Làm Dân phục Nói Dân tin
Ở Khuổi Ma, xã Hùng Lợi (Yên Sơn), Trưởng thôn Sầm Văn Páo được bà con tin yêu lắm. Trẻ người, nhưng những việc làm của Páo không hề trẻ. Anh tính toán kỹ lưỡng, hết lòng vì dân bản, dẫu còn nhiều khó khăn, nhưng dưới sự dẫn đường của Sầm Văn Páo, người Mông ở Khuổi Ma đang từng bước vươn lên dưới ánh mặt trời.
Vươn lên dưới ánh mặt trời
Khuổi Ma - theo người địa phương nghĩa là vùng đất của ma quỷ, không ai dám ở. Năm 1997, những người Mông đầu tiên di cư từ Cao Bằng về, lại chọn đất này làm nơi an cư lạc nghiệp. Sau gần 3 thập kỷ, Khuổi Ma vẫn là vùng đất trũng của xã Hùng Lợi vì hạ tầng chưa đồng bộ: không đường bê tông, không điện, không sóng điện thoại.
Ngồi tiếp khách, thi thoảng Sầm Văn Páo lại chạy xe máy đi đâu đó chừng 5 - 7 phút. Hỏi ra mới biết, Páo chạy xe lên đỉnh đồi hứng sóng điện thoại, trao đổi việc với dân, với xã.
Sầm Văn Páo, sinh năm 1986. Ngày bố mẹ mình chuyển về Khuổi Ma, Páo 11 tuổi. 11 tuổi, Páo mới được đi học lớp 1. Anh kể, ngày đấy, để đến được lớp học ở trung tâm xã, mấy mẹ con phải dậy từ 4 giờ sáng. Mẹ nấu cơm, rồi nắm lại thành từng nắm nhỏ để con mang đến trường. Những học sinh như Páo đốt đuốc đi bộ từ 4, 5 giờ sáng để kịp 7 giờ vào lớp. Mùa nào, đến được lớp học người cũng đã ướt đẫm. Mùa hè thì mướt mải mồ hôi. Mùa đông, sương từ những hàng cây ven đường vương ướt áo quần. Páo bảo, giờ kể không ai tin, nhưng ngày đấy đi học, chuyện gặp hươu, khỉ, lợn rừng là chuyện… thường ngày ở huyện.
Hành trình học cái chữ của Páo vất vả thế, nên khi được dân tin bầu làm Trưởng thôn, việc mà Páo muốn nhất là giảm thiểu tối đa những thiếu thốn, vất vả cho con em mình.
Ở Khuổi Ma có 2 điểm trường Mầm non và Tiểu học. Trước đây, các điểm trường xây dựng ở nơi có địa hình dốc, đi lại khó khăn, lại tiềm ẩn nguy cơ sạt lở mỗi mùa mưa bão đến.
Vừa rồi, cả thôn họp thống nhất di dời 2 điểm trường ra trung tâm thôn, bà con ai cũng nhất trí, nhưng khó khăn nhất là mặt bằng. Páo bàn với bà con, góp tiền để mua mặt bằng xây dựng 2 điểm trường. Rất nhiều bà con nhất trí, nhưng cũng có người bảo mình không có con trong độ tuổi này, mình không nhất trí đâu.
Páo đến từng nhà, bảo con mình lớn rồi, không đi học mầm non, tiểu học nữa, nhưng mấy nữa con mình lấy vợ lấy chồng, cháu mình không đi học ở đây thì học ở đâu?
Hơn 200 triệu đồng được bà con thống nhất góp tiền. Hai điểm trường được xây dựng mới khang trang, đáp ứng nhu cầu học cho hơn 100 học sinh mầm non và tiểu học ở thôn.
Mấy năm nay mưa gió không thuận, Páo lại bàn với bà con góp tiền xây mái vòm cho điểm trường mầm non. Giữa núi rừng Khuổi Ma, điểm trường mầm non được trang bị chẳng kém gì một điểm trường mầm non ở trung tâm cả.
Hơn 11 năm làm Trưởng thôn, Sầm Văn Páo bảo chưa thấy việc gì khó cả. Tất cả mọi công việc liên quan đến bà con, anh họp công khai, xây dựng kế hoạch cụ thể để bà con bàn bạc. Tất cả thống nhất rồi thì thôn sẽ triển khai thực hiện. “Thuận lắm, vì việc chung bà con không tiếc gì đâu” - Sầm Văn Páo chia sẻ thế.
