh hiện ra hình ảnh mẹ anh mỉm cười cùng Quỳnh, gắp thức ăn vào bát cho cô ấy. Rồi anh lắc đầu, chắc chẳng bao giờ điều đó xảy ra đâu, vì anh đọc được niềm vui của mẹ anh mỗi khi anh mắng Quỳnh. Còn những khi anh hòa thuận cùng Quỳnh, mẹ anh sẽ luôn hằn học khó chịu, đó vẫn là những nỗi niềm rất đàn bà mà anh mơ hồ cảm thấu được. Nhưng dẫu sao, dưới mái nhà của anh, vẫn có viên ngọc nhỏ lặng thầm tỏa hương. Bởi anh yêu mẹ, yêu vợ, và yêu ngôi nhà nhỏ của anh nhất trên đời. Anh hi vọng, rồi một ngày mẹ anh sẽ hiểu thấu.

Chuyện làng quê

Trần Hiền

Nguồn VHPT: https://vanhoavaphattrien.vn/lam-con-chu-hieu-cho-tron-a14592.html