Làm công việc bản thân đam mê, thấy luôn hạnh phúc, ít ai nghèo lắm!
Nhà văn, Nhà báo Hoàng Anh Tú cho rằng, các em học sinh nên chọn ngành nghề yêu thích vẫn hơn việc chạy theo ngành hot.
Ngày 24/3, tại Nhà đa năng - Hội trường C1 của Trường trung học phổ thông dân tộc nội trú tỉnh Bắc Giang đã diễn ra hội thảo "Khởi nghiệp trong thời kỳ cách mạng 4.0".
Sự kiện do Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam phối hợp cùng Trường trung học phổ thông dân tộc nội trú tỉnh Bắc Giang thực hiện.
Diễn giả của hội thảo Nhà văn, Nhà báo Hoàng Anh Tú đã có những chia sẻ về cơ hội và thách thức của việc khởi nghiệp trong thời kỳ "cách mạng 4.0". Bên cạnh đó là trao đổi, giải đáp những thắc mắc của học sinh liên quan chọn ngành, nghề khởi nghiệp cho bản thân các em.
Mở đầu buổi Hội thảo, diễn giả Hoàng Anh Tú cho biết, anh cảm thấy “choáng ngợp” về cơ sở vật chất của nhà trường khang trang đẹp đẽ, việc sinh hoạt học tập của các em học sinh được rèn luyện nề nếp như một “đơn vị quân đội” thu nhỏ.
Tại Hội thảo, Nhà văn, Nhà báo Hoàng Anh Tú đã có những chia sẻ về sự phát triển của các cuộc “cách mạng công nghệ". Và cuộc “cách mạng 4.0” hiện nay đã có những tác động đến mọi mặt của xã hội, thay đổi đổi đời sống của con người.
Ví như công cụ ChatGPT ra đời đã khiến nhiều người lao động phải lo ngại về sự hữu dụng của công cụ này. Đã có nhiều mối lo lắng rằng nó có thể "xóa sổ" nhiều công việc như lập trình, dịch thuật... Hay bên cạnh đó là nguy cơ kẻ xấu có thể dùng công nghệ AI, để tạo ra cuộc gọi lừa đảo với giọng điệu như của nạn nhân...
Diễn giả Hoàng Anh Tú cho rằng, một trong những kĩ năng trong thời đại 4.0 mà các em cần có là xây dựng trí tuệ, quản lý cảm xúc của bản thân. Muốn có một trí tuệ cảm xúc, các em cần phải nhớ là sự biết ơn, hiểu bản thân nhiều hơn. Các em phải học, học không chỉ trong trường lớp mà còn là lắng nghe, học hỏi từ những người khác. Đồng thời phải có ước mơ để hướng tới.
Tại buổi Hội thảo, đã có 9 em học sinh của các khối lớp đặt câu hỏi cho diễn giả Hoàng Anh Tú. Trong đó, nhiều nhất là các em đang học khối 12, những người đang đứng trước ngưỡng cửa chọn nghề, chọn ngành.
Trao đổi với phóng viên Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam, thầy Nguyễn Danh Bắc (Hiệu trưởng nhà trường) chia sẻ, hằng năm nhà trường tuyển sinh 140 em khối lớp 10. Những thí sinh trúng tuyển là con em dân tộc thiểu số ở những địa bàn khó khăn, vùng sâu vùng xa của tỉnh Bắc Giang. Trúng tuyển vào trường, các em được hưởng chính sách hỗ trợ của nhà nước miễn phí về ăn ở, học tập...
Đối với việc sinh hoạt, các em phải tuân thủ nề nếp, giờ giấc học tập, sinh hoạt đúng quy định.
Hằng năm, nhà trường có nhiều đợt tuyên truyền, định hướng nghề nghiệp cho các em. Điều này, nhằm giúp các em chọn được ngành, nghề yêu thích, chứ không phải ra trường đi làm lao động phổ thông tại các doanh nghiệp, công ty.
"Nhà trường không mời các doanh nghiệp, công ty đến để chia sẻ nghề nghiệp, công việc với các em. Thay vào đó, đơn vị phối hợp với Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam và một số đơn vị nhà nước đến để chia sẻ, định hướng ngành, nghề cho các em", thầy Bắc chia sẻ.