Làm đẹp 'cấp tốc' đón Tết theo Tiktok nhiều người mất tết

Nghe những chia sẻ bắt tai, thần thánh hóa hiệu quả làm đẹp, không ít bệnh nhân trở thành 'con mồi' của các 'bác sĩ' tự phong trên mạng xã hội và nhận kết đắng.

BSCKII Nguyễn Tiến Thành - Thành viên Hội da liễu Việt Nam chia sẻ, hiện bác sĩ đang tiếp nhận nhiều ca làm đẹp bị biến chứng vì tin "bác sĩ" tự phong tràn ngập mạng xã hội.

Biến chứng do điều trị mụn theo TikTok, sử dụng kem trộn theo mách bảo

Do mặt có mụn nên nữ sinh 19 tuổi ở Bắc Ninh đã dùng kem đánh răng chữa mụn theo hướng dẫn trên TikTok khiến mặt "nở hoa" chi chít.

Chia sẻ với bác sĩ, nữ sinh này kể, trong một lần lướt TikTok, nữ sinh đã tình cờ xem được một đoạn video hướng dẫn mẹo chữa mụn bằng cách bôi một ít kem đánh răng. Thấy kết quả "thần thánh" mụn có thể biến mất ngay sáng hôm sau, nữ sinh đã lập tức làm theo ngay. Thế nhưng 'hiệu quả' mà nữ sinh này nhận được sau một đêm là da mặt không những không hết mụn mà còn "nở hoa", khiến cô phải tức tốc đi khám.

"Bệnh nhân đến khám với tâm lý vô cùng lo lắng và hoảng sợ. Trên mặt có rất nhiều thương tổn, bao gồm: Nhiều mụn viêm, mụn mủ trên nền da đỏ rát, ngứa ngáy, châm chích, khó chịu. Bệnh nhân cũng chia sẻ, bôi kem đánh răng vào vị trí mụn cảm giác ban đầu dịu mát, dễ chịu. Do đó đã bôi nhiều lần trong ngày và với nhiều vị trí trên mặt, gây ra tình trạng kích ứng", Bác sĩ Tiến Thành chia sẻ.

Bệnh nhân được chẩn đoán mụn trứng cá kèm theo viêm da tiếp xúc kích ứng nặng. Với tình trạng này, việc điều trị sẽ phức tạp hơn mụn trứng cá thông thường ban đầu.

Cũng tương tự như nữ sinh này, một nam sinh 16 tuổi đến từ Hải Phòng cũng đến khám BS Tiến Thành với gương mặt chi chít mụn. Bệnh nhân cho biết do đang ở tuổi dậy thì, gương mặt của nam sinh xuất hiện rất nhiều mụn trứng cá, đặc biệt là vùng trán và cằm. Mặc cảm, xấu hổ vì bị bạn bè trêu trọc, nam thanh niên này đã lên mạng tìm thông tin và được giới thiệu một sản phẩm được quảng cáo trị mụn trứng cá tức thì.

Hình ảnh nam sinh có mụn chữa mụn theo hướng dẫn trên mạng khiến da mặt chi chít mụn mủ.

Hình ảnh nam sinh có mụn chữa mụn theo hướng dẫn trên mạng khiến da mặt chi chít mụn mủ.

"Đúng như quảng cáo, sau 2 tuần bôi kem, cả đám mụn trứng cá đều giảm nhiều. Tuy nhiên, khi em tiếp tục bôi thêm 3 tuần thì mụn xuất hiện nhiều hơn, xuất hiện nhiều mụn mủ, mụn bọc, da đỏ mẩn đỏ, ngứa nhiều…" nam bệnh nhân chia sẻ.

Bệnh nhân được chẩn đoán bị biến chứng do kem trộn có chứa corticoid. Tại thời điểm nhập viện da mặt bệnh nhân bị nhiễm khuẩn với chi chít mụn mủ. Bệnh nhân cũng được chẩn đoán: trứng cá do thuốc, da bị tổn thương do corticoid bôi.

