Làm đẹp- đừng 'gửi trứng cho ác'
Làm đẹp luôn là nhu cầu của nhiều người, đặc biệt là giới nữ. Từ thực tế đó, những năm gần đây, các cơ sở thẩm mỹ ngày càng nở rộ trên địa bàn Đà Nẵng. Tuy nhiên, kéo theo đó đã phát sinh nhiều hệ lụy tiềm ẩn đối với người làm đẹp khi chẳng may tin nhầm các cơ sở thẩm mỹ 'chui'.
Sở Y tế TP Đà Nẵng cho biết, trong năm 2023, ngành Y tế đã thanh tra liên ngành tại 50 cơ sở thẩm mỹ trên địa bàn, tiến hành xử phạt đối với một số cơ sở thẩm mỹ hoạt động “chui”, thực hiện các dịch vụ khi không có năng lực. Hiện có khoảng 30 cơ sở y tế được cấp phép khám chữa bệnh, thực hiện các danh mục kỹ thuật có phạm vi về thẩm mỹ tạo hình là những cơ sở đòi hỏi phải có cán bộ y tế, được Sở cũng như các cơ quan có thẩm quyền cấp phép hoạt động. Tuy nhiên, loại hình chiếm phần lớn trong cộng đồng và rất khó kiểm soát là dịch vụ thẩm mỹ. Đây là loại hình không yêu cầu có cán bộ y tế được cấp phép hoạt động, cung cấp dịch vụ. Tất nhiên những dịch vụ này sẽ bị hạn chế bởi những kỹ thuật không được phép triển khai.
Theo thống kê, trên địa bàn Đà Nẵng hiện nay có hơn 90 cơ sở thực hiện công bố hồ sơ đủ điều kiện, và Sở Y tế Đà Nẵng cũng đã thực hiện công khai, cập nhật danh sách các cơ sở này gửi về UBND các quận huyện, các trung tâm y tế để phối hợp quản lý nhà nước. Với loại hình này rất cần sự tham gia của các cơ quan chức năng mới có hiệu quả được. Đặc biệt là vai trò của truyền thông để người dân nhận thức được những tác hại của các dịch vụ thẩm mỹ không đảm bảo bởi những người không có chuyên môn về y tế. Do đó, rất cần vai trò quản lý địa bàn của quận huyện, các cơ quan có nghiệp vụ như công an để phát hiện vi phạm, xử lý, răn đe, tuyên truyền đến nhân dân.
Công tác này được Công an quận (CAQ) Thanh Khê triển khai và làm rất quyết liệt, qua đó đã phát hiện và xử lý không ít các trường hợp vi phạm. Trong hàng chục vụ việc được phát hiện trong thời gian gần đây, xin nêu một số vụ điển hình. Đó là, lúc 16 giờ 30 ngày 24-10-2023, Đội Cảnh sát kinh tế - môi trường (CAQ Thanh Khê) kiểm tra việc chấp hành pháp luật về bảo vệ môi trường, y tế tại Cơ sở kinh doanh dịch vụ Thẩm mỹ ID Korea do ông Đ.X.T (1995, trú H. Triệu Sơn, tỉnh Thanh Hóa) làm chủ. Tại thời điểm kiểm tra phát hiện cơ sở không trang bị thùng rác chuyên dụng để thu gom, lưu giữ rác thải y tế, rác thải nguy hại tại cơ sở; cơ sở chỉ trang bị thùng rác thông thường không có nắp đậy; không bố trí khu vực để thùng rác y tế. Rác thải y tế để chung với rác thải thông thường. Cơ sở không xuất trình hợp đồng thu gom chất thải nguy hại theo quy định.