Khuổi Ma chưa có đường bê tông vào thôn. Mỗi năm, bà con ở Khuổi Ma lại góp tiền, tự tu sửa đường 2 lần để việc đi lại được thuận tiện, dễ dàng hơn, chẳng ai so bì tính toán cả.
“Nhớ ơn cán bộ lắm”
Khuổi Ma là một trong những thôn trồng rừng nhiều nhất ở Hùng Lợi. Bao quanh thôn là màu xanh của rừng.
Thời điểm chưa phân 3 loại rừng, người Mông ở Khuổi Ma đã trồng rừng theo Chương trình trồng rừng phòng hộ của tỉnh.
Sầm Văn Páo bảo, nói thế thôi chứ lúc đầu mới vận động cũng khó lắm. Cán bộ xã vào tận nhà, cán bộ kiểm lâm đến tận rừng, nhưng bà con chưa ai hiểu nhiều về lợi ích của rừng trồng. Bà con đang mải với cây sắn - thứ cây ngắn ngày cho tiền tươi ngay sau mỗi vụ thu hoạch.
Nhà Páo là cán bộ thôn, nên phải gương mẫu. Cây rừng lúc bấy giờ được cấp phát miễn phí. Cán bộ kiểm lâm đến tận đồi, hướng dẫn kỹ thuật, cách trồng, cách chăm sóc. Cùng cán bộ đến nhà dân vận động, Páo chỉ nói đơn giản: không trồng rừng là mấy nữa không còn đất mà trồng đâu. Núi Khau Đéc, ngọn núi mà bà con cứ đồn có ma, chẳng ai dám đến, “mình là cán bộ mà còn sợ ma thì nói ai tin”, Páo nghĩ thế. Sầm Văn Páo lặn lội vào cuốc hố trồng rừng. Lúc đấy cũng chẳng nghĩ đến chuyện có nguồn thu từ rừng đâu, chỉ biết trồng, biết chăm cho rừng giữ đất giữ nước thôi.
Thế mà Khuổi Ma cũng trồng được đến 400 ha rừng từ cuộc vận động này.
Trưởng thôn Sầm Văn Páo cười: sau phân ba loại rừng, người dân Khuổi Ma... như trúng số. Nhà ít cũng 5 - 6 ha rừng, nhà nhiều lên đến hơn 20 ha. Đến ngày khai thác gỗ rừng, ai cũng biết ơn cán bộ. “Ngày đấy nếu nó không tận tình, sát sao thì cái cây keo đã bị người dân vùi xuống cho cây sắn lên rồi đấy”.
Nhà Páo năm nay có khoảng 7 ha rừng chuẩn bị cho thu hoạch. Lúc khách đến, Páo mới vội từ rừng chạy về vì đang mở dở đường cho thương lái vào thu mua. 7 ha này, tính sơ sơ Páo cũng có nguồn thu nửa tỷ đồng.
Nhờ rừng, bà con ở Khuổi Ma có một nguồn thu tương đối ổn định. Nhà Páo có hơn 20 ha, nhiều nhà như Vương Văn Páo, Lầu Văn Hành, Sầm Văn Định… cũng có 18 -19 ha.
Sầm Văn Páo cười, cái được lớn nhất từ trồng rừng là có tiền. Cái được thứ 2 là nguồn nước. Anh bảo, từ ngày có rừng, nguồn nước khe từ đâu đổ về trong lành, tươi mát. Nhà Páo, cũng như bà con ở Khuổi Ma giờ dùng nguồn nước này để ăn uống, sinh hoạt.
Phó Chủ tịch UBND xã Hùng Lợi Đỗ Ngọc Ước cho biết, Khuổi Ma năm nay đang được đầu tư xây dựng đường điện, đường giao thông để nối từ trung tâm xã đến trung tâm thôn. Cuối năm nay, đến với Khuổi Ma sẽ là một diện mạo khác rồi.
Nguồn Tuyên Quang: http://www.baotuyenquang.com.vn/phong-su/lam-dan-phuc-noi-dan-tin-165794.html