Bác sĩ Thành cho biết thêm, đây chỉ là 2 trong số nhiều trường hợp biến chứng, trong quá trình khám chữa bệnh bác sĩ gặp khá nhiều ca bệnh bị tổn thương, biến chứng: mỏng da, giãn mạch, sạm da do bôi kem trộn, kem gây độc tế bào để điều trị nám, mụn, trắng cấp tốc…

Nhiều bệnh nhân chỉ biết khóc khi hỏi nguyên nhân

Theo BS Tiến Thành, trong vòng tháng 12/2023 và tháng 1/2024 bác sĩ đã tiếp nhận hơn 30 bệnh nhân bị biến chứng sau khi làm đẹp tại các cơ sở thẩm mỹ chui, spa, quán cắt tóc. Mặc dù các chuyên gia cảnh báo nhiều lần nhưng vẫn có nhiều người không sợ. Thậm chí bệnh nhân còn giấu, không muốn chia sẻ cho bác sĩ biết là làm ở tình huống như nào, chỉ biết khóc khi hỏi nguyên nhân…

Hiện nay người thực hiện các kỹ thuật chăm sóc da ở một số spa, thẩm mỹ viện, quán cắt tóc thường đi học các khóa ngắn hạn chừng 3-4 tháng theo kiểu dạy nghề, sau đó về trực tiếp làm và quảng cáo tiêm meso; tiêm filler... Điều đáng nói những nơi nhận đào tạo cũng không quan tâm trình độ đầu vào và kiểm tra kết quả đào tạo của học viên.

Theo Bác sĩ Tiến Thành, việc tiêm meso; tiêm filler; hay các thủ thuật xâm lấn cho dùng nhỏ chỉ được thực hiện tại cơ sở y tế được Sở y tế, Bộ Y tế cấp phép hoạt động, được phê duyệt danh mục kỹ thuật trong phạm vi hoạt động chuyên môn.

"Chỉ có một số cơ sở của Bộ Y tế như trường Đại học Y, bệnh viện da liễu,... mới được cấp mã đào tạo về chuyên ngành da liễu thẩm mỹ làm đẹp. Những cơ sở này mới đủ điều kiện được chứng nhận làm các thủ thuật tiêm filler, botox. Những người được phép tham gia khóa học đào tạo này phải là bác sĩ đa khoa, bác sĩ thẩm mỹ, da liễu… Do đó, các nhân viên ở spa, trung tâm làm đẹp, thợ cắt tóc, gội đầu không được học để thực hiện các thủ thuật này". -BS Tiến Thành nói.

Để đảm bảo an toàn cho bệnh nhân, BS. Thành khuyến cáo, các chị em có nhu cầu làm đẹp cần tỉnh táo và sáng suốt để lựa chọn những cơ sở thẩm mỹ uy tín, có đội ngũ tư vấn, bác sĩ chuyên khoa để thực hiện dịch vụ.

Tổn thương da do trị nám theo quảng cáo trên mạng xã hội.

Tổn thương da do trị nám theo quảng cáo trên mạng xã hội.

Thời điểm giáp Tết, dù đã có những cảnh báo nhưng thời gian gần đây vẫn liên tục gia tăng các trường hợp bị biến chứng sau làm đẹp.

Vì sao những khách hàng lại dễ dàng tin và sử dụng các dịch vụ làm đẹp qua quảng cáo?

Chia sẻ câu hỏi này, BS Thành cho biết khi mạng xã hội phát triển, các phiên livestream quảng cáo cơ sở thẩm mỹ đã đưa ra những hình ảnh rất sống động, những người phát ngôn ra các quảng cáo đó xu hướng không phải là những người làm nghề y, không nắm được các chuyên môn y khoa, "chiêu trò" quảng cáo chỉ đánh vào các tiêu chí mà số đông khách hàng thích đó là ngon, bổ, rẻ. Đặc biệt, với những quảng cáo "hết toàn toàn nám sau 1 lần sử dụng; tiêm meso có mấy trăm nghìn đồng,.." thực tế các sản phẩm tốt cũng không thể có giá đó ngay từ nguyên liệu đầu vào. Do đó, khi sử dụng những sản phẩm trôi nổi sẽ khiến hỏng da.

Từ thực trạng này, BS Thành khuyến cáo, khi tiếp thu các thông tin trên mạng xã hội, đặc biệt là các thông tin y khoa, người dân cần có sự chọn lọc thật kỹ càng. Nếu cần tư vấn hoặc điều trị bệnh cần đến cơ sở y tế uy tín để thăm khám và có phác đồ điều trị chuẩn.

Khánh Mai

Nguồn SK&ĐS: https://suckhoedoisong.vn/lam-dep-cap-toc-don-tet-theo-tiktok-nhieu-nguoi-mat-tet-169240119235835483.htm