Điều đáng nói, “bác sĩ” của cơ sở bà L.T.H (1999, trú H. Nghi Sơn, tỉnh Thanh Hóa) đang thực hiện dịch vụ nâng ngực cho một khách hàng trong khi không có bằng cấp, chứng chỉ hành nghề khám bệnh, chữa bệnh theo quy định. Theo thông tin bà H. cung cấp, bà chỉ mới tốt nghiệp THPT nhưng vẫn được nhân viên marketing của cơ sở giới thiệu là “bác sĩ thẩm mỹ” giỏi nhất Đà Nẵng. Trước khi thực hiện thủ thuật, “bác sĩ” H. đã thực hiện khám sức khỏe, lấy máu của khách hàng với mục đích xét nghiệm nhưng thực tế việc lấy máu chỉ là thủ đoạn để tăng lòng tin về tính chuyên nghiệp của cơ sở. Thế nhưng, thời điểm cơ quan Công an kiểm tra thì phát hiện toàn bộ số máu lấy từ khách hàng đều được cho vào thùng rác trên tầng 3 của cơ sở... Cơ sở hoạt động kinh doanh dịch vụ Spa, thẩm mỹ và thực hiện các thủ thuật gồm: nâng ngực, nâng mũi, dùng máy can thiệp, tiêm Filler, botox và các dược chất khác... vào cơ thể của khách nhưng không có văn bản thông báo đáp ứng đủ điều kiện cung cấp dịch vụ thẩm mỹ của Sở Y tế TP Đà Nẵng theo quy định...
Tương tự, khi kiểm tra Cơ sở thẩm mỹ T.N trong một con hẻm trên đường Điện Biên Phủ (Đà Nẵng), CAQ Thanh Khê ghi nhận tại phòng cung cấp dịch vụ có phát sinh rác thải y tế, có trang bị thùng rác nhưng không có nắp đậy theo quy định. Cơ sở chưa đăng ký hoạt động kinh doanh thẩm mỹ, mua bán dược phẩm theo quy định. Tại cơ sở có 508 sản phẩm các chất làm đầy dùng trong thẩm mỹ, túi nâng ngực các loại không có hóa đơn, chứng từ chứng minh nguồn gốc xuất xứ.
Hay như mới đây, Chủ tịch UBND Q. Thanh Khê đã ký quyết định xử phạt hành chính 320 triệu đồng đối với Cơ sở kinh doanh thẩm mỹ Kangzin (số 368 đường Hùng Vương, TP Đà Nẵng). Đơn vị này đã có các vi phạm: Không thu gom, lưu giữ chất thải nguy hại theo quy định; kinh doanh hàng hóa không rõ nguồn gốc, xuất xứ; cung cấp dịch thẩm mỹ tại cơ sở dịch vụ thẩm mỹ chưa có văn bản thông báo đáp ứng đủ điều kiện; sử dụng thuốc, các chất, thiết bị để can thiệp vào cơ thể người vi phạm hoạt động về chuyên khoa thẩm mỹ; sử dụng người hành nghề không có chứng chỉ hành nghề khám bệnh, chữa bệnh. Cơ sở này bị tước quyền sử dụng giấy phép khám chữa bệnh và tước quyền sử dụng chứng chỉ hành nghề khám, chữa bệnh có thời hạn của ông Ngô Đức Tùng - Giám đốc, người chịu trách nhiệm chuyên môn hoạt động tại địa điểm kinh doanh thẩm mỹ Kangzin.
Rõ ràng, hệ lụy từ các cơ sở dịch vụ thẩm mỹ ngày càng có xu hướng nở rộ, thậm chí có cơ sở hoạt động theo kiểu “luồn lách” hoặc “chui” để thu lợi bất chính, bất chấp mọi nguy cơ, rủi ro tiềm ẩn đối với khách hàng, nhất là giới nữ. Do đó, tăng cường kiểm tra, giám sát, xử lý nghiêm đối với các sai phạm của loại hình y tế này là điều hết sức cấp bách và cần thiết.
Nguồn CAĐN: https://cadn.com.vn/lam-dep-dung-gui-trung-cho-ac-post290234